Phát Triển Bò Lai Bằng Phương Pháp Thụ Tinh Nhân Tạo Ở Bình Thuận
Hiện nay, việc áp dụng thụ tinh nhân tạo (TTNT) cho bò sữa, bò thịt cao sản đang được nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện. Đây là một trong những phương pháp hiệu quả, có nhiều ưu điểm, góp phần nâng cao chất lượng và số lượng đàn bò nuôi…
Điển hình
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số lượng bò của tỉnh hiện có khoảng 167.153 con. Khác với những năm trước, ngày nay, hầu như máy móc đã thay thế dần sức kéo, nên chăn nuôi chủ yếu để lấy thịt, sữa. Do vậy, áp dụng khoa học kỹ thuật mới, lai tạo được những con bò giống tốt là mục tiêu được người nuôi lựa chọn. Trong đó, TTNT là một phương pháp tiên tiến, hữu hiệu hơn cả.
Điển hình tại huyện Hàm Thuận Bắc có 3 điểm thụ tinh nhân tạo tại các xã Thuận Minh, Hàm Chính và Hồng Sơn, với 6 dẫn tinh viên (DTV) đang hoạt động. Đây cũng là địa phương có phong trào mạnh về áp dụng phương pháp TTNT trong chăn nuôi bò của tỉnh. Hình thức chăn nuôi của bà con địa phương chủ yếu theo hộ gia đình, mỗi hộ nuôi từ 2 - 5 con bò sinh sản, thức ăn tận dụng từ cỏ và cành ở vườn thanh long. Đặc biệt, đa số bà con địa phương biết phát hiện bò lên giống và chọn thời điểm phối thích hợp, có ghi chép sổ sách theo dõi. Có thể kể đến hộ ông Lê Văn Bảy (thôn Thắng Lợi, xã Hàm Thắng, Hàm Thuận Bắc). Trước năm 2002, gia đình ông chỉ nuôi bò cỏ và thả theo đàn, nên thu nhập không cao. Đến năm 2006, qua tham dự các lớp tập huấn về chăn nuôi bò, từ đó ông nhận thức rằng chăn nuôi bò cần áp dụng kỹ thuật, mà then chốt là TTNT. Xuất phát với 8 con bò cái địa phương cho TTNT, đến năm 2013, tổng số bò cái sinh sản của gia đình ông Bảy gồm 15 con, có máu lai từ F1-F2. Hàng năm ông xuất bán từ 9 - 11 con (khoảng 10 tháng tuổi) cho các hộ có nhu cầu làm giống, với giá từ 12 - 15 triệu đồng/con (cao hơn bò bình thường từ 3 - 4 triệu đồng).
Mở rộng áp dụng phương pháp TTNT
Toàn tỉnh hiện có 18 DTV, hoạt động tại các địa phương trong tỉnh. Trong đó, từ năm 2002 đến năm 2004, bình quân mỗi năm các DTV phối có chửa khoảng 400 con bò. Từ năm 2005 đến 2011, mỗi năm phối có chửa bình quân 4.000 con bò (được Nhà nước hỗ trợ qua mô hình khuyến nông). Riêng từ năm 2011 - 2012, phong trào TTNT không có sự hỗ trợ của Nhà nước, mà các DTV tự đầu tư mua tinh và vật tư để phối giống. Bình quân mỗi năm phối có chửa trên 5.400 con.
Ông Nguyễn Việt, một DTV trên địa bàn TP. Phan Thiết cho biết: “Người chăn nuôi cần biết phát hiện bò lên giống, thời điểm phối giống và báo cho DTV kịp thời. Bởi tỷ lệ phối có chửa phụ thuộc 50% vào người chăn nuôi (trừ các bệnh tật) và 50% thuộc về DTV có tay nghề. Bà con có thể đến liên hệ trực tiếp tại Trạm Khuyến nông ở các địa phương để được hướng dẫn”.
Theo ông Việt, lý do các hộ chăn nuôi bò chọn phương pháp TTNT tăng cao bởi những ưu điểm vượt trội của nó. Chẳng hạn như TTNT cần ít đực giống và chỉ chọn những đực giống tốt cho sản xuất tinh. Mỗi lần lấy tinh, sau khi pha loãng có thể được 100 - 150 liều tinh. Ngoài ra, TTNT còn làm giảm chi phí nuôi đực giống, chi phí vận chuyển đực giống đến nơi phối giống. Bê sinh ra từ TTNT có trọng lượng lớn hơn từ 2 - 7 kg, ngoại hình đẹp, dễ nuôi, ít bệnh tật và thuận tiện cho việc quản lý giống…
Xuất phát từ những lợi ích của phương pháp TTNT, người chăn nuôi bò trong tỉnh hiện đang có xu hướng nhân rộng, phát triển bò lai để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, bà con đang mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ, phát triển giống bò chuyên thịt cao sản để tăng mức thu nhập, và cung cấp sản phẩm thịt chất lượng cao cho người tiêu dùng.
Có thể bạn quan tâm
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) vừa kiến nghị Chính phủ quy định xuất khẩu cá tra là ngành sản xuất đặc thù và có điều kiện nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành thủy sản xuất khẩu quan trọng này.
Ninh Phước có tổng diện tích tự nhiên 342,3 km2, trong đó diện tích đất canh tác nông nghiệp hàng năm có gần 26.000 ha. Xác định vai trò quan trọng của sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn trong cơ cấu kinh tế, những năm qua Ninh Phước đã thực hiện nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả, năng suất cao.
Hơn phân nửa số người nuôi cá tra ở tỉnh An Giang hiện nay đành chấp nhận treo ao, số còn lại một phần đang thoi thóp đeo bám nghiệp nuôi cá tra và có một số người đã đem con cá lóc về nuôi ngay trong ao cá tra với hy vọng làm giảm bớt khoản nợ nần từ nghề nuôi cá tra trước đó để lại.