Phân bón vô cơ đa thành phần
Sự đa dạng về thành phần dinh dưỡng với các tỷ lệ tham gia cân đối cho từng loại cây trồng, đất trồng, từng giai đoạn sinh trưởng...
Hệ thống thiết bị sản xuất phân bón NPK đa thành phần
Đó là một cách gọi tên một loại phân bón vô cơ có nhiều thành phần dinh dưỡng đạm, lân, kali (N,P,K) và có thể bổ sung các loại trung, vi lượng do Cty TNHH MTV On Oanh, tỉnh Vĩnh Long sản xuất, toàn bộ thiết bị, công nghệ do Cty CP Phân bón và Dịch vụ tổng hợp Bình Định chuyển giao.
Sự đa dạng về thành phần dinh dưỡng với các tỷ lệ tham gia cân đối cho từng loại cây trồng, đất trồng, từng giai đoạn sinh trưởng đã được các “Bác sỹ ” nông nghiệp nghiên cứu kê đơn, phân bón vô cơ đa thành phần được ví như “bữa ăn soạn sẵn” giúp cây trồng hấp thu dinh dưỡng một cách cân đối, an toàn và phát triển ổn định.
Ngoài các loại phân đơn chỉ có một thành phần đa lượng đạm (N) như Ure, Amoni sunphat (SA),…; kali (K2O) như kali clorua (KCl), kali sunphat (K2SO4),… hay phân Mono Amonium Phosphate (MAP), Amoni photphat (DAP) có chứa 2 thành phần đạm (N) và lân (P2O5)…, trên thị trường hiện nay còn có khá đa dạng các loại phân bón NPK.
Có thể phân thành 2 nhóm: Nhóm phân NPK nhiều màu (thường gọi 3 màu), các nhà sản xuất chỉ phối trộn các thành phần phân đơn dạng hạt với nhau theo những tỉ lệ hàm lượng yêu cầu, trong đó mỗi viên phân đại diện cho 1 màu và chỉ có 1 thành phần dinh dưỡng như urê màu trắng có 46% (N), kali màu đỏ có 60% (K2O), hoặc DAP màu xanh có 2 thành phần 18% (N) và 46% (P2O5).
Điểm hạn chế của loại phân bón này là tỉ trọng, cỡ hạt của các hạt không đều nhau, thành phần các hạt là độc lập nhau, nên tuy được phối trộn đều vẫn dễ xảy ra hiện tượng phân tầng trọng lực trong quá trình lưu kho vận chuyển làm thay đổi hàm lượng cục bộ so với tỷ lệ công bố trên bao bì. Khi sử dụng nếu không trộn đều lại thì mật độ phân bố các hạt phân bón không đồng đều trên đất, cây trồng hấp thụ dinh dưỡng cũng sẽ giảm cân đối, đặc biệt đối với cây trồng cạn.
Chính vì vậy nhóm phân bón NPK dạng một hạt (còn gọi là một màu) với sự hiện diện của các thành phần N,P,K trong cùng một hạt phân bón giải quyết được các hạn chế nêu trên của phân NPK ba màu. Ngoài ra, nhà sản xuất còn có thể bổ sung thêm các trung vi lượng cần thiết cho cây trồng. Loại phân này còn được gọi là phân bón vô cơ đa thành phần.
Khái quát về các công nghệ sản xuất phân bón vô cơ đa thành phần hiện có trong nước: Phân bón vô cơ đa thành phần dạng một hạt có thể chứa từ 2 - 3 thành phần N,P,K như NP, PK NK, hoặc NPK. Nếu bổ sung các trung vi lượng thì được gọi thêm cụm từ bổ sung trung vi lượng (TE). Các công nghệ tạo hạt phân bón vô cơ đa thành phần dạng một hạt hiện đang được các nhà máy trong nước áp dụng như: Tạo hạt đĩa quay, tạo hạt hơi nước, hóa lỏng urê, ép hạt Rulo, tạo hạt tháp cao, công nghệ hóa học hay công nghệ sử dụng khí nóng tạo hạt… Sản phẩm thu được là phân bón NPK vô cơ đa thành phần dạng một hạt (có chứa các thành phần N, P, K trong cùng một hạt sản phẩm). Mỗi công nghệ sản xuất đều có những ưu và hạn chế khác nhau nhưng về bản chất đều sử dụng yếu tố nhiệt độ và độ ẩm, tạo môi trường nóng ẩm hình thành hạt.
Cty TNHH MTV On Oanh là doanh nghiệp nhiều năm sản xuất phân bón NPK 3 màu tại tỉnh Vĩnh Long. Từ năm 2015, nắm bắt được cơ hội phát triển dòng sản phẩm phân bón NPK dạng 1 hạt, công ty đã đầu tư thực hiện dự án “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất phân vô cơ đa thành phần bằng công nghệ sử dụng khí nóng tạo hạt” với sự hỗ trợ kinh phí nghiên cứu khoa học từ Bộ Khoa học và công nghệ.
Nguyên lý tạo hạt của công nghệ là sử dụng nhiệt và ẩm độ nhất định tạo ra môi trường nóng ẩm để hình thành hạt trong thiết bị chuyên dùng, lợi dụng khả năng tan chảy của các thành phần nguyên liệu ở điều kiện nóng ẩm tạo dung môi kết dính giúp các nguyên liệu liên kết và hình thành các hạt phân bón. Chất lượng sản phẩm ổn định, bóng đẹp được người nông dân đón nhận.
Đến nay sản phẩm đã có mặt hầu hết ở các vùng thị trường đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, miền Trung,… và đã xuất khẩu sang thị trường Myanmar.
Có thể bạn quan tâm
Nông nghiệp 4.0 là xu thế của quốc tế, là lựa chọn của nhiều quốc gia, song chúng ta với đa dạng sản phẩm, hạ tầng vật chất cũng như công nghệ thông tin
Bao lần khó khăn, thất bại nhưng anh Nguyễn Văn Liệu vẫn luôn tin vào một điều mình có thể làm lại và làm tốt hơn và anh Liệu đã trở thành 1 tỷ phú cá vược
Anh Vũ Công Định, ở ấp Phú Hòa B, xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự chấp nhận bỏ nghề dạy học về nhà trồng cây dược liệu mỗi năm thu hơn 1 tỷ đồng.