Ông Vua Nuôi Cá Ở Hương Thuỷ

Với 0,6 ha mặt nước nuôi cá giống và cá thịt, mỗi năm xuất bán hơn 24 tấn cá thương phẩm và hơn 2 triệu con cá giống, ông Hồ Bá Quang, ở tổ 18, phường Phú Bài, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế đã trở thành triệu phú, với thu nhập hàng năm 700 triệu đồng.
Ông cho biết: Năm 1979 ông lên đường nhập ngũ. Năm 1987, giải ngũ trở về quê hương, vào công tác ở Công ty xuất khẩu Thuỷ Sản tỉnh và lập gia đình ở tuổi 34. Mặc dù hai vợ chồng luôn chăm chỉ làm ăn, nhưng cuộc sống vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Nhận thấy mô hình kinh tế trang trại VACR phù hợp với điều kiện đất đai rộng lớn, màu mỡ, giàu tiềm năng của địa phương, năm 1990, ông Quang quyết định đầu tư 15 triệu đồng, từ nguồn vốn tự có để phát triển mô hình nuôi cá thịt. Ban đầu, ông thả nuôi 1 hồ cá có diện tích hơn 1.000m2, với đủ các loại cá như phát lát, trê, mè, trắm… và 20 con heo. Sau 6 tháng, ông thu lãi hơn 20 triệu đồng từ việc bán cá, heo. Từ đó ông mở rộng quy mô trang trại và đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi. Lợi thế là người từng làm ở công ty thuỷ sản, ông phát hiện nghề ương cá bột cho hiệu quả kinh tế cao. Với điều kiện của gia đình và bản thân ông có thể làm được nghề này.
Năm 1995, ông Quang đầu tư mở rộng mô hình ương cá bột. Ban đầu, do còn mới mẻ, thiếu kinh nghiệm nên việc ương cá bột gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có vụ thua lỗ nặng. Nhưng với sức trẻ và lòng quyết tâm, ý chí tiến thủ nên chẳng bao lâu ông đã thành công với nghề này. Từ đó đến nay trại ương cá giống của ông luôn tiến triển về qui mô, số lượng lẫn lợi nhuận. Đến nay, trang trại ông có 13 hồ nuôi cá giống các loại cá tra, chim, mè, trắm, rô phi đơn tính...; 1 hồ cá thương phẩm với diện 1 ha, mỗi vụ thu hoạch từ 8 tấn và nuôi ba vụ/năm gần hơn 24 tấn. Ông chiết tính, 3,7 kg thức ăn nuôi được 1kg cá thịt (6,3kg thức ăn nuôi đạt trọng lượng 1,7kg/con), trừ các khoản chi phí, lãi 5.000 đồng/kg cá thương phẩm. Khu vực nuôi cá giống, ông dành 13 hồ, 32.000m2 cho cá đẻ và ương cá con, mỗi năm xuất bán hơn 2 triệu con. Ông Quang bộc bạch, thành công mô hình nuôi cá giống và thịt đã giúp ông làm giàu.
Đến nay, ngoài phát triển thêm 14 hồ cá, 5 ha rừng keo, tràm, gia đình ông Quang còn nuôi 100 con lợn thịt, 5 con con lợn nái…Tổng thu nhập từ mô hình VACR hàng năm hơn 700 triệu đồng. Trừ chi phí, gia đình ông Quang lãi ròng hơn 200 triệu đồng. Chỉ tính riêng thu nhập từ cá thịt, mỗi năm gia đình ông có hơn 400 triệu đồng. Trừ chi phí, ông lãi hơn 60 triệu đồng. Giải quyết việc làm cho 5 lao động địa phương, với mức thu nhập 2,5 triệu đồng/ người /tháng.
Không chỉ làm ăn giỏi, ông còn giúp nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn bằng cách hỗ trợ vốn và kỹ thuật. Ông liên tục được đề cử danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nhờ phát triển mô hình kinh tế trên.
Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp từ 20 gốc thanh long ruột đỏ trồng thử nghiệm, đến nay ông Lê Văn Tấn, 61 tuổi, hội viên Chi hội Cựu chiến binh (CCB) ấp Kiến Vàng A, xã Việt Thắng, huyện Phú Tân, đã có gần 500 gốc thanh long ruột đỏ. Từ vườn thanh long này, mỗi năm gia đình ông thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng.

Khoai lang Nhật, hiện đang là cây trồng cho thu nhập ổn định. Khoai lang Nhật không chỉ bán nội địa mà một lượng lớn dùng để xuất khẩu với giá cao. Và một doanh nghiệp đã và đang đồng hành với nông dân, đưa củ khoai lang Nhật của Việt Nam đến với những phương trời xa. Đó là Công ty cổ phần Viên Sơn đóng trên địa bàn xã Liên Hiệp (huyện Đức Trọng - Lâm Đồng).

Bây giờ đến thôn 1 (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) không còn cảnh đường trơn trượt nữa. Con đường rải nhựa phẳng lỳ nối tiếp con đường bê tông chạy dài tít tắp. Một sự đổi thay mà chỉ có những con người trước đây đã từng đến mới cảm nhận hết được.