Nuôi Tôm Công Nghiệp Khó Ổn Định Với Dịch Bệnh
Nông dân Cà Mau đang đối mặt với vụ nuôi tôm công nghiệp (NTCN) không thành công bởi dịch bệnh đốm trắng và gan tụy cấp tiếp tục hoành hành. Chính vì thế, việc tìm giải pháp căn cơ để gỡ khó cho ngành kinh tế mũi nhọn này là việc làm cấp bách.
Từ đầu năm 2013 đến nay, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi ở Cà Mau còn diễn biến phức tạp. Tôm chết do nhiễm bệnh đốm trắng, đầu vàng, đặc biệt là hội chứng hoại tử gan tụy cấp chiếm tỷ lệ cao nhưng chưa được xác định nguyên nhân cũng như thuốc đặc trị. Tình hình tôm chết kéo dài gây nhiều khó khăn cho người nuôi tôm trong vụ mùa mới.
Nguyên nhân chưa được “kết”
Nguyên nhân ban đầu được xác định do bệnh tồn lưu trong môi trường. Do đang vào mùa vụ cải tạo đầm nuôi và ảnh hưởng thời tiết nên mầm bệnh bộc phát và lan rộng. Theo nhận định của các ngành chức năng, thời gian tới dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Theo đó, diện tích nuôi tôm sẽ giảm, do nhiều hộ nuôi phơi ao, tạm ngưng thả giống.
Một điều dễ nhận thấy, đến thời điểm này, mặc dù trong quy trình nuôi cũng như khuyến cáo luôn đề cao vai trò của ao lắng, ao chứa chất thải sau vụ nuôi.
Thế nhưng, hầu như người nuôi tôm vẫn còn xem nhẹ vai trò này. Ông Mã Quy, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, cho biết, do ham lợi nhuận mà đa số ao lắng đều được sử dụng để làm ao nuôi.
Dịch bệnh xảy ra trên diện rộng ở 2 loại bệnh gan tụy cấp và đốm trắng đã hơn 2 năm qua. Đáng quan ngại hơn, chỉ 3 tháng đầu năm 2013, diện tích bị thiệt hại bằng một nửa so với cả năm 2012 (260 ha từ tháng 1-3, trong khi năm 2012 chỉ có 632 ha).
Xét về chất lượng con giống, ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, nhận định, mức độ dịch bệnh tăng khá mạnh so với cùng kỳ, hầu như xuất hiện đều ở các địa bàn. Vì thế, việc chống dịch trên tôm phải quyết liệt. Bên cạnh đó, rất khó để giải quyết vấn đề chất lượng con giống triệt để, mặc dù thời gian qua phần nào cải thiện.
Việc khuyến cáo người nuôi tôm thực hiện theo quy trình chung, theo lịch thời vụ, nhưng vẫn chưa có tổ chức nào đứng ra giám sát người nuôi tôm thực hiện như khuyến cáo.
Thạc sĩ Đỗ Văn Hoàng, Phân viện Nghiên cứu thuỷ sản Minh Hải, phân vân: “Với quy trình kỹ thuật nuôi, lịch thời vụ của các ngành chức năng đưa ra khuyến cáo cho người dân thì liệu người nuôi có thực hiện đúng quy trình? Được bao nhiêu hộ trung thực trong quá trình khai báo dịch bệnh cũng như thực hiện ghi chép số liệu chính xác để cung cấp cho nhà khoa học truy tìm, phân tích ngược để khắc phục lỗi của từng khâu?”.
Tìm giải pháp căn cơ
Theo khuyến cáo của Bộ NN&PTNT, nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan như hiện nay, các ngành chức năng trong tỉnh đang đẩy mạnh tuyên truyền đến người nuôi tôm để áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào vụ nuôi mới.
Đó là việc ghi chép, theo dõi diễn biến các yếu tố môi trường ao nuôi để một khi xảy ra dịch bệnh, ngoài việc phục vụ cho phân tích nguyên nhân từng khâu của vụ nuôi còn giúp cho các nhà khoa học có dữ liệu nghiên cứu tìm ra giải pháp hạn chế sự phát triển của 2 loại dịch bệnh “nan y” này.
