Giá / Mô hình kinh tế

Nuôi Tôm Sú Lấp Vụ Trở Lại Ở Trà Vinh: Nhiều Nỗi Lo

Nuôi Tôm Sú Lấp Vụ Trở Lại Ở Trà Vinh: Nhiều Nỗi Lo
Tác giả: 
Ngày đăng: 17/06/2012

Theo thống kê chưa đầy đủ, ở vùng ngập mặn ven biển thuộc 4 huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú và Châu Thành (tỉnh Trà Vinh), hiện có gần 3000 hộ dân đang tiếp tục thả nuôi tôm sú lấp vụ trở lại (vụ 2), trên diện tích nuôi bị thiệt hại trước đây, với khoảng 250 triệu con tôm sú, trên 3.200 ha.

Đáng lo ngại, thời tiết ở Trà Vinh đang vào mùa mưa. Nước trong ao nuôi có dấu hiệu phân tầng, độ mặn thường giảm đột ngột, khiến tôm mới thả nuôi bị “sốc", sức đề kháng yếu, rất dễ bị nhiễm bệnh.

Hơn nữa, nguồn nước vùng nuôi tôm đang bị ô nhiễm nặng, tôm nuôi bị chết chưa được khống chế, đang có chiều hướng lây lan trên diện rộng.

Chỉ tính trong vòng 1 tháng, từ ngày 12/5 -12/6, Trà Vinh có thêm gần 2.500 ha nuôi tôm sú bị thiệt hại với lượng giống thả nuôi khoảng 250 triệu con; trong đó một số tôm nuôi mới được khoảng trên dưới 20 ngày tuổi; nâng diện tích nuôi tôm sú của tỉnh bị thiệt hại kể từ đầu vụ chính đến nay lên gần 10.000 ha, với lượng giống bị chết khoảng 1 tỷ con, chiếm khoảng 50% lượng giống thả nuôi.

Theo các nhà chuyên môn, tôm nuôi bị chết thường ở giai đoạn từ 15- 70 ngày tuổi, đa phần do nhiễm bệnh hội chứng hoại tử gan tụy, hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu (IHHNV). Kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II (Thành phố Hồ Chí Minh) cho thấy, tôm nuôi bị chết có liên quan chặt với việc sử dụng thuốc diệt giáp xác chứa chất Cypermethrin.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nuôi trồng Thủy sản II thông tin đây là chất được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép lưu hành, nên người nuôi thường sử dụng nó trong quá trình xử lý ao để diệt giáp xác. Trong khi đó, Thái Lan đã cấm sử dụng chất này trong nuôi tôm từ 20 năm trước và hầu hết các nước khác đều không sử dụng chất này trong quá trình xử lý ao…

Tuy các nhà khoa học đã xác định được nguyên nhân gây bệnh, nhưng đến nay Trà Vinh vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để khống chế dịch bệnh.

Nguyên nhân chính là do hệ thống thủy lợi ở vùng nuôi tôm hiện còn nhiều bất cập. Hệ thống cấp, thoát chưa riêng biệt; trong khi đó, nuôi tôm ở Trà Vinh mang tính chất hộ gia đình, qui mô nhỏ lẻ nên việc quản lý nguồn nước thải ở các hộ có tôm bị chết gặp nhiều khó khăn.

Tuy các nhà quản lý, chuyên môn ở Trà Vinh đã nỗ lực tuyên truyền, vận động các hộ có tôm nuôi bị chết tiến hành khoanh vùng, xử lý nước ao nuôi triệt để bằng hóa chất Chlorine theo đúng sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn… Nhưng hiện nay vẫn có một số hộ "lén lút" xả thẳng nước thải trong ao nuôi tôm bị chết ra ngoài, không qua khâu xử lý bằng hóa chất, làm cho nguồn nước cả vùng nuôi bị ô nhiễm nặng, tôm nuôi tiếp tục bị chết.

Những ngày đầu tháng 6, chúng tôi có dịp trở lại vùng nuôi tôm trọng điểm của huyện Cầu Ngang, khi người nuôi tôm nơi đây đang chuẩn bị thả nuôi lấp vụ trở lại.

