Phát Triển Cây Ca Cao Cần Những Cú Hích
Cây ca cao đã và đang mở ra triển vọng cho những vùng đất được đánh giá là điều kiện sinh thái không phù hợp với những loại cây công nghiệp dài ngày khác như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk. Tuy nhiên, việc phát triển cây ca cao hiện nay cũng đang gặp những rào cản…
Hiệu quả từ Ea Kar
Ea Kar không phải là địa phương đầu tiên được chọn để trồng cây ca cao, nhưng lại phát triển mạnh trong những năm gần đây với gần 1.000 ha, chủ yếu trồng theo nông hộ. Qua đó cho thấy Ea Kar đã có sự quan tâm đối với loại cây trồng này qua việc quy hoạch phát triển, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân gắn bó, mở rộng diện tích, đặc biệt coi đây là loại cây hàng hóa. Huyện đã thành lập hợp tác xã (HTX) nông nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ ca cao Ea Kar, từng bước gắn kết người trồng ca cao với doanh nghiệp, Nhà nước và nhà khoa học.
Đây là bước đột phá nhằm tạo nên chuỗi chế biến - tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm ca cao chất lượng cao, ổn định và bền vững. Nếu như có một giai đoạn bà con nông dân chưa mặn mà với loại cây trồng này, thì với vai trò “bà đỡ”, HTX ca cao Ea Kar đã gắn kết 450 người trồng ca cao của 8 xã, thị trấn: Ea Đar, Cư Ni, Ea Ô, Cư Jang, Ea K’mút, Cư Ea Lang, Ea Pal và thị trấn Ea K’nốp, với diện tích 400 ha ca cao trồng xen điều, trong đó 250 ha kinh doanh được trồng từ năm 2007 đến 2009. Hiện nhiều người trồng ca cao ở huyện Krông Năng cũng mong muốn trở thành xã viên của HTX. Một thực tế không thể phủ nhận, khi đã trở thành xã viên HTX, tình trạng chuyển đổi ca cao sang trồng cây khác không còn xảy ra.
Ông Thái Xuân Quang, Chủ nhiệm HTX cho biết: không như những loại cây công nghiệp dài ngày khác, cây ca cao tương đối mới mẻ với bà con nông dân, mỗi hộ chỉ trồng khoảng 200 cây nên cũng chưa xem đây là cây trồng chủ lực, vì vậy không đầu tư chăm sóc thích hợp dẫn đến năng suất thấp và chất lượng không đạt; mặt khác một số loại côn trùng, bệnh hại phát triển mạnh gây tâm lý hoang mang cho nông dân trồng ca cao.
Chính vì vậy, có thời điểm bà con sẵn sàng chuyển đổi ca cao sang cây trồng khác, nhưng khi người dân xem ca cao là cây trồng chủ lực thì sẽ có sự đầu tư thâm canh, ca cao sẽ là cây xóa đói giảm nghèo. Một ha đất trồng ca cao xen điều, mỗi năm cho thu nhập trên 85 triệu đồng, trong đó 67,5 triệu đồng tiền ca cao.
Đây là khoản thu nhập không nhỏ đối với những vùng đất được đánh giá là không có điều kiện sinh thái phù hợp với cây công nghiệp khác. Đồng hành cùng với người trồng ca cao, trong những năm qua, ngoài trang bị kỹ thuật trồng, thâm canh, cung ứng cây giống ca cao ghép đạt chất lượng, HTX đã đảm nhận tốt vai trò đầu mối thu gom và tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản lượng ca cao hiện có.
Hiệu quả kinh tế cao, thị trường ổn định, cây ca cao bắt đầu “hấp dẫn” bà con nông dân huyện Ea Kar và một số địa phương lân cận. Năm 2012, trong khi các địa phương nằm trong vùng quy hoạch phát triển cây ca cao của Dak Lak không mở rộng diện tích, thì HTX đã trồng mới thêm 100 ha, nâng tổng số diện tích ca cao trồng mới trong 2 năm 2012-2013 lên 200 ha.
Cần đầu tư vốn và sớm quy hoạch vùng chuyên canh ca cao
Được đánh giá là vùng đất có điều kiện thuận lợi để phát triển ca cao, từ năm 2006 Dak Lak đã tăng cường hợp tác để mở rộng diện tích thông qua các dự án hỗ trợ của tổ chức nước ngoài cũng như tranh thủ sự quan tâm của nhà khoa học trong và ngoài nước; các trường đại học, tổ chức phi chính phủ giúp nghiên cứu, đánh giá, quy hoạch, xây dựng các chương trình phát triển ca cao tại địa phương. Cuối năm 2011, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 40 về phát triển cây ca cao, theo đó Dak Lak sẽ đầu tư hơn 34,5 tỷ đồng hỗ trợ việc mở rộng diện tích đến năm 2015.
