Giá / Mô hình kinh tế

Phát triển gà đồi tiêu chuẩn theo mô hình hội chăn nuôi

Phát triển gà đồi tiêu chuẩn theo mô hình hội chăn nuôi
Tác giả: Thu Giang
Ngày đăng: 03/03/2017

Tận dụng địa hình đồi dốc phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của gà đồi, xã Nam Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội từng bước xây dựng chuỗi chăn nuôi gà đồi với sản lượng khoảng 36.000 con mỗi năm.

Trong ảnh: Gà đồi Sóc Sơn chủ yếu được nuôi thả trong vườn. Ảnh: Bizmedia.

Sóc Sơn là một huyện nằm ở phía Bắc của thủ đô Hà Nội với địa thế chủ yếu là đồi núi. Điều kiện tự nhiên này tạo thuận lợi cho các xã Nam Sơn, Bắc Sơn của huyện chăn thả gà đồi sạch. Cuối năm 2014, Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn được thành lập theo quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố. Từ đó, chuỗi liên kết gồm đơn vị chọn giống, người chăn nuôi và cơ sở giết mổ, đóng gói, tiêu thụ được hình thành.

Anh Nguyễn Văn Đông - một thành viên của hội cho biết: "Hiện nay, hội có trên 30 thành viên. Để tham gia vào mô hình này, hộ nuôi phải đáp ứng được các tiêu chí như diện tích đất rộng, cách xa khu dân cư và có nguồn nhân lực, tiềm lực".

Gia đình anh Đông đang nuôi khoảng 7.000 con trong khu vực đồi rộng 3 ha. Theo anh, địa thế đất đồi, cách xa các khu vực nhà máy khiến môi trường tại đây trong lành, thích hợp để gà đồi thoải mái vận động.

Hiện nay, hai giống gà được nuôi chủ yếu tại xã Nam Sơn và Bắc Sơn là gà Sóc Sơn 1 - với thời gian nuôi từ 5 đến 5,5 tháng mỗi lứa và gà SS03 nhập từ Đường Lâm, Sơn Tây nuôi lấy thịt sau 3 đến 3,5 tháng.

Anh Đông cho biết: "Do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát nên giá trị thương phẩm của gà đồi Sóc Sơn chưa cao. Hướng tới nhu cầu sản xuất thực phẩm sạch và xây dựng thương hiệu tập thể, các tiêu chí của hội chăn nuôi gà đồi được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn VietGap, bước đầu đáp ứng về môi trường nuôi, vệ sinh chuồng trại và thức ăn chăn nuôi".

Anh Đông (bên phải) cho gà ăn buổi sáng. Ảnh: Bizmedia.

Công tác vệ sinh chuồng trại được thực hiện đầy đủ, cẩn thận trước, trong và sau khi gà xuất chuồng. Người dân phun thuốc sát trùng, dọn sạch chất thải, rắc vôi bột vào sân vườn và cách ly từ 25 đến 30 ngày trước khi bắt đầu thả lứa gà mới và sau khi xuất bán. 

Bên cạnh đó, nước uống cho gà cũng lấy từ giếng khoan lên bể, đi qua hệ thống chảy và bể lọc rồi mới dẫn về các máng. Ngoài chế độ ăn cám chuyên dụng, gà được cho ăn thêm rau và các loại côn trùng, sâu bọ trong tự nhiên. Thời gian tiêm phòng cho gà bắt đầu từ khi còn nuôi úm. Trước khi xuất bán, cán bộ thú y sẽ tới kiểm tra sức khỏe cho đàn gia cầm lần cuối.

Gà xuất chuồng thường nặng từ 1,8 đến 2,1 kg, mào gà đỏ tươi, lông sáng óng mượt, mắt tinh nhanh, màu da chân vàng tự nhiên, mào đỏ đẹp, lông óng mượt. Thịt gà săn chắc ngọt đậm, thơm đặc trưng của giống gà thả đồi.

Năm 2016, Hội chăn nuôi gà đồi Sóc Sơn làm hồ sơ xin cấp chứng nhận thương hiệu tập thể "Gà đồi Sóc Sơn". Hiện nay, giống gà này chủ yếu được bán cho thương lái đặt mua tại vườn thả và phục vụ các bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện. 


Có thể bạn quan tâm

Lãi hơn 800 triệu đồng từ 3.000 gốc chanh đào Lãi hơn 800 triệu đồng từ 3.000 gốc chanh đào

Mạnh dạn phá bỏ gần 2 ha nhãn lâu năm để chuyển đổi sang trồng chanh đào, sau 2 năm, anh Vũ Văn Thiết thu được lợi nhuận hơn 800 triệu đồng.

03/03/2017
Đàn gà sạch 'đẻ' tiền triệu mỗi ngày ở miền Tây Đàn gà sạch 'đẻ' tiền triệu mỗi ngày ở miền Tây

Tổ hợp tác nuôi gà đẻ theo quy trình sạch ở Long An sau khi trừ chi phí mỗi năm một hộ thu lợi nhuận trên nửa tỷ đồng.

03/03/2017
Thu tiền tỷ nhờ trồng hồ tiêu xen cà phê Thu tiền tỷ nhờ trồng hồ tiêu xen cà phê

Cách đây 20 năm khi thấy những cây chắn gió quanh bờ lô cà phê lên tốt, anh Nguyễn Ngọc Nghĩa đã tận dụng trồng xen hồ tiêu, mỗi năm cho thu thêm trên 1 tỷ đồng

03/03/2017