Ông Phan Văn Huy, xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang đang cải tạo lại 1 ha nuôi tôm cho biết: Do hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh, cả ngàn hộ nuôi tôm nơi đây chỉ biết dựa vào con kênh duy nhất này để lấy nước vào ao nuôi và thoát nước thải ra ngoài.

Nếu hộ nào đó không có ý thức, tôm bị nhiễm bệnh chết, xả thẳng nước thải ra ngoài, nguồn nước mang mầm bệnh sẽ lây sang ao khác là điều khó tránh khỏi.

Tuy biết vậy nhưng ông và các hộ dân ở đây buộc phải lấy nước trên cùng một tuyến kênh “độc đạo” vào ao nuôi để thả giống trở lại, với mong muốn "gỡ gạc" một phần thiệt hại do tôm nuôi bị chết ở vụ chính vừa rồi.

Chi cục Nuôi trồng thủy sản, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (Sở NN&PTNT Trà Vinh ) đang phối hợp với Phòng Nông nghiệp ở các huyện vùng ngập mặn ven biển, xây dựng các mô hình và tổ chức tập huấn, hội thảo, tư vấn kỹ thuật cho các hộ nuôi tôm về 3 quy trình kỹ thuật gồm quy trình kỹ thuật cải tạo ao nuôi tôm chết do hoạt chất EVIRO, quy trình kỹ thuật cải tạo ao nuôi tôm chết do dịch bệnh và quy trình kỹ thuật chăm sóc tôm nuôi trong thời điểm mùa mưa; phối hợp với các ngành, các cấp có liên quan tăng cường công tác quản lý môi trường, nguồn nước, nguồn tôm giống; kiên quyết tiêu hủy những mẻ giống không đảm bảo chất lượng.

Các cơ quan chức năng khuyến cáo người nuôi không nên ham rẻ, mua tôm giống "trôi nổi".

Khi mua con giống cần yêu cầu cơ sở bán giống xuất trình giấy kiểm tra, chứng nhận tôm giống sạch bệnh, nhất là bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu - bệnh mới xuất hiện trong năm nay.

Người nuôi tôm cần có ao lắng xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi thông qua túi lọc nhằm hạn chế cá tạp vào ao nuôi ; không sử dụng các loại thuốc diệt giáp xác có nguồn gốc thuốc bảo vệ thực vật để xử lý ao nuôi.

Các hộ không đủ điều kiện thả nuôi lấp vụ nên cắt vụ hoặc chuyển sang nuôi các loài thủy sản khác, có khả thích nghi với điều kiện nước ở từng vùng, từng nơi và theo nhu cầu thị trường./.

Có thể bạn quan tâm

Một Mô Hình Nuôi Tôm Quảng Canh Cải Tiến Thích Ứng Biến Đổi Khí Hậu Một Mô Hình Nuôi Tôm Quảng Canh Cải Tiến Thích Ứng Biến Đổi Khí Hậu

Dự án thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái Bến Tre được UBND tỉnh phê duyệt và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp triển khai nhằm tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi của thiên nhiên trước những tác động do biến đổi khí hậu thông qua việc phục hồi và duy trì hệ sinh thái tự nhiên vùng ven biển Bến Tre

17/06/2012
Ham Tôm Giống Giá Rẻ, Coi Chừng Dịch Bệnh Ham Tôm Giống Giá Rẻ, Coi Chừng Dịch Bệnh

Dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp trên tôm nuôi quảng canh cải tiến (QCCT), trong khi đó các biện pháp kiểm soát chất lượng môi trường nước, phòng ngừa dịch bệnh đối với mô hình này dường như không có hiệu quả.

17/06/2012
Bến Tre: Chôm Chôm Trái Vụ Có Mức Giá Cao Kỷ Lục Bến Tre: Chôm Chôm Trái Vụ Có Mức Giá Cao Kỷ Lục

Nhiều hộ dân tại Bến Tre trúng lớn loại chôm chôm trái vụ nhờ giá quả này đang rất cao, với giá mua tại vườn lên tới 50.000 đồng/kg.

17/06/2012