Giá / Tin nông nghiệp

Ông Lê Phước trồng gừng ở Hawaii

Ông Lê Phước trồng gừng ở Hawaii
Tác giả: Hoàng Lan (theo TGTT)
Ngày đăng: 13/08/2018

Một người học trung học Nông lâm súc, lên ĐH Nông nghiệp Cần Thơ tiếp tục học ngành “toàn cảnh nông nghiệp”. Ông là Lê Phước. Giờ là nông gia trồng gừng ở trang trại có tên là TMP (Big Island, Hawaii).

Ông Lê Phước trong một chuyến về Việt Nam kể chuyện chọn trồng gừng ở xứ sở núi lửa đang hoành hành.

“Thủ đô” gừng

Hawaii là nơi duy nhất trồng gừng cung cấp cho nhu cầu của nước Mỹ chừng 200 triệu pound, nhưng chưa bao giờ cung cấp đủ khi mỗi năm Hawaii chỉ cung cấp chừng 9 triệu pound (pound = 0,45kg). Chính phủ phải nhập gừng từ Trung Quốc, Brazil… Năm 2007, các công ty Mỹ buộc phải ngừng nhập khẩu gừng từ Quảng Đông (Trung Quốc) do bê bối về chất lượng. Tháng 7 năm đó, đại diện liên hợp “Siêu thị tiết kiệm” (Save Mart Supermarkets Inc.) cho biết, ở Sacramento (California), gừng tươi được bán với giá 2,99 USD/pound.

Năm đó, ông Phước chỉ mới nhập quốc tịch hai năm, đang làm việc theo một khế ước mười năm nhiều vị trí công việc kiểm định, hướng dẫn, làm thủ tục xuất cảng cho nông sản với tinh thần “ơn đền nghĩa trả” chương trình hỗ trợ ông Phước học tập.

Năm 2017, theo thống kê của bộ Nông nghiệp Hawaii, với 7.000 trang trại, tổ chức Hawaii Farm Bureau (thành lập từ năm 1950) khai thác 1.120.000 acres (mẫu Anh). Năm 1992, ngành trồng gừng bị thiệt hại 65 – 75% do vi khuẩn và tuyến trùng, tổn thất ước tính khoảng 9 triệu pound.

Bỏ phố về ruộng trồng gừng

Tuổi 60, ông Phước nhớ lại: hai năm đầu vào viện Nông nghiệp Hawaii, biết bao công việc tốt từ cơ quan chính phủ dành cho anh nghiên cứu sinh. Ông hỏi người anh luật sư xem nên chọn lựa công việc nào, ông anh nói: “làm đi, chần chờ gì nữa vì ở đây đâu có thằng nào làm”, người này nói.

Những người Việt ở Hawaii trồng gừng, khoai, đu đủ, trầu… tuỳ theo khả năng phân tích thị trường, cũng có đại gia từ Việt Nam qua mua đất chia lô làm nhà. Nhưng ông Phước vẫn thích làm nông hơn, không phải vì ông chủ động mọi thứ như kiểm tra độ pH, lái máy, kiểm soát sâu bệnh, phân loại, đóng gói, giao hàng… mà còn vì làm ra tiền từ mồ hôi của mình. Nông dân Việt tại Hawaii chọn diện tích trung bình 10.000m2 để khởi sự nông trại, được chia sẻ cách nâng năng suất, hiệu quả, bảo vệ môi trường, chất lượng hàng hoá theo chuẩn USDA. Cứ làm đúng bài bản, hàng hoá ngon lành đã có người tới hỏi “cần giúp gì không?”. Ông Phước không mặn mà với lời “đường mật”, vì khi đã nhận tiền của họ, khi cần gừng non cũng phải dỡ. “Cứ để gừng đúng kỳ thu hoạch, có thể được giá hơn, đưa qua Cali là có lời, chẳng có gì phải vội vàng”, ông Phước nói.

