Giá / Tin thủy sản

Nuôi trồng thủy sản ở miền Trung: Để hiệu quả mà vẫn bền vững

Nuôi trồng thủy sản ở miền Trung: Để hiệu quả mà vẫn bền vững
Tác giả: Anh Vũ
Ngày đăng: 29/07/2017

Nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh ven biển miền Trung đưa lại lợi nhuận cao cho người nông dân, trong đó có mô hình đạt lợi nhuận 3 tỷ đồng/ha/năm. Tuy nhiên để phát triển bền vững còn nhiều vấn đề phải bàn.

Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (giữa) chia sẻ về mô hình nuôi xen ghép TTCT - cá dìa    Ảnh: TTKNQG

Nhiều khó khăn

Theo ông Nguyễn Bá Sơn, Vụ Nuôi trồng Thủy sản, các tỉnh ven biển miền Trung từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi tôm nước lợ, cá biển, nhuyễn thể, nhất là nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh trên vùng đất cát, đặc biệt là mô hình nuôi xen ghép thâm canh vừa đạt hiệu quả kinh tế cao vừa bảo vệ môi trường. Năm 2016, diện tích nuôi mặn, lợ 7 tỉnh trong vùng đạt 15.608 ha, sản lượng 38.911 tấn; diện tích nuôi nước ngọt 19.443 ha, sản lượng 32.675 tấn. Tuy nhiên, nơi đây còn nhiều khó khăn, thách thức như điều kiện khí hậu khắc nghiệt; suy thoái và ô nhiễm môi trường, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp; cơ sở hạ tầng nhiều vùng nuôi thâm canh chưa đảm bảo dẫn đến mức độ rủi ro cao; kiểm soát vật tư đầu vào, kháng sinh, chất xử lý cải tạo môi trường ao nuôi còn nhiều bất cập…

Đại diện Sở NN&PTNT Thừa Thiên - Huế chia sẻ, phần lớn diện tích ao nuôi vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai của tỉnh chưa đảm bảo quy cách, chủ yếu sử dụng phương thức nuôi quảng canh cải tiến, bán thâm canh, hiệu quả sản xuất chưa cao. Việc xả thải bừa bãi nguồn nước chưa qua xử lý, quy trình nuôi được áp dụng chưa đúng kỹ thuật khiến cho dịch bệnh dễ lây lan và gây ô nhiễm môi trường. Địa phương cũng như các tỉnh ven biển miền Trung, việc quy hoạch và quản lý quy hoạch nuôi trồng thủy sản còn nhiều bất cập; quản lý nhà nước về thủy sản chưa thống nhất giữa các địa phương; các giải pháp kỹ thuật nuôi mới, biện pháp phòng trị bệnh chưa được chia sẻ ứng dụng rộng rãi… 

Giải pháp

Theo kế hoạch, diện tích nuôi trồng thủy sản các tỉnh miền Trung đến năm 2020 là 36.980 ha, trong đó diện tích mặn, lợ là 22.140 ha, nước ngọt là 14.840 ha; Tổng sản lượng khoảng 158.190 tấn; Sản xuất giống thủy sản cung cấp cho thị trường 100 tỷ giống hải sản các loại và 400 triệu giống thủy sản nước ngọt; giá trị xuất khẩu đạt 1.200 triệu USD.

Trong những năm qua, để nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh miền Trung đạt hiệu quả cao và bền vững nhiều mô hình đã được triển khai. Theo ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, những năm qua Trung tâm đã phối hợp với khuyến nông các tỉnh ven biển miền Trung, các viện nghiên cứu, trường đại học xây dựng nhiều mô hình về khuyến ngư đạt hiệu quả cao như: Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo tiêu chuẩn VietGAP thuộc dự án xây dựng mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng tại các tỉnh ven biển miền Trung. Mô hình này đạt lợi nhuận cao trung bình trên 500 triệu đồng/ha, hiệu quả tăng hơn 39% so mô hình không theo VietGAP, tỷ suất lợi nhuận tăng gần 1,4 lần.

Hay mô hình nuôi tôm theo công nghệ biofloc của ông Lê Minh Chính (xã Ninh Phú, huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa) rất đáng để nhân rộng. Năm 2016, chỉ với 0,5 ha ao nuôi tôm đã cho năng suất 78 tấn/4 vụ nuôi, tỷ lệ lợi nhuận đạt 52%/vốn đầu tư. Mô hình nuôi luân canh tôm sú - rong câu tại Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa và Ninh Thuận cũng đưa lại lợi nhuận đạt trên 200 triệu đồng/ha.

Đặc biệt phải kể đến mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát xen canh với cá dìa của ông Phạm Thanh Kiều (xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế). Sau nhiều năm liên tục thua lỗ nặng bởi mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát, ông Kiều chuyển sang nuôi xen canh tôm thẻ chân trắng với cá dìa nhằm hạn chế dịch bệnh. Chỉ với 3 ao nuôi có diện tích gần 1 ha nhưng ông Kiều có tổng doanh thu 3,99 tỷ đồng, lợi nhuận 3 tỷ đồng/năm.

Ông Nguyễn Bá Sơn khuyến cáo, để thủy sản phát triển bền vững cần đa dạng đối tượng nuôi và phương thức nuôi với cơ cấu diện tích và sản lượng phù hợp với từng vùng kinh tế, sinh thái trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh cụ thể của từng sản phẩm (nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng vùng đất cát có lợi thế, nuôi xen ghép tôm - cua - cá, nuôi nhuyễn thể, cá rô phi). Đẩy mạnh áp dụng nuôi có chứng nhận, phát triển các mô hình nuôi công nghệ cao, nuôi tuần hoàn tiết kiệm nước…

>> Vừa qua, tại TP Huế, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng Sở NN&PTNT Thừa Thiên - Huế tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chuyên đề “Phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững tại các tỉnh ven biển miền Trung” (ảnh). Diễn đàn thu hút hàng trăm đại biểu tham dự, đặc biệt là người dân nuôi thủy sản tại các tỉnh ven biển miền Trung từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi.


Có thể bạn quan tâm

Thí điểm mô hình sản xuất giống cá leo tại Quảng Trị Thí điểm mô hình sản xuất giống cá leo tại Quảng Trị

Cá leo thuộc đối tượng đặc sản nước ngọt, hiện được xếp vào loại có nguy cơ giảm trong nguồn lợi thủy sản tự nhiên.

29/07/2017
Quản lý lồng nuôi thủy sản Quản lý lồng nuôi thủy sản

Trong quá trình nuôi thường xuyên kiểm tra lưới lồng, bè và hệ thống neo để phát hiện hư hỏng, kịp thời sửa chữa, đặc biệt là trước, sau đợt gió bão

29/07/2017
Tháo gỡ thách thức trong nuôi biển Tháo gỡ thách thức trong nuôi biển

Nuôi biển được coi là tương lai của ngành thủy sản, nhằm giảm tối đa cường lực khai thác, giúp bảo vệ nguồn lợi.

29/07/2017