Ông Phan Hùng Cường, Phó trưởng phòng trồng trọt (Sở NN&PTNT) khẳng định: phát triển cây ca cao là chủ trương đúng, nhất là trong bối cảnh Dak Lak đang đẩy mạnh tái canh các diện tích cà phê. Thực tế sản xuất chứng minh, với những ưu thế vượt trội, ca cao là cây trồng tốt nhất có thể thay thế cà phê ở những nơi điều kiện phát triển không thuận lợi; mặt khác, giá ca cao trong những năm gần đây ổn định, đầu ra thuận lợi.
Tuy nhiên, hiện việc mở rộng diện tích ca cao đang gặp nhiều trở ngại, ngoài nguyên nhân khách quan như ca cao là cây trồng mới, chưa thể hiện tính hiệu quả vượt trội so với các cây trồng khác, nông dân các huyện nghèo thiếu vốn đầu tư... thì việc chậm bố trí vốn phát triển ca cao theo Nghị quyết số 40 của HĐND tỉnh ít nhiều đã ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển diện tích ca cao.
Được biết, năm 2012 phần lớn ca cao được trồng mới nhờ dự án phát triển ca cao bền vững tại các nông hộ (giai đoạn III), nhưng đây chỉ là dự án hỗ trợ kỹ thuật nên việc mở rộng diện tích gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy để cây ca cao “bén duyên” với bà con nông dân vùng khó khăn cần khẩn trương hoàn thành quy hoạch các loại cây công nghiệp dài ngày đến năm 2012 làm cơ sở cho các địa phương mời gọi đầu tư.
Trên cơ sở quy hoạch các vùng chuyên canh ca cao, Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ đầu tư hoặc lồng ghép các chương trình phát triển nông nghiệp để đầu tư cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển vùng chuyên canh ca cao bền vững, các công ty thu mua ca cao cần xây dựng vùng nguyên liệu một cách bền vững. Đặc biệt cần sớm bố trí vốn hỗ trợ phát triển diện tích ca cao đáp ứng nhu cầu đầu tư thâm canh.
Để điều này trở thành hiện thực là một chặng đường dài, cần sự vào cuộc của nhiều ngành chức năng cùng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc lựa chọn cây trồng phù hợp; tiếp đó là cần nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn để chính sách hỗ trợ phát triển cây ca cao được nhanh chóng đến với người dân.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 2.559 ha ca cao, trong đó diện tích kinh doanh 965 ha; năng suất hạt khô ước đạt 15,02 tạ/ha. Hạt ca cao lên men được các công ty thu mua trong và ngoài nước đánh giá đạt chất lượng tốt, vì có cỡ hạt lớn (khoảng 80 - 100 hạt/gam).
Theo dự án quy hoạch vùng phát triển ca cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 là 6.000 ha, trong đó 2.000 ha kinh doanh, sản lượng từ 2.800 tấn - 3.000 tấn hạt. Như vậy từ nay đến năm 2015, mỗi năm Dak Lak sẽ trồng mới khoảng 1.000 ha ca cao.
Có thể bạn quan tâm
“Hơn 50% số dân lúc nào cũng có khoảng 200 - 300 triệu đồng trong nhà, nhiều người đã trở thành triệu phú, tỷ phú... nhờ vào tôm hùm” - lời kể của anh bạn mới quen về quê hương Cam Bình khiến tôi bỏ lửng chuyến công tác, rẽ ngang vào xã đảo giàu có ở đất Cam Ranh (Khánh Hòa)...
Gần đây, phong trào nuôi bò vỗ béo phát triển mạnh ở xã Bắc Phong (Thuận Bắc). Nhiều hộ nuôi giàu lên nhờ có kinh nghiệm trong chọn giống, chế độ chăm sóc hợp lý.
Với giá thành rẻ, tác dụng chống oxy hóa cao, nên ethoxyquin được sử dụng rất rộng rãi trong sản xuất thức ăn thủy sản tại Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới. Do đó, cấm hẳn việc sử dụng ethoxyquin trong sản xuất thức ăn thủy sản là khó khả thi