Nuôi Tôm Vượt Khó
Đến cuối tháng 4/2013, vụ nuôi tôm qua gần 1 tháng nhưng vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) vẫn chưa thấy cảnh người nuôi bận rộn, ngược xuôi lo vào vụ.
Đi qua những ao tôm bên đường, chỉ lác đác vài ba ao thả nước đầy, xung quanh giăng lưới che chắn chim, cò và những cánh quạt xoay tóe nước trắng xóa. Số ao đang nuôi tôm của những hộ còn tiềm lực vốn liếng đầu tư như vậy không nhiều.
Trong hoàn cảnh dịch bệnh, khó khăn chưa dứt vẫn có người quyết theo nghề tới cùng. Đó là những nông dân sáng tạo, tìm mọi cách để giảm tối đa rủi ro và có người đã thành công.
Không lỗ
Vĩnh Châu là một trong ba huyện, thị của tỉnh Sóc Trăng có diện tích thả tôm giống lớn nhất với hơn 25.000 ha. Cho đến nay số ao thả tôm giống nuôi được mới hơn 2.000 ha. Dân vào vụ thả sớm đầu tháng 4 phần nhiều là nuôi tôm thẻ chân trắng (TCT). Người nuôi tôm sú ít dần. Người vào vụ thả tôm vẫn chưa hết lo lắng, vì thời tiết mưa nắng thất thường. Ngoại trừ hệ thống kênh thủy lợi một số nơi được nạo vét để dẫn nguồn nước tốt đưa vào ao.
Thế nhưng vừa đầu vụ có tin không vui, khoảng 12 - 13% tôm bị bệnh chết, thiệt hại tương đương cùng kỳ năm 2012. Riêng xã Hòa Đông đã công bố dịch bệnh đốm trắng (WSSV) trên tôm. Trong đó, hơn 293 ha tôm thả nuôi (hơn 136 ha tôm sú và gần 133 ha TCT, nhưng có 75,4 ha tôm nuôi từ 15 - 45 ngày tuổi bị thiệt hại, trong đó có tới 55,4 ha tôm TCT.
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu, nhận xét: Xã Hòa Đông có một nông dân thả nuôi TCT diện tích 60 ao bị thiệt hại đến 40 ao. Tuy vậy chủ nuôi tôm này không lỗ, do tôm vừa đến lứa thu hoạch và bán có giá nên bù được lỗ. Song, có một điều ngạc nhiên hơn là trong tình hình dịch bệnh tôm nuôi còn diễn biến phức tạp, nguyên nhân đang được các nhà khoa học nghiên cứu, truy tìm thì vẫn có người thả nuôi và trúng liên tiếp.
Cũng tại xã Hòa Đông, sau 2 năm nuôi tôm sú bị thiệt hại HTX nuôi tôm Hòa Nghĩa có gần 20 xã viên chuyển qua áp dụng mô hình nuôi TCT ghép với cá rô phi đơn tính. Theo Chủ nhiệm HTX Hòa Nghĩa, ông Tăng Văn Tuối, kinh nghiệm của các các xã viên nuôi tôm TCT là thả mật độ thưa 40 con/m2. Sau khi tôm nuôi được 18 - 20 ngày tuổi, chọn cá rô phi đơn tính con đực từ ao lắng thả vào ao nuôi, nuôi ghép 16 - 20 con cá rô phi/1.000 m2.
Nhờ có cá rô phi dọn sạch thức ăn thừa lắng ở đáy ao nên giúp giảm thiểu ô nhiễm nước trong ao nuôi. Với cách làm này trong năm 2012 HTX Hòa Nghĩa nuôi tôm có lãi trên 4 tỷ đồng. Hiện nay, mô hình nuôi ghép tôm - cá rô phi đang được bà con xã viên tiếp tục thực hiện.
Quản lý tốt quy trình
Từ thị xã Vĩnh Châu đi theo đường Nam Sông Hậu về xã Vĩnh Tân chúng tôi thấy một số bà con sau khi nuôi tôm sú thất bát chuyển sang nuôi TCT có hiệu quả. Anh Lê Thanh Hải, ấp Trà Uôn A, xã Vĩnh Tân cho biết, từ cuối năm 2011 anh đã chuyển sang nuôi tôm TCT 3 ao, tổng diện tích khoảng 1,2 ha. Vốn đầu tư khoảng 50 triệu đồng/ao/vụ. Trong đó phải đầu tư thêm dàn quạt ô xy, tôm giống và riêng phần thức ăn chiếm tới 40%.
