“Ông Vua” Năng Suất Mía
Chỉ với 1,5ha đất trồng mía, nhưng nhờ cần cù chịu khó, áp dụng phương pháp canh tác hiệu quả, nông dân Hồ Văn Thắng đã có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
Đến ấp Thống Nhất, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang, hỏi “vua mía” Hồ Văn Thắng (Tư Tha) thì ai cũng biết, bởi ông là một trong những hộ trồng mía đạt năng suất cao của vùng nhiều năm liền. Đặc biệt, vụ mía 2011 - 2012, tiếng tăm của ông lại càng vang xa khi năng suất mía đạt đến 227,8 tấn/ha và trở thành người đứng đầu câu lạc bộ trồng mía đạt 200 tấn/ha/vụ, do Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) xây dựng.
Quê Bến Tre, nhưng từ năm 1995 ông Thắng cùng vợ về Hậu Giang lập nghiệp bằng nghề trồng mía. Những năm đầu họ về vùng đất mới, kinh tế khó khăn, cây mía cũng chịu chung cảnh tương tự, hết trồng rồi lại chặt. Người dân cũng chẳng quan tâm gì đến kỹ thuật mà chủ yếu trồng theo kinh nghiệm. Hơn nữa, lúc ấy vùng đất này chưa có các giống mía mới cho năng suất cao như bây giờ, chỉ có mấy giống mía mắt lồi, Hòa Lan tím... năng suất chỉ được 120 - 130 tấn/ha.
Đến năm 2006, người trồng mía Phụng Hiệp mới được các nhà máy đường trong tỉnh tìm đến và có những chính sách đầu tư, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng vùng mía nguyên liệu.
Để trở thành “vua mía”, ông Thắng đã tìm rất nhiều giống mới về trồng thử nghiệm trên 1,5ha đất nhà mình. Ông còn mày mò nghiên cứu, học hỏi, rút kinh nghiệm từ nhiều phương pháp trồng mía đạt hiệu quả sau những lần được đi tham quan các vùng trồng mía khác. Phương pháp mà ông đang áp dụng là trồng mía lưu gốc, vừa giảm chi phí đầu tư ban đầu vừa cho hiệu quả cao, bình quân tăng từ 1 - 2 tấn/công so với trồng mía hom.
Ông Thắng cho biết: “Do vùng này có đê bao nên mía ở đây thường thu hoạch muộn hơn ở một số khu vực khác. Lúc này, mía chín đúng độ tuổi nên chữ đường và năng suất đều tăng và nguồn thu nhập của người trồng mía cũng được nhân lên”. Với phương pháp trồng hiệu quả và năng suất cao, mỗi năm, gia đình ông Thắng có nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng.
Trưởng Phòng NNPTNT huyện Phụng Hiệp Nguyễn Thế Tự cho biết, cùng với các chính sách đầu tư của Nhà nước như khoa học kỹ thuật, đê bao khép kín, ngày càng xuất hiện nhiều nông dân như ông Thắng, không ngừng tìm tòi, nghiên cứu và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng mía nguyên liệu, góp phần đưa cây mía Hậu Giang ngày càng phát triển.
Có thể bạn quan tâm
Con cá rô đầu vuông ở ĐBSCL đang tái diễn kịch bản của cá tra khi người nuôi chạy theo phong trào thần tốc, giờ rơi vào bi kịch thê thảm. Nhiều người thua lỗ cá tra chuyển sang nuôi cá rô đầu vuông với hy vọng gỡ gạc lại càng tuyệt vọng
Đeo đuổi ý tưởng trồng lúa sạch nhiều năm nay, nhưng phải đến vụ đông xuân 2009 - 2010, ông Nguyễn Văn Phú (Mười Phú), ở ấp An Hòa, xã An Nhứt (Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu) mới bán được những bao lúa sạch đầu tiên theo đúng giá trị của nó
Lãnh đạo tổng công ty bảo hiểm Bảo Việt cho rằng, chính sách hỗ trợ cho ngư dân tham gia bảo hiểm bị thu hẹp, chi phí đi biển tăng là lý do khiến ngư dân không mặn mà với bảo hiểm