Trong khi nhiều người còn ngần ngại vi khuẩn, tuyến trùng, với ông Phước, đó là chuyện nhỏ. Ông vừa đi làm vừa trồng thử nghiệm 5.000m2 gừng, bán được 50.000 USD. Làm thêm 15.000m2, tiếp tục trúng, nhưng khi trang trại lên tới 8ha, tỷ suất lợi nhuận không như mong muốn do thiếu chăm sóc, nên ông quyết định thôi công việc ở cơ quan chính phủ để lo đầu tư trang trại.

Ông Phước kể, có lần mua sọt từ Chợ Mới qua Hawaii để trồng gừng sọt, tính toán thời gian ruột tre tự phân huỷ chỉ cần đá một phát là bung sọt, giũ gừng. “Làm rồi mới thấy mắc cỡ, vì tính ra quá nhiều chi phí, bỏ đất trống quá nhiều, mà năng suất chỉ bằng 60 – 65% của người ta, lời cũng ít hơn… Biết mình sai rồi”, ông Phước nói.Tới khâu rửa gừng, hai người cọ rửa mỗi ngày 2.000 – 3.000 pound, còn người ta đem máy rửa cua tới chỉnh áp lực, một người rửa 10 tấn gừng/ngày.

Dù Hawaii có nhiều loại cây có giá trị như cà phê…, nhưng ông Phước vẫn chọn gừng.Đối với ông, gừng có khả năng chế biến đa dạng, giá trị dược tính cao, dù giá gừng Hawaii cao gấp đôi gừng Trung Quốc, nhưng nhà chế biến vẫn chấp nhận.

“Ở Hawaii, đầu tư mô hình nông trại như mua một chiếc máy, thiết bị thông minh, dịch vụ IoT… chẳng có gì khó khăn vì đã có sẵn các nhà cung cấp công nghệ, có chương trình tự động hoá của chính phủ.Thiếu vốn thì vay ngân hàng, trừ nợ dần trong 30 năm”, ông Phước nói.Trong đời làm nông ở Hawaii, ông Phước chỉ ngán lớp trẻ cưỡi ngựa làm nông.

“Ở xứ này, chạy xe hạng sang không bằng chủ trang trại cưỡi ngựa thăm đồng”, ông Phước cười. Một con ngựa có giá từ 100.000 – 200.000 USD, mỗi tuần chải tắm 7.000 – 8.000 USD.

Ông Phước kể tiếp, lúc ra trường, bạn học chê Hawaii, bỏ vào đất liền. Ông ở lại, việc gì cũng làm, từ sở di trú, chuyên gia nông nghiệp, kiểm định hàng hóa… Bây giờ Hawaii là thiên đường du lịch, không ít người Mỹ muốn tới mà cả đời chắc gì tới được! Giờ đây ông Phước, không chỉ là công dân ở hòn đảo xinh đẹp này mà còn là chủ trang trại đang sống ngon lành nhờ… gừng!


Có thể bạn quan tâm

Nâng cao năng suất, chất lượng bưởi da xanh Nâng cao năng suất, chất lượng bưởi da xanh

Bưởi da xanh, một trong những loại cây ăn trái đặc sản, chủ lực của tỉnh và là một trong 12 loại cây ăn trái chủ lực

13/08/2018
Nuôi gà đẻ trứng trên thảm sinh học: Mô hình đạt hiệu quả cao Nuôi gà đẻ trứng trên thảm sinh học: Mô hình đạt hiệu quả cao

Mô hình nuôi gà đẻ trứng trên thảm sinh học bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thêm thu nhập cho hộ gia đình

13/08/2018
Trồng bưởi da xanh xen nhãn Ido lợi nhuận cao Trồng bưởi da xanh xen nhãn Ido lợi nhuận cao

Thu lợi hơn 600 triệu đồng mỗi năm từ trồng bưởi da xanh xen nhãn Ido trên diện tích 2,3ha đất vườn dừa kém hiệu quả sau 4 năm chuyển đổi.

13/08/2018