Giá / Tin thủy sản

Nuôi tôm trong tương lai

Nuôi tôm trong tương lai
Tác giả: Thái Thuận
Ngày đăng: 23/02/2018

Để phát triển ngành tôm, ngoài đáp ứng mục tiêu tăng sản lượng cần ổn định và thân thiện với môi trường. Những năm gần đây, các nhà khoa học không ngừng nghiên cứu để tìm ra giải pháp hướng đến nuôi tôm bền vững. Dưới đây là một số giải pháp mang lại hiệu quả và có nhiều triển vọng.

Thức ăn không bột cá đang được nhiều quốc gia sử dụng cho ngành tôm Ảnh: Word Press 

Không sử dụng hóa chất, kháng sinh

Việc sử dụng hóa chất và kháng sinh để phòng và trị bệnh trên tôm không mang lại hiệu quả do quá trình phát triển của các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh và vấn đề không an toàn cho tiêu thụ. Vì vậy, xây dựng và nhân rộng các mô hình nuôi an toàn là rất quan trọng. Những năm qua, nhiều giải pháp được đưa ra nhằm phát triển ngành tôm, hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất và kháng sinh bao gồm: nuôi tôm công nghệ Biofloc hay Coperfloc, nuôi tôm hai giai đoạn, nuôi tôm theo VietGAP sử dụng các chất kích thích miễn dịch (immunostimulants: beta-glucan, nucleotide…), ứng dụng công nghệ sản xuất con giống sạch bệnh từ đó có những hiệu quả và giải pháp tức thời để nâng cao chất lượng cũng như giá trị ngành tôm.

Ngoài ra, theo chuyên gia thủy sản TS Bùi Quang Tề, trên thực tế, có một số cây thảo dược có thể sử dụng để thay thế kháng sinh. Ví dụ, các thảo dược có kháng sinh tự nhiên như: tỏi, sài đất, nhọ nồi… dùng để ức chế và tiêu diệt các loại vi khuẩn gây bệnh. Các thảo dược có chất hoạt tính gây chết cá: cây thuốc cá, hạt thàn mát, hạt chè dại, khô dầu sở… để diệt cá tạp trong ao nuôi tôm. Đây là một hướng đi đáng chú ý, có thể nhân rộng, nhất là trong điều kiện nước ta đang có nguồn dược liệu quý, dồi dào.

Thức ăn không bột cá

Cũng như các động vật thủy sản khác, tôm sử dụng protein là nguồn năng lượng chính. Bột cá có hàm lượng protein 45 - 80% và chứa đủ các axit amin cần thiết, chứa nhiều axit béo không no (HUFA) thiết yếu và phù hợp với hệ tiêu hóa của tôm nuôi. Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu sử dụng cá đang ngày càng trở thành phổ biến trên khắp thế giới, nhờ vào các lợi ích về sức khỏe và môi trường. Nguồn bột cá trở nên khan hiếm và giá thành ngày càng cao từ đó đặt ra các giải pháp thay thế nguyên liệu này trong thức ăn cho tôm. Thực tế cho thấy, các giải pháp mang lại hiệu quả cao như thay thế bằng các nguồn protein động thực vật khác nhau. Bột thực vật như: bột đậu nành, bột hạt cải, bột ngô… được sử dụng và khả năng thay thế bột cá lên đến 50%. Bên cạnh đó, bột động vật như: bột trùng quế, ấu trùng ruồi lính đen, hay bột côn trùng với nguồn protein có giá trị cao cùng với nhiều acid amin thiết yếu được xem là tiềm năng thay thế hoàn toàn bột cá. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều tranh cãi cho việc sử dụng bột côn trùng làm thức ăn cho tôm.

Những nghiên cứu mới đây cho thấy, protein của vi sinh vật cũng được xem là nguồn nguyên liệu có tiềm năng lớn để thay thế bột cá, cụ thể là nấm men torula và FeedKind. Theo kết quả của nhóm các nhà nghiên cứu ở Mexico trên tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương, nấm men torula thích hợp để thay thế bột cá bằng cách sử dụng với tỷ lệ 60% trong khẩu phần ăn của tôm. Protein FeedKind là một thành phần thức ăn cá thế hệ mới được sản xuất từ các vi sinh vật tự nhiên được tìm thấy trong các loại đất trên toàn thế giới. Kết quả sau tám tuần thử nghiệm cho thấy, tỷ lệ sống sót của tôm cải thiện đáng kể trong khẩu phần ăn của FeedKind (93 - 97%) so với chế độ ăn bột cá (84%).

