Phát Triển Kinh Tế Từ Mô Hình Nuôi Dê Núi Ở Lạng Sơn
Trước sự phát triển của nền kinh tế thị trường, người nông dân nói chung và nông dân Lạng Sơn nói riêng đã linh hoạt hơn trong việc lựa chọn những mô hình kinh tế phù hợp để vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Trong đó, anh Hoàng Văn Nam, hội viên nông dân ở thôn Bản Háu, xã Tràng Phái, huyện Văn Quan đã tận dụng điều kiện tự nhiên để chăn nuôi dê rất hiệu quả, từ đó thực hiện ý tưởng vươn lên làm giàu.
Thôn Bản Háu, xã Tràng Phái là một thôn có hệ thống núi đá, thảm thực vật lại đa dạng và phong phú nhận thấy đây là điều kiện lý tưởng để chăn nuôi dê thịt, cuối năm 2011, anh Nam đã mạnh dạn chuyển từ nuôi lợn là chính sang đầu tư nuôi dê. Ban đầu, gia đình anh nuôi 7 con cái, 1 con đực, sau một thời gian nuôi, thấy đàn dê của mình phát triển rất nhanh, tỏ ra thích nghi với điều kiện chăn thả ở trong thôn, anh Nam đã quyết tâm đầu tư thêm về kinh tế, phát triển đàn dê về số lượng, đồng thời tận dụng những hang đá mở rộng chuồng trại nhằm tạo cho đàn dê có điều kiện phát triển tốt nhất.
Anh Nam chia sẻ: “Như bao người nông dân khác trong xã, gia đình tôi cũng lựa chọn mô hình chăn nuôi để phát triển kinh tế. Trong những ngày đầu, hướng chăn nuôi chủ yếu chỉ là nuôi lợn, song trước tình hình dịch bệnh thường xuất hiện ở lợn, việc cung cấp lợn thịt ra thị trường cũng gặp khó khăn vì giá thấp, không đem lại hiệu quả kinh tế cao, vì thế sau một thời gian tìm hiểu, tôi đã thay đổi mô hình chăn nuôi dê núi là chính”. Sau mấy năm nuôi dê thịt, anh Hoàng Văn Nam đã có kinh nghiệm trong chăn nuôi. Một trong những kinh nghiệm của anh Nam đó là nuôi dê cần phải chọn cho nó điều kiện sống thích hợp. Từ xa xưa đã sống trên các vách núi, đưa nó trở lại với núi đá là trả lại điều kiện sống tự nhiên cho nó.
Dê con phải tập leo trèo, nhảy thì mới khỏe mạnh, kháng bệnh và săn chắc. Điều kiện núi đá thường khô, sạch sẽ và ít muỗi dù có mưa lớn. Nếu dê có bị ve đốt thì đã có chim khướu, chim quạ nhặt giúp. Dê được chăn thả trên núi đá thịt thường săn chắc, thơm ngon. Cũng qua thời gian, gia đình anh cũng nhận thấy nuôi dê đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nuôi lợn. Hiện nay, mỗi năm, đàn dê của anh Nam được xuất 2 lứa, mỗi lứa 10 – 15 con, mỗi con nặng từ 20 - 25kg. Với giá bán dê thịt hiện nay là 150.000 đồng/kg, một con dê cũng có thể bán được giá từ 3 - 4 triệu đồng. Ngoài bán dê thịt anh Nam còn bán dê giống với giá 100.000 đồng/kg. Trung bình một năm, đàn dê cũng cho gia đình anh Nam thu nhập từ 60 - 80 triệu đồng.
Hiện nay, đàn dê của gia đình anh Nam đã có khoảng 40 con, con nào cũng phát triển khỏe mạnh, việc tiêu thụ dê thịt hay dê giống của nhà anh trên thị trường cũng khá thuận lợi. Nhiều nhà hàng đã thường xuyên đến đặt mua dê thịt của gia đình anh. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi dê của anh Nam, những người nông dân trong thôn Bản Háu thường xuyên đến nhà và được anh trao đổi, hướng dẫn về kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi dê núi. Từ đó, nhằm giúp bà con khai thác các điều kiện thuận lợi về khí hậu, điều kiện tự nhiên của vùng núi đá để phát triển mô hình nuôi dê, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Có thể bạn quan tâm
Chỉ tính riêng năm 2012, toàn thành phố Hà Nội đã có 24 HTX mới thành lập chuyên sản xuất rau an toàn (RAT), đưa số HTX nông nghiệp sản xuất RAT lên trên 100 HTX. Tuy nhiên, khâu đặc biệt quan trọng, quyết định đến hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như phát huy được vai trò "bà đỡ" của các HTX là đầu ra cho sản phẩm hiện vẫn hết sức khó khăn...
Ông Đỗ Hiếu Liêm, 68 tuổi, ở ấp Phú Khương B, xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) là người đi tiên phong và thành công với mô hình nuôi cá tai tượng an toàn sinh học, cho thu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi vụ nuôi. Đây là mô hình mà ngành Nông nghiệp tỉnh đang khuyến khích nông dân áp dụng, đồng thời có chủ trương nhân rộng ra những địa phương khác.
Để đạt được những mục tiêu gieo cấy 5.100 ha lúa, năng suất 55 tạ/ha, huyện Yên Phong chỉ đạo các xã, thị trấn bám sát định hướng của ngành Nông nghiệp, điều kiện thực tế của địa phương để xây dựng kế hoạch.