Giá / Tin thủy sản

Nuôi tôm tiêu chuẩn quốc tế

Nuôi tôm tiêu chuẩn quốc tế
Tác giả: Sáu Nghệ
Ngày đăng: 24/02/2021

Vượt lên các thách thức khách quan lẫn chủ quan, năm qua, ngành tôm nước ta tiếp tục đạt nhiều kết quả nổi bật trong hoạt động liên kết và cải tiến công nghệ thực hiện chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế. 

Sản xuất tôm hữu cơ rất cần được phát triển. Ảnh: Văn Dương

Hòa Đê ngày mới

Các chị phụ nữ của HTX Nông ngư Hòa Đê ở xã Hòa Tú 1 (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) sôi nổi diễn vở múa rối “Hòa Đê ngày mới”. Khó hình dung cách nay chưa lâu, các chị ở vùng quê xa xôi này hầu hết không biết chạy xe đạp, sống khép kín trong gia đình, phụ thuộc chồng con. Cuộc sống của họ đổi thay từ ngày ra đời HTX, chủ động vượt nhiều khó khăn.

Trước kia vùng đất này chủ yếu làm lúa, đến những năm 1990 – 2006 thêm nuôi tôm nhưng sản lượng lúa và tôm đều thấp. Giai đoạn 2007 – 2016, chuyển từ lúa thường sang lúa ST5 năng suất cao, giá tốt. Thời kỳ 2016 – 2019, sản xuất theo hướng hữu cơ, các giống lúa ST20 và ST24 nổi tiếng được bao tiêu sản phẩm nên hiệu quả càng khá. Theo đó, tôm nuôi cũng đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

Giám đốc HTX Nông ngư Hòa Đê Mã Văn Hồng kể, tận dụng nguồn phân tôm và chất thải hữu cơ dưới đáy ao sau khi thu hoạch tôm sẽ làm cho ruộng lúa màu mỡ. Còn nuôi tôm sau vụ lúa thì nền đáy ao đã được khoáng hóa, các chất độc hại giảm, hạn chế tình trạng vùng nuôi tôm bị lão hóa do đất bị ngập mặn lâu. Cắt mầm bệnh trong ao nuôi, môi trường ổn định, khi nuôi tôm không sử dụng thuốc, hóa chất. Hạt gạo và con tôm không sử dụng phân hóa học, thuốc kháng sinh nên an toàn cho người nuôi trồng và người tiêu dùng, giá thành cao.

Tiền thân của HTX Nông ngư Hòa Đê là THT Nông ngư Hòa Đê, buổi đầu thành lập HTX vào năm 2014 chỉ có 16 thành viên, năm 2020 đã tăng lên 78 thành viên. Thống nhất tuân thủ quy trình sản xuất lúa, nuôi tôm theo hướng hữu cơ nên có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Bà con trồng thêm hoa màu trên bờ bao, nuôi cá và vịt để ăn sâu rầy trên ruộng lúa.

Các chị Hòa Đê còn chế biến cá rô phi ra nhiều sản phẩm, tăng thêm thu nhập. Cá rô phi nuôi làm sạch ruộng tôm – lúa nhưng sinh sản nhanh, có lúc ăn không hết, bà con gọi là “cá ngán”. Các chị đi học về chế biến cá rô phi thành chả, chà bông, khô bán nhiều nơi nên bây giờ gọi là “cá đặc sản”.

Doanh nghiệp đầu tàu liên kết

Tỉnh Cà Mau có loại hình đặc thù là tôm – rừng, bên cạnh tôm – lúa phát triển tốt. Chi cục Thủy sản Cà Mau cho biết, tổng diện tích nuôi tôm 284.670 ha với 5 loại hình chính: Tôm – rừng, tôm – lúa, thâm canh và siêu thâm canh, quảng canh cải tiến, quảng canh kết hợp. Diện tích tôm – rừng khoảng 30.713 ha, trong đó nuôi tôm sinh thái đã được chứng nhận 19.000 ha với 4.200 hộ, năng suất bình quân 210 kg/ha/năm. Tôm sinh thái hoàn toàn không sử dụng hóa chất, được nhiều thị trường ưu chuộng. Còn tôm – lúa khoảng 36.050 ha, năng suất tôm 300 kg/ha/năm.

Nhưng tôm – rừng ở Cà Mau có hạn chế là nhỏ lẻ, mỗi hộ chỉ 1 – 6 ha, sản lượng thu hoạch hàng ngày ít, chi phí thu gom cao. Năng suất thấp và không truy xuất được nguồn gốc nên thị trường tiêu thụ nhỏ hẹp.

Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã chủ động liên kết các hộ nuôi tôm nhỏ lẻ để thực hiện chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế. Một quá trình kiên trì dài lâu đã đưa đến nhiều kết quả năm 2020. Cụ thể, năm 2013 thành lập dự án Minh Phú – Nhưng Miên, năm 2015 thành lập dự án Minh Phú – Kiến Vàng. Năm 2017 thành lập Doanh nghiệp xã hội Minh Phú quản lý các dự án nuôi tôm sinh thái và năm 2020 đã đạt chứng nhận EU Organic, Selva Shrimp, Mangrove Shrimp, Canada Organic với diện tích 7.139 ha của 1.466 hộ dân. Hiện nay tiếp tục mở rộng dự án Khu vực Ban quản lý rừng Đất Mũi.

