Giá / Tin thủy sản

Nuôi tôm nước tĩnh cho hiệu quả cao

Nuôi tôm nước tĩnh cho hiệu quả cao
Tác giả: Thanh Ngân
Ngày đăng: 09/06/2016

Cũng như những hộ dân khác, gia đình ông Huỳnh Văn Thọ phải sống phụ thuộc vào những vuông tôm như vậy. Ðiều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn khiến gia đình ông phải chật vật, con cái phải dở dang việc học.

Năm 2013, trong một lần tình cờ đến huyện Ðầm Dơi, ông Thọ thấy bà con nơi đây thực hiện mô hình nuôi tôm nước tĩnh khá hiệu quả. Thấy có thể áp dụng tại địa phương mình, ông Thọ quyết tâm học hỏi kinh nghiệm đem về quê thực hiện.

Ông Thọ nhớ lại, khi bắt đầu thực hiện, ông vấp phải sự phản đối của bạn bè, người thân, bởi mô hình nuôi tôm nước tĩnh khá mới mẻ, nơi đây lại chưa có ai thực hiện, họ sợ ông không thành công. Vượt qua mọi sự phản đối, ông đã chứng minh với mọi người rằng, không có việc gì khó, chỉ cần có sự quyết tâm, nỗ lực không ngừng thì mọi chuyện sẽ thành công.

Khi mới thực hiện, ông Thọ gặp khó trong việc cải tạo đất. Theo ông Thọ, quá trình xử lý tốn khá nhiều thời gian và tiền bạc. Sau khi lấy đất ra với diện tích 3ha, trong đó phần mặt nước là 2ha, ông tiến hành phơi đầm và cho xử lý vôi trong năm đầu, những năm kế tiếp ông không cần phải xử lý. Ðối với mô hình này. Ông không áp dụng biện pháp sên sình mà phơi đáy ao đầm mỗi năm 1 lần vào khoảng tháng 7, dùng phân bón, men vi sinh, chú trọng xử lý môi trường nước trước khi thả tôm, cộng với nguồn giống địa phương chất lượng, sạch bệnh và sự quản lý về số lượng, mật độ nuôi để từ đó kiểm soát, đảm bảo tôm nuôi phát triển tốt.

Theo ông Thọ, việc nuôi tôm nước tĩnh khá đơn giản và phù hợp với trình độ sản xuất của người nông dân. Nông dân có thể tận dụng ao vuông đã sản xuất, chỉ gia cố bờ vuông, không để nước rò rỉ ra ngoài, đóng cống lấy nước tự nhiên ngoài sông vào đầm với độ sâu từ 0,5m trở lên để thả và luôn giữ mực nước ở khoảng đó. Lần thả giống đầu tiên, ông Thọ thả khoảng 100.000 con, 2 tháng tiếp theo thả 50.000 con và cứ cách 2 tháng sau thả nối đuôi 20.000 con.

Ðiều đặc biệt của cách nuôi này là cống được đóng suốt trong quá trình nuôi, con giống cứ thả bổ sung liên tục trong vụ nuôi để có thể thu hoạch liên tục, không cần phải tốn tiền thức ăn cho tôm. Nuôi tôm nước tĩnh không xổ nước ra mà đặt lú bắt tôm. Với cách nuôi này môi trường nước được giữ ổn định, không gây ô nhiễm môi trường lại hạn chế dịch bệnh trên tôm.

Ông Huỳnh Văn Thọ chia sẻ: "Tôi thấy so với con tôm xổ vô xổ ra thì nuôi tôm nước tĩnh hiệu quả hơn nhiều. Trước đây nuôi tôm theo kiểu truyền thống trên phần đất sản xuất của gia đình, thu nhập mỗi năm chưa đến 30 triệu đồng, nay mô hình nuôi tôm nước tĩnh thu nhập cao gấp 2-3 lần”.