Thạc sĩ Đỗ Văn Hoàng cho biết thêm: “Chúng ta nên tham khảo cách xử lý dịch bệnh của Thái Lan. Đó là sự quản lý số liệu của các hộ nuôi rất chặt. Số lượng ao, nuôi bao nhiêu vụ, số lần bị dịch bệnh, số lần hiệu quả và quan trọng là quản lý số liệu ghi chép của từng hộ nuôi. Khi ao xảy ra dịch bệnh thì số liệu là công cụ hỗ trợ đắc lực cho nhà khoa học cũng như chính người nuôi tìm ra nguyên nhân, lỗi so với quy trình kỹ thuật, từ đó có thể khắc phục, hạn chế được nạn tôm chết như hiện nay”.
Ông Châu Công Bằng cho biết, thời gian tới, sở tiếp tục nâng cao hiệu quả của 2 đề án về chất lượng con giống, về hỗ trợ xét nghiệm tôm miễn phí cho người dân. Phần quan trọng nữa là bảo hiểm nông nghiệp trên tôm nuôi.
Sở đang kiến nghị với Trung ương mở rộng thêm 11 xã có diện tích nuôi tôm lớn tham gia bảo hiểm nông nghiệp để phần nào giúp cho người nuôi tôm có nguồn vốn tái sản xuất trong tình hình hiện nay.
Việc tăng cường quản lý vùng nuôi về môi trường, lịch thời vụ, xử lý ao đầm có dịch bệnh, việc chống dịch trên tôm phải quyết liệt. Chi cục Thú y tăng cường tầng suất thu mẫu để kiểm soát dịch bệnh. Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản tăng cường khảo sát các nguồn nước ở các tuyến kinh chính để phân tích các chỉ số lý hoá cơ bản để phục vụ cho người nuôi tôm.
Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tăng cường tập huấn kỹ thuật, tuyên truyền người nuôi tôm thực hiện đúng lịch thời vụ theo khuyến cáo của ngành chức năng. Tăng cường tập trung kiểm tra chất lượng các yếu tố đầu vào như vật tư nông nghiệp, thuốc thú y thuỷ sản, thức ăn, đặc biệt là chất lượng giống.
Ông Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật, nguyên Giám đốc Sở Thuỷ sản, cho rằng, trước tình hình như hiện nay thì chủ trương phát triển 1.000 ha NTCN nên chậm lại, chờ tình hình dịch bệnh được khắc phục.
Đồng thời, để bảo đảm lượng tôm nguyên liệu trong thời gian tới, cần đẩy mạnh mô hình nuôi quảng canh cải tiến, bởi loại hình này đã khẳng định về hiệu quả và năng suất cao.
Theo đó, cũng cần tập trung làm sao ổn định năng suất của mô hình nuôi quảng canh truyền thống. Đó là điều kiện cần và đủ để nghề nuôi tôm Cà Mau phát triển ổn định trước bất lợi của thời tiết và dịch bệnh.
Tính từ đầu năm đến nay, các trung tâm kiểm dịch giống thuỷ sản đã kiểm, xét nghiệm 4.062 mẫu; trong đó có 555 mẫu không đạt chất lượng, chủ yếu là bệnh đốm trắng, đầu vàng và hoại tử gan tụy.
Có thể bạn quan tâm
Cuối tuần qua, tại thị trấn Long Mỹ, Sở NN&PTNT tỉnh phối hợp với Công ty Bayer Việt Nam tổ chức ra mắt dự án chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo tỉnh Hậu Giang thuộc cánh đồng mẫu của thị trấn Long Mỹ, huyện Long Mỹ.
Nhiều nông dân ở huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) chọn nuôi cá chình để phát triển kinh tế. Bởi cá chình dễ nuôi, ít bệnh, không đòi hỏi nhiều công chăm sóc và có thể tận dụng nguồn thức ăn có sẵn... Với giá từ 460.000 - 520.000 đồng/kg, cá chình trở thành loại thủy sản cho giá trị kinh tế cao, đặc biệt là đầu ra tương đối ổn định.
Gần đây, nhiều vườn hồ tiêu trên địa bàn Quảng Trị bị chết hàng loạt, thiệt hại lớn về kinh tế và gây tâm lý lo lắng cho người dân.