Theo đó, Cty bán con giống hướng dẫn mô hình nuôi khép kín, nuôi ương trong nhà “Green house” có lưới ngăn che chim trong 25 - 30 ngày trước khi thả ra ao nuôi bên ngoài. Còn lại các quy trình xử lý nước ao nuôi trước khi thả, dùng bạt nhựa phủ ven bờ… đều làm như cách nuôi tôm sú trước đây. Mô hình này thành công, anh Hải trúng tôm lãi thu 900 triệu đồng. Tuy nhiên, anh Hải thừa nhận thời gian nuôi ngắn, chỉ trong 2,5 - 3 tháng, nhưng cần vốn đầu tư lớn.
Một cách nuôi khác ít vốn hơn, từ cuối năm 2011 đến nay, anh Huỳnh Chanh Narít, người dân tộc Khmer ở ấp Trà Uôn A, nuôi TCT trong ao đất thành công. Anh Narít cho rằng: Nếu nuôi TCT trung bình mật độ 50 - 60 con/m2 thì thả trong ao đất mật độ thưa, giảm còn 30 - 35 con/m2, nhẹ vốn đầu tư.
Kinh nghiệm cho thấy phải có kỹ thuật xử lý ao nuôi tốt, nguồn nước tốt, con giống tốt và quản lý tốt quy trình nuôi. Để hạn chế rủi ro, cần áp dụng kỹ thuật ương tôm nuôi trong tháng đầu tiên, dưới đáy ao ương có phủ bạt. Đến khi sang ao nuôi, cần rào lưới chống cua, còng, chim, cò… và kiểm tra môi trường nước trong ao 4 - 5 lần/ngày.
Theo Narít, hiện anh nuôi 7 ao (2.500 - 3.000 m2/ao). Một ao nuôi trúng đạt 2,4 - 2,5 tấn, thời giá TCT cỡ 70 con/kg bán 112.000 đ/kg. Con giống hiện tăng giá từ 87 đ lên 90 đ/con, thức ăn tăng thêm 1.000 đ/kg. Với một ao nuôi 4.000 m2, tổng chi phí khoảng 123 triệu đ, lãi ròng khoảng trên 160 triệu. Nuôi xong một vụ dùng nước cũ trong ao có thể nuôi tiếp vụ sau nhẹ chi phí xử lý. Một năm nuôi 3 vụ, sau mỗi vụ trừ chi phí lãi khoảng 60%.
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu cho biết: Vĩnh Châu đang tìm cách tuyên truyền tới bà con nông dân ứng dụng các biện pháp khuyến cáo của các nhà chuyên môn, ứng dụng những mô hình mới để vụ nuôi tôm 2013 giảm thiệt hại dưới 20% diện tích thả nuôi.
Có thể bạn quan tâm
Theo Sở NN&PTNT Bình Định, từ đầu năm đến nay, diện tích nuôi cá nước ngọt trên địa bàn toàn tỉnh có xu hướng tăng mạnh. Đến nay, toàn tỉnh có trên 2.500 ha mặt nước nuôi cá nước ngọt, bao gồm các hình thức nuôi như quảng canh trong hồ chứa thủy lợi, nuôi trong ao, nuôi thả lồng trong các hồ chứa, nuôi trong ao lót bạt và nuôi trong ruộng lúa
Làng Vĩnh Hòa, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) nổi tiếng về nghề làm bánh chưng truyền thống. Nhờ nghề này, Vĩnh Hòa đã trở thành làng giàu có bậc nhất huyện Yên Thành.
Khai thác dừa nước là một truyền thống lâu đời ở Đông Nam Á khi mà một bộ phận khá lớn cư dân các vùng duyên hải Tây Thái Bình Dương lấy nước dừa làm nguồn thu nhập chính. Ở Philippines, 93% cồn và rượu được sản xuất chủ yếu từ dừa nước trong năm 1910, sản lượng lúc đó đã lên đến 90.000 lít (Gibbs, 1911). Giấm dừa nước là nguyên liệu tuyệt vời chế biến các món ăn hấp dẫn nơi các nhà hàng Thái Lan và Philippines