Hơn 4 tháng đầu thả giống, ông Thọ tiến hành cho thu hoạch đợt đầu tiên. Sau 1 năm thực hiện, thấy được hiệu quả của mô hình này đem lại, ông Thọ tiếp tục mày mò, nghiên cứu đầu tư, lợi nhuận gia đình ông thu về từ tôm nuôi nước tĩnh là 50 triệu đồng/năm. Với số lượng tôm đạt 12 con/kg, mỗi năm ông Thọ thu hoạch khoảng 2 lần. Hiện nay, tổng thu nhập của gia đình ông từ các khoản trên 80 triệu đồng/năm, qua đó giúp gia đình ông từ hộ có cuộc sống khó khăn giờ đây đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Với tinh thần chịu khó học hỏi và ham thực hành cái mới, ông Thọ còn làm được nhiều mô hình khác kết hợp với nuôi tôm nước tĩnh trên ao đầm của mình. Ông tiếp tục cho đổ mặt bằng khoảng 5.000m2 để làm 2 ao cá nước ngọt thả các loại cá điêu hồng, cá phi..., phía trên ông lên liếp trồng cây ăn trái, hoa màu… cung cấp nguồn thức ăn sạch cho gia đình.

Những lúc rảnh rỗi, ông thường mày mò, nghiên cứu nhiều cách làm hay để phát triển kinh tế gia đình. Ông thường xuyên chia sẻ những kinh nghiệm hay với bà con, tính ông vui vẻ, thân thiện nên bà con ai cũng quý. Bằng những nỗ lực phấn đấu không ngừng của mình, nhiều năm liền ông được tặng giấy khen nông dân sản xuất giỏi của xã.

Ông Nguyễn Trung Tính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Ân, đánh giá: “Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến nước tĩnh của ông Huỳnh Văn Thọ là mô hình mới trên địa bàn xã Tân Ân. Hình thức nuôi phù hợp với địa bàn, mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tuyên truyền, vận động, nhân rộng mô hình này cho một số hộ có điều kiện như hộ ông Huỳnh Văn Thọ để thực hiện".

Với hiệu quả kinh tế mà gia đình ông Huỳnh Văn Thọ đạt được, nông dân có thể áp dụng thực hiện bởi nó phù hợp với điều kiện của địa bàn, kỹ thuật nuôi không phức tạp, sẽ giúp nông dân có hướng đi bền vững trong thời gian tới.


Có thể bạn quan tâm

Đến năm 2020, Đắk Lắk sẽ trở thành trung tâm cung cấp giống cá rô phi cho Tây Nguyên Đến năm 2020, Đắk Lắk sẽ trở thành trung tâm cung cấp giống cá rô phi cho Tây Nguyên

Bộ NN-PTNT vừa có Quyết định số 1639/QĐ-BNN-TCTS về việc quy hoạch phát triển nuôi cá rô phi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo 7 vùng sinh thái: Trung du miền núi phía Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và Tây Nguyên.

09/06/2016
Được mùa hến tiền Được mùa hến tiền

Những ngày gần đây, ngư dân vùng đầm phá xã Điền Hòa (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) đánh bắt được những mẻ hến mà người dân địa phương gọi là hến tiền.

09/06/2016
Kỳ vọng với nuôi tôm sạch không thay nước Kỳ vọng với nuôi tôm sạch không thay nước

Với đề tài “Hệ thống nuôi tôm sạch không thay nước”, 2 sinh viên (SV) Trường ĐH Duy Tân (TP Đà Nẵng) là Huỳnh Minh Trang (K20 PSU Khoa Đào tạo Quốc tế) và Nguyễn Công Đức (K18 Khoa Dược) đã giành chức vô địch cuộc thi Go Green in the City - Giải pháp Xanh cho thành phố tại vòng chung kết quốc gia mùa thứ 6, diễn ra ngày 20-5 ở TP HCM, do Tập đoàn Schneider Electric tổ chức.

09/06/2016