Giá / Mô hình kinh tế

Nuôi Tôm Nước Lợ Cần Đầu Tư Hệ Thống Thủy Lợi Ở Quảng Nam

Nuôi Tôm Nước Lợ Cần Đầu Tư Hệ Thống Thủy Lợi Ở Quảng Nam
Tác giả: 
Ngày đăng: 19/05/2012

Nguồn nước không đảm bảo khiến nghề nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam luôn gặp rủi ro. Việc kiện toàn hệ thống thủy lợi đã được đặt ra, tuy nhiên rất khó thực hiện do eo hẹp về vốn đầu tư và quỹ đất.

Nhiều nguy hại

Những ngày qua, nông dân xã Tam Phú (TP. Tam Kỳ) khẩn trương cải tạo lại ao nuôi để bắt đầu vụ mới sau khi tôm bị bệnh đốm trắng và chết hàng loạt. Ông Nguyễn Văn Nhĩ, có ao nuôi 5.000 m2 tôm thẻ chân trắng tại thôn Phú Ngọc (Tam Phú), cho biết: “Gia đình tôi phải bỏ ra 50 triệu đồng để diệt mầm bệnh bằng Clorin và cải tạo lại ao nuôi. Tôm chết thì phải nuôi lại nhưng lo không biết hiệu quả ra sao. Nguồn nước không đảm bảo dễ khiến mầm bệnh ở tôm nuôi phát sinh nhanh chóng. Nhưng nếu đầu tư ao chứa lắng và xử lý chất thải thì gia đình không có khả năng, đất không đủ để nuôi tôm thì lấy đâu làm ao chứa lắng và xử lý nước thải?”.

Nắng nóng trong những ngày qua khiến độ mặn trong nước tăng đột biến. Hạn hán cũng làm mực nước trong các ao nuôi xuống thấp. Để duy trì nguồn nước đảm bảo cho tôm nuôi phát triển, nhiều người đã trực tiếp lấy nước tại các lưu vực sông. Do không có ao chứa lắng, việc sử dụng nước không qua xử lý tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh trong nước phát triển. Nếu như tại TP. Tam Kỳ, người nuôi chủ yếu lấy nước từ sông thì tại Duy Vinh và Duy Thành (Duy Xuyên), Cẩm Thanh (TP.Hội An), nông dân lại đóng giếng ven sông để lấy nước. Tuy nhiên, nguồn nước được lấy từ đáy này vẫn không đảm bảo an toàn cho tôm nuôi, bởi có chứa phèn hoặc chứa kim loại nặng. Nhiều phân tích cho thấy, phèn làm giảm độ pH, mất ổn định môi trường ao nuôi khiến tôm phát triển chậm, còn kim loại nặng gây đột biến môi trường ao nuôi và làm cho sản phẩm tôm nuôi không đạt chất lượng.

Đến thời điểm này, vẫn chưa có thống kê cụ thể về thiệt hại do tôm chết hàng loạt ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, ngoài chuyện rất cũ về chất lượng tôm giống, nguyên nhân chính vẫn là nguồn nước không đảm bảo. Mặt khác, các sông hiện nay chứa nhiều chất thải từ hoạt động sản xuất cộng với việc ngưng đọng dòng chảy làm cho môi trường nước ô nhiễm đến mức báo động. Điều cần thiết là phải có hệ thống xử lý nước đúng quy trình để đảm bảo tôm phát triển tốt, nhưng thực tế hạ tầng cơ sở ở hầu hết các vùng nuôi lại hết sức sơ sài. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho việc nuôi tôm nước lợ thiếu hiệu quả.

Cần có hệ thống cấp, thoát nước

Theo cơ quan chuyên môn, để nuôi tôm nước lợ theo hướng “sạch” và bền vững, việc đầu tư ao chứa lắng và xử lý nước thải là điều kiện bắt buộc, bởi đây là “ngoại lực kháng sinh” cho tôm. Thường hệ thống xử lý nước này chiếm đến 30% diện tích của cả hệ thống nuôi. Do quỹ đất sản xuất không dồi dào nên nông dân trên địa bàn tỉnh không chú trọng đầu tư ao chứa lắng và xử lý nước thải. Ngoài ra, hiện tại phần lớn diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát của tỉnh lại nằm trên phần đất của Khu Kinh tế mở Chu Lai, do tính tạm thời của việc sản xuất nên người nuôi không mặn mà đầu tư các công trình xử lý nước. Ông Đỗ Văn Nhất sản xuất tôm thẻ chân trắng trên ao nuôi 10.000 m2 ở thôn Hòa Bình (xã Tam Hòa, Núi Thành), nói: “Đất sản xuất của gia đình chúng tôi có thể sẽ bị thu hồi bất kỳ lúc nào, vì vậy không dám đầu tư bài bản cho ao nuôi. Nếu được khuyến khích mở rộng sản xuất, chúng tôi sẽ nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình khép kín đi đôi với hoàn thiện hạ tầng vùng nuôi”.

Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, thâm canh trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm nước lợ có quy trình kỹ thuật khắt khe. Ngoài đầu tư cho ao chứa lắng và xử lý nước thải, tại các cánh đồng tôm đòi hỏi phải kiện toàn hệ thống kênh cấp và thoát nước. Điều này sẽ giúp cho các nông dân chủ động được nguồn nước và triệt tiêu các mầm bệnh có thể tác động xấu đến tôm nuôi. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề nan giải. “Không có cách nào khác là chúng ta phải kiện toàn lại hạ tầng vùng nuôi nếu muốn đẩy nhanh tiến độ sản xuất thủy sản theo hướng công nghiệp. Việc quy hoạch lại vùng nuôi tập trung và trang bị đầy đủ các kênh cấp, thoát nước và ao chứa lắng, ao xử lý nước thải là điều kiện bắt buộc. Để làm được điều này, chúng ta cần chủ động về quỹ đất và vốn đầu tư” - bà Phạm Thị Hoàng Tâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam nói.

Có thể bạn quan tâm

Bốn Nhà Liên Kết Chống Rầy Bốn Nhà Liên Kết Chống Rầy

Trong bối cảnh rầy nâu gây hại trên diện rộng, nhưng năng suất lúa bình quân vẫn đạt 8,62 tấn/ha. Trừ chi phí, nông dân lãi từ 23 đến 24 triệu đồng mỗi ha

19/05/2012
Trồng Mít Siêu Sớm Trồng Mít Siêu Sớm

Điển hình như hộ ông Hồ Văn Lập (Ba Lập), ngụ tại ngọn (đầu nguồn) rạch Cầu Ván thuộc địa bàn ấp 4, xã Cẩm Sơn. Trong những năm qua, ông là người nhạy bén trong việc chuyển dịch sản xuất từ trồng lúa bấp bênh sang lập vườn trồng chuyên canh mít mang lại hiệu quả cao

19/05/2012
Bệnh Nấm Phytophthora Palmivora Tàn Phá Cây Ăn Quả Bệnh Nấm Phytophthora Palmivora Tàn Phá Cây Ăn Quả

Đạ Huoai, vùng chuyên canh cây ăn quả lớn nhất ở Lâm Đồng, đang tiếp tục bị thiệt hại nặng do nấm Phytophthora Palmivora gây ra trên diện rộng. Đáng chú ý, hiện tượng bệnh nấm gây hại tại hầu hết tám xã và hai thị trấn của huyện đã kéo dài hơn 10 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được

19/05/2012