Đồng thời, Tập đoàn Minh Phú cũng đang làm chứng nhận Seafood Watch và ASC cho tôm – lúa. Khu vực tôm – lúa được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, thả tôm giống kháng bệnh loại post lớn 30 – 45 với mật độ 10 – 15 con/m2 để tăng năng suất; sử dụng thức ăn tự nhiên từ gốc rạ là vi sinh MPBIO, tảo, động vật phù du, động vật đáy. HTX Lúa tôm Trí Lực ra đời để chung quy trình sản xuất, chung khách hàng, giảm chi phí và tăng lợi nhuận, còn gắn với chương trình nông thôn mới, tranh thủ các nguồn hỗ trợ.

Nuôi tôm – lúa hai giai đoạn

Công nghệ nuôi tôm – lúa hai giai đoạn đang được đánh giá tiên tiến vì an toàn sinh học, năng suất cao. Trong đó, công nghệ của Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Trúc Anh đáng chú ý, đã giúp nhiều nông dân ở tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau đạt lợi nhuận trên 70 triệu đồng/ha.

Ở ấp Năm Căn, xã Hưng Thành (Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) có 6 hộ nuôi hơn 5 ha, thu hoạch 2.289 kg, bán được 711 triệu đồng. Bình quân năng suất 458 kg/ha, giá trị 142,2 triệu đồng, lợi nhuận 97,8 triệu đồng. Hộ cao nhất là ông Nguyễn Văn Đẹp nuôi 1 ha sau 5 tháng tôm đạt size lớn 21 – 23 con/kg, thu trên 405 triệu đồng, lợi nhuận 270 triệu đồng.

Cũng tỉnh Bạc Liêu, 3 hộ ở ấp Hoàng Minh, xã An Trạch (Đông Hải) nuôi 5 ha, thu tỉa dần sau 3,5 tháng đến 5 tháng (từ 30 con/kg đến 20 con/kg) được 800 kg, bán 270 triệu đồng. Tính ra năng suất 160 kg/ha, lợi nhuận 52,6 triệu đồng. Còn ở tỉnh Cà Mau, 5 hộ dân của ấp 5, xã Trí Lực (Thới Bình) nuôi 5 ha, sau gần 4 tháng tôm đạt 30 – 35 con/kg, năng suất bình quân hơn 500 kg/ha, lợi nhuận hơn 70 triệu đồng/ha.

Công nghệ này có ưu điểm hơn cách truyền thống là mật độ thả 2 – 3 con/m2 nên năng suất đến 500 – 700 kg/ha/vụ. Không sử dụng hóa chất, không thay nước, ít gây ô nhiễm, dễ thực hiện với quy mô nhỏ lẻ lẫn quy mô lớn.

Trước khi thả ra ruộng, tôm giống được ương trong ao có diện tích chiếm 5 – 10% diện tích nuôi, mật độ 20 – 30 con/m2, thời gian 25 – 30 ngày. Sau đó, chuyển xuống ruộng nuôi mật độ 1 con/m2 (trường hợp không cho ăn) hoặc 2 – 3 con/m (có cho ăn tháng cuối), nuôi khoảng 90 ngày. Tổng thời gian nuôi khoảng 120 ngày. Mỗi ruộng nuôi có ao lắng chiếm 10 – 15% diện tích để cấp nước khi cần (có thể sử dụng mương vườn làm ao lắng).

Tổng Giám đốc Trúc Anh Lê Thế Xuân cho biết: “Chúng tôi đã và đang chuyển giao cho HTX, hộ nuôi ở nhiều địa phương trong cả nước; có thể tư vấn trực tiếp hoặc gián tiếp. Công nghệ này tăng thu nhập cho người nuôi, hy vọng góp phần phát triển nghề nuôi tôm ở Việt Nam theo hướng bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm”.

Sản xuất hữu cơ các thị trường có nguyên tắc cụ thể, như châu Âu (EU Organic) đề ra 10 nguyên tắc cơ bản từ địa điểm canh tác, nhãn hiệu bao bì đến năng lực quản lý hồ sơ tài chính và hành chính. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhấn mạnh: “Sản xuất tự nhiên truyền thống đạt yêu cầu tiêu chuẩn hữu cơ”.


Có thể bạn quan tâm

Công nghệ nuôi tôm càng xanh toàn đực xen lúa Công nghệ nuôi tôm càng xanh toàn đực xen lúa

Nhằm thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đồng thời gắn tiêu thụ sản phẩm, 5 tỉnh ở vùng ĐBSCL triển khai công nghệ nuôi tôm càng xanh toàn đực xen lúa

24/02/2021
Kỹ thuật ương tôm giống Kỹ thuật ương tôm giống

Ương tôm giống trước khi thả nuôi là biện pháp giúp nâng cao tỷ lệ sống, giảm chi phí vụ nuôi.

24/02/2021
Xu hướng sản phẩm thủy sản hữu cơ Xu hướng sản phẩm thủy sản hữu cơ

Mở rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang phát triển thành phong trào và đã có chỗ đứng nhất định trong sản xuất nông nghiệp Việt Nam và thế giới

24/02/2021