Giá / Tin thủy sản

Nuôi thương phẩm bào ngư chín lỗ

Nuôi thương phẩm bào ngư chín lỗ
Tác giả: Thu Hương (CTV)
Ngày đăng: 08/02/2018

Bào ngư chín lỗ hay còn gọi là ốc cửu khổng, ốc chín lỗ, hoàng kim mềm… là loài động vật thân mềm chân bụng có giá trị kinh tế cao, phân bố ở nhiều vùng biển trên thế giới. Tại Quảng Ninh, nghề nuôi bào ngư thương phẩm còn bỏ ngỏ, chưa được quan tâm đúng mức.

Thả giống bào ngư theo mô hình nuôi bằng lồng treo bè trên biển.

Nhằm giảm áp lực do khai thác tự nhiên, đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng gia tăng về bào ngư thương phẩm, góp phần bảo tồn, phục hồi, phát triển nguồn lợi bào ngư tự nhiên, tạo nguồn nuôi mới cho cộng đồng, Sở KH&CN đã đặt hàng Viện Nghiên cứu hải sản thực hiện nhiệm vụ KH&CN “Thử nghiệm mô hình nuôi thương phẩm bào ngư chín lỗ tại Cô Tô bằng nguồn giống nhân tạo”.

Triển khai nhiệm vụ này, đơn vị chủ trì thực hiện là Viện Nghiên cứu hải sản; phối hợp chính thực hiện nhiệm vụ là UBND huyện Cô Tô và 4 hộ dân trên địa bàn. Căn cứ điều kiện tự nhiên, môi trường vùng biển Cô Tô, ưu, nhược điểm của từng mô hình cũng như khả năng nhân rộng, phù hợp với điều kiện áp dụng của người dân địa phương tại Cô Tô, Viện Nghiên cứu hải sản đã tiến hành lựa chọn hai mô hình nuôi thương phẩm bào ngư: Mô hình nuôi thả đáy trên bãi đá vùng dưới triều (hộ tham gia là gia đình ông Nguyễn Văn Hưng ở thôn 3 và gia đình ông Nguyễn Duy Quý ở thôn 1 đều tại xã Thanh Lân); mô hình nuôi bằng lồng treo bè trên biển (hộ tham gia là gia đình ông Nguyễn Văn Hưng ở thôn 3, xã Thanh Lân và gia đình ông Vương Ngọc Thuỷ ở thị trấn Cô Tô).

 

Bào ngư giống. 

Đối với mô hình nuôi thả đáy trên bãi đá vùng dưới triều, mật độ nuôi 5 con/m2, nuôi 15.000 con cho 2 địa điểm nuôi. Con giống bào ngư được sản xuất tại Trung tâm Giống bào ngư Bạch Long Vĩ, TP Hải Phòng (một cơ sở sản xuất giống bào ngư của Viện Nghiên cứu hải sản). Con giống có chất lượng tốt, khoẻ mạnh, không có dị hình, hoạt lực mạnh, lực bám mạnh, không mang mầm bệnh, được kiểm dịch trước khi đưa ra nuôi thương phẩm. Chiều dài vỏ bào ngư giống khoảng 8 - 10mm (sau 5 - 6 tháng tuổi), thời gian nuôi là 24 tháng. Còn đối với mô hình nuôi bằng lồng treo bè trên biển, quy mô nuôi 15.000 con. Mật độ nuôi khoảng 150 con/lồng. Khi bào ngư đạt kích thước từ 25mm trở đi, san thưa mật độ nuôi khoảng 100 con/lồng. Bào ngư giống có cùng nguồn gốc với giống của mô hình nuôi thả đáy trên bãi đá vùng dưới triều; nuôi trong 24 tháng.

Qua quá trình thử nghiệm nuôi thương phẩm bào ngư chín lỗ tại Cô Tô bằng nguồn giống nhân tạo, kết quả rất khả quan. Theo ông Nguyễn Duy Anh, Thạc sỹ Nuôi trồng thuỷ sản của Viện Nghiên cứu hải sản thì kết quả đã nuôi được 198,5kg bào ngư, bằng 56,71% so với yêu cầu. Bên cạnh đó, Viện đã hoàn thiện quy trình nuôi thương phẩm bào ngư thả đáy trên bãi đá dưới vùng triều và quy trình nuôi thương phẩm bào ngư trong lồng treo bè trên biển tại Cô Tô; tổ chức tập huấn kỹ thuật cho người nuôi trồng thuỷ sản tại địa phương về kỹ thuật nuôi thương phẩm bào ngư, gồm các hộ dân nuôi trồng thủy sản, trại sản xuất giống thủy sản với số lượng 47 người. Toàn bộ các mô hình nuôi thương phẩm bào ngư tại huyện đảo Cô Tô đã được Sở KH&CN, Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy sản tỉnh và UBND huyện Cô Tô kiểm tra đánh giá. Sản phẩm của các mô hình nuôi đã được bàn giao lại cho UBND huyện Cô Tô quản lý, các tổ chức, cá nhân tham gia mô hình nuôi để làm giống bố mẹ cung cấp cho tự nhiên và cho sinh sản nhân tạo góp phần phục hồi, phát triển nguồn lợi bào ngư ngoài tự nhiên, phát triển nghề nuôi thương phẩm bào ngư chín lỗ tại huyện đảo này.

Mô hình đã được Hội đồng Nghiệm thu đánh giá là đạt so với yêu cầu. Bà Thân Trọng Ngọc Lan, Phó Trưởng Phòng Quản lý khoa học (Sở KH&CN), Thư ký khoa học Hội đồng Nghiệm thu, cho biết: “Nhiệm vụ này đã nghiên cứu được các phương pháp nuôi thương phẩm bào ngư chín lỗ, đánh giá ưu, nhược điểm của từng mô hình. Kết quả nhiệm vụ cho thấy, bào ngư từ nguồn giống nhân tạo có khả năng sinh trưởng tốt tại Cô Tô. Tỷ lệ sống đạt từ 30-40%, phù hợp để nhân rộng kết quả thực hiện nhiệm vụ. Các mô hình phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của người dân huyện Cô Tô, được chính quyền và người dân quan tâm. Kết quả của nhiệm vụ là cơ sở khoa học để tạo thêm nghề nuôi mới cho người dân cùng với các đối tượng nuôi truyền thống”.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi cá diếc thương phẩm cho lãi ròng, người nông dân 'kê cao gối ngủ' Nuôi cá diếc thương phẩm cho lãi ròng, người nông dân 'kê cao gối ngủ'

Cá diếc tuy chậm lớn nhưng loài cá này dễ nuôi, thịt thơm ngon và còn có cả tác dụng chữa bệnh nên có giá trị kinh tế cao.

08/02/2018
Khung mùa vụ thả nuôi tôm nước lợ năm 2018 Khung mùa vụ thả nuôi tôm nước lợ năm 2018

Để chủ động mùa vụ nuôi tôm, thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất năm 2018, Tổng cục Thủy sản đã ban hành Văn bản số 3710/TCTS-NTTS hướng dẫn Khung mùa vụ thả

08/02/2018
Tiềm năng nuôi ốc hương ở Ninh Thuận Tiềm năng nuôