Giá / Tôm sú

Nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh cải tiến cho năng suất cao

Nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh cải tiến cho năng suất cao
Tác giả: Thái Hà (Tổng hợp)
Ngày đăng: 30/11/2017

Tại Cà Mau, bà con nông dân tiếp cận kỹ thuật nuôi tôm theo hình thức nuôi tôm quảng canh cải tiến giúp năng suất tôm sú tăng cao rất khả quan.

Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến cho năng suất cao, giúp bà con nông dân tăng thu nhập. Ảnh minh họa

Hình thức nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao (QCCTNSC) chi phí vừa phải, gần gũi với người dân, kỹ thuật không đòi hỏi cao như nuôi tôm công nghiệp mà hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với hộ gia đình. Trước mắt, bà con nông dân cần cải tạo ao đầm đúng kỹ thuật. Trung tâm Khuyến ngư Cà Mau khuyến cáo bà con tát cạn ao đầm, bón vôi CaCO3, phơi khô đáy ao nứt chân chim; sau đó lấy nước vào ao nuôi đạt 1,2m, sau 3 ngày diệt cá tạp và diệt khuẩn.

Ương tôm giống trước khi thả nuôi, mật độ thả nuôi 6 con/m2. Trong thời gian ương, cho tôm ăn bằng thức ăn công nghiệp, liều lượng 1kg/ngày và tăng 10% những lần cho ăn tiếp theo. Hàng ngày, bà con nông dân cần kiểm tra và xử lý các yếu tố môi trường như pH, độ kiềm, màu nước, độ trong…

Trung tâm Khuyến ngư Cà Mau cho biết, tính đến thời điểm này, mô hình nuôi tôm QCCTNSC thí điểm tại huyện U Minh cơ bản đã thực hiện thành công. Tôm đã được 4 tháng tuổi, sản lượng ước đạt từ 800 – 900kg/ha (kích cỡ 35 – 40 con/kg), tỉ lệ sống khoảng 60%. Tiếp tục nuôi thêm 01 tháng nữa sẽ cho thu hoạch, sản lượng ước đạt trên 1 tấn/ha, bình quân mỗi hộ thu lãi từ 70 – 88 triệu đồng/ha.

Anh Nguyễn Văn Thắng ở xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước (Cà Mau), đã 3 năm liền áp dụng mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến năng suất cao, mỗi vụ mang lại lợi nhuận khoảng 80 - 120 triệu đồng/4.000 m2. Anh Thắng chia sẻ những kinh nghiệm trong nghề nuôi tôm sú giúp đạt năng suất cao. 

Về cải tạo ao: Trước tiên phải tát cạn ao, sên vét bùn đáy và phơi khô đáy ao. Sau đó rào lưới xung quanh ao, lấy nước qua lưới lọc độ sâu đầm nuôi đạt 1 m, phần trên trảng là 0,8 m và tiến hành bón vôi với liều lượng 50 kg/1.000 m2. Sau 3 ngày bón vôi, tiếp tục tạt 5 kg Saponine/1.000 m2 diệt cá. Sau 3 ngày tiếp theo tạt thêm 1 gói BZT (227 g) và tiến hành thả giống. Nếu nước chưa lên màu thì bón thêm 1 kg DAP/1.000 m2. 

Về con giống: Con giống là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả của mô hình, chấp nhận trả giá cao để chọn được giống tốt và có xét nghiệm PCR. Mật độ thả 10 con PL15/m2. Về cách quản lý và chăm sóc: Sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp trong suốt quá trình nuôi. Bắt đầu cho tôm ăn vào ngày thứ 2 sau khi thả theo hướng dẫn trên bao thức ăn nhưng chỉ cho ăn 2 cử vào buổi tối. 

Sử dụng 4 sàng ăn đặt 4 góc ao và 4 sàng ăn đặt trên trảng. Dựa vào các sàng ăn để quyết định tăng thêm thức ăn hay giảm xuống và đồng thời biết thêm sức khỏe tôm nuôi.  Từ tháng thứ 2 trở đi định kỳ 10 ngày 1 lần chài tôm để đánh giá sự tăng trưởng, tỷ lệ sống của tôm, đồng thời điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. 

Trong suốt quá trình nuôi luôn giữ mực nước ổn định 0,8 - 1 m, không thay nước, chỉ cấp bù thêm nước bị hao hụt. Cứ 10 ngày 1 lần sử dụng chế phẩm sinh học EM tạt xuống ao để làm ổn định chất lượng nước và nền đáy ao nuôi, nâng cao sức khỏe và sức đề kháng của tôm nuôi, đồng thời tăng khả năng hấp thụ thức ăn. 


Có thể bạn quan tâm

Một số ký sinh trùng gây hại cho tôm Một số ký sinh trùng gây hại cho tôm

Về một số loại bệnh trên tôm có tác nhân từ ký sinh trùng phải kể đến như: bệnh do vi bào tử trùng, bệnh ký sinh trùng gan tụy, ký sinh trùng

30/11/2017
Phương pháp nuôi tôm an toàn trong mùa mưa Phương pháp nuôi tôm an toàn trong mùa mưa

Vào mùa mưa, các yếu tố môi trường ao nuôi có thể bị thay đổi đột ngột làm tôm bị sốc, dễ phát sinh dịch bệnh. Vì vậy, người nuôi tôm cần lưu ý để có cách xử lý

30/11/2017
Cách bổ sung Vitamin C cho tôm, cá Cách bổ sung Vitamin C cho tôm, cá

Vitamin C là một trong những nhân tố thiết yếu hỗ trợ tôm, cá sinh trưởng, tăng cường khả năng miễn dịch; rất cần thiết trong giai đoạn chuyển mùa.

30/11/2017