Hệ thống RAS

Xu hướng nuôi thâm canh trong thủy sản ngày càng phát triển là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường, dịch bệnh bùng phát phức tạp và thường xuyên hơn. Công nghệ nuôi thủy sản tuần hoàn (RAS) có thể áp dụng trong nuôi tôm nhằm giảm dịch bệnh. Ưu điểm của hệ thống này là tiết kiệm nước, tỷ lệ sống cao, năng suất cao gấp nhiều lần nuôi bình thường và không gây ô nhiễm môi trường. Công nghệ RAS trong nuôi trồng thủy sản đang được ứng dụng tại Việt Nam dựa trên nguyên lý công nghệ và có cải tiến để phù hợp thực tế.

Hệ thống tuần hoàn gồm có ao nuôi, ống xi phông và hố xi phông đáy ao dạng phễu, hố chứa bùn, kênh dẫn nước tuần hoàn và ao lắng có thả cá rô phi. Con giống và các thông số môi trường được xét nghiệm và kiểm tra kỹ trước khi thả. Trong suốt quá trình nuôi, nước sẽ tuần hoàn trong một hệ thống kín và hoàn toàn không thay nước, chỉ một lượng nhỏ nước mới được cấp thêm vào hệ thống để bù đắp cho lượng nước hao hụt do bốc hơi. Lượng nước cấp này tùy thuộc việc sử dụng hệ thống nước một phần hay hoàn toàn. Sau khi hệ thống được vận hành, hệ thống lọc phải hoạt động hằng ngày và suốt vụ nuôi, hệ thống sục khí phải được duy trì liên tục, do vậy nguồn điện cung cấp cho hệ thống bơm nước phải luôn ổn định.

Nuôi ghép

Cơ sở khoa học của việc nuôi ghép nhiều loài thủy sản trong một ao là dựa trên các đặc tính sinh học có lợi tác động qua lại giữa các loài với nhau. Trong kỹ thuật nuôi ghép, nuôi kết hợp, sử dụng nhiều đối tượng nuôi có như: tôm, cá, cua lột, nhuyễn thể hai mảnh vỏ, động vật không xương sống, tảo biển… hoặc luân canh, cải thiện môi trường, cải tiến kỹ thuật nuôi, quản lý… Nhiều mô hình nuôi ghép đã ứng dụng hiệu quả như: mô hình tôm - lúa; nuôi tôm cua dưới tán rừng ngập mặn… Ngoài ra nhiều cơ sở đã ứng dụng nuôi kết hợp tôm sú với hải sâm và rong biển, tôm thẻ chân trắng với cá măng, cá đối hoặc cá rô phi đều đạt kết quả tốt.

Có trường hợp, nhiều vùng không còn nuôi tôm được tại một số nước, chỉ sau vài năm nuôi cá rô phi đã có thể nuôi trở lại bình thường. Nghiên cứu cho thấy khi thả cá rô phi có xuất hiện tảo lục trong ao, hạn chế được vi khuẩn gram âm, chất thải rắn.

Tại Việt Nam, các mô hình nuôi ghép đã được áp dụng rộng rãi trong nhiều năm nay, giúp sử dụng hiệu quả nguồn thức ăn cùng với giải pháp xử lý chất thải ao nuôi hiệu quả góp phần cải thiện chất lượng nước ao nuôi.

>> Bộ NN&PTNT xác định, ngành tôm có nhiều tiềm năng và lợi thế, cần phát triển theo hướng: nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường; hình thành trung tâm công nghiệp tôm tại Bạc Liêu, Sóc Trăng và một số địa phương khác có điều kiện phù hợp; phát triển nuôi tôm sinh thái bền vững sẽ được thực hiện ở tôm - rừng, tôm - lúa...


Có thể bạn quan tâm

Vào vụ mới nuôi tôm nước lợ Vào vụ mới nuôi tôm nước lợ

Năm nay nhiều hộ nuôi đầu tư ao nuôi bài bản, liên kết sản xuất và chọn mua con giống chất lượng về thả nuôi.

23/02/2018
Xuất khẩu tôm 2017: Kỳ tích! Xuất khẩu tôm 2017: Kỳ tích!

Với kim ngạch xuất khẩu 3,85 tỷ USD, tăng 22,3% so với năm 2016, ngành tôm Việt Nam đã tạo ra cột mốc mới về sản xuất, xuất khẩu đồng thời chuyển mạnh

23/02/2018
Tôm đỏ Argentina: Đối thủ của tôm nuôi Tôm đỏ Argentina: Đối thủ của tôm nuôi

Nếu như ngành thủy sản thế giới có một danh sách những sản phẩm thuộc hàng ngũ “ngôi sao mới” thì chắc chắn tôm đỏ của Argentina sẽ đứng đầu

23/02/2018