Phát Huy Hiệu Quả Mô Hình “Dân Vận Khéo”
Kết hợp các mô hình “Dân vận khéo” để huy động sức dân trong phát triển kinh tế được phường Tân Thành, TP Cà Mau, coi là chìa khoá thành công trong công tác xoá đói giảm nghèo, đưa kinh tế phát triển xứng với tiềm năng lợi thế của địa phương.
Được thành lập từ năm 2009, trên cơ sở tách ra từ xã Tân Thành, với đặc thù nuôi cá, trồng lúa và làng nghề dệt chiếu đã tạo nên những nét riêng của phường Tân Thành. Không chỉ dừng lại ở việc phát triển con cá chình, cá bống tượng, hiện nay địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình đa canh mang lại giá trị kinh tế cao.
Theo ông Phan Minh Thuý, Chủ tịch Hội Nông dân phường, mô hình đa canh xuất hiện từ những năm 2002, thế nhưng chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao do nông dân chưa nắm bắt, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
Qua 6 năm, với sự chỉ đạo của cấp uỷ, sự giúp đỡ của Hội Nông dân thành phố, sự chung tay vào cuộc của các đoàn thể, mô hình Cánh đồng 70 triệu đồng/ha/năm xuất hiện. Đây là bước ngoặt quan trọng đánh dấu sự thay đổi tư duy canh tác của người nông dân.
Từ 19 ha ban đầu, thu hoạch bình quân khoảng 82 triệu đồng/ha, sau 4 năm “Cánh đồng 70 triệu” của nông dân có mức thu nhập bình quân trên 115 triệu đồng/ha/năm.
Đồng chí Huỳnh Thanh Phát, Trưởng Ban Dân vận, cho biết: Phong trào thi đua xây dựng mô hình “Dân vận khéo” đã được triển khai sâu rộng tạo sự chuyển biến về nhận thức của nhân dân, huy động được nhiều nguồn lực và lực lượng làm công tác vận động quần chúng; tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương.
Sau nhiều năm triển khai mô hình “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế, điều quan trọng rút ra là: để kinh tế phát triển ổn định, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao thì cần quan tâm đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân.
Không phải chờ đến lúc lúa trổ bông, cá phát triển… những mô hình này mới được đưa vào áp dụng đại trà mà bắt đầu từ khi có chủ trương, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận đã xuống từng nhà, vận động, giải thích cho bà con thấy được cái hay của phương thức sản xuất mới, áp dụng khoa học - công nghệ tạo bước chuyển rõ rệt trong thu nhập và đời sống của bà con.
Từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”, đời sống nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo của phường hiện nay còn 4,29%, nhà ở kiên cố, bán kiên cố chiếm gần 90%. Các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”; chương trình “5 không, 3 sạch”... được nhân dân đồng tình hưởng ứng tích cực.
Ông Cao Ngọc Ngỡi, hội viên CLB “Cánh đồng 70 triệu”, chia sẻ: “Nhờ có cán bộ đến vận động, tuyên truyền cách làm khoa học, đưa giống mới, kỹ thuật mới vào sản xuất, chăn nuôi mà gia đình tôi có thể duy trì cho các con được học hành đến nay.
Ngoài thế mạnh của con cá chình, cá bống tượng, gia đình còn tận dụng bờ ao trồng hoa màu. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài nên kinh tế mới ổn định”. “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế đã giúp người dân “mắt thấy, tai nghe”. Từ đó, mở ra hướng tư duy mới giúp họ chủ động khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương.
“Có thể khẳng định, công tác dân vận trong vận động quần chúng đã tạo sự đồng thuận cao trong nội bộ Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, tạo thêm sức mạnh đoàn kết, thống nhất trong cộng đồng dân cư, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra”, đồng chí Huỳnh Thanh Phát khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Cây dâu, con tằm đã gắn bó với người dân xã Đắk Lua (huyện Tân Phú - Đồng Nai) gần 20 năm nay. Có thời kỳ trồng dâu, nuôi tằm ở vùng đất ngập lụt này phát triển khá mạnh.
Được chứng kiến những việc làm ý nghĩa của ông Hoàng Văn Lân - Chủ tịch Hội ND xã Thiệu Trung (huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa), chúng tôi mới hiểu vì sao ông được ND nơi đây quý mến.
Chị Lê Kim Phụng, ngụ ấp Bình Phú 2, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành là một trong những người theo nghề nuôi cút đầu tiên ở xã. Sau 7 năm gầy dựng thành đàn và mở rộng quy mô, cộng với học tập từ những điểm sản xuất giống và các lớp kỹ thuật của Hội Nông dân tổ chức, đến nay, chị đã làm chủ trại cút trên 100 chuồng với 16.000 con, đem lại nguồn thu nhập hàng tháng hơn 15 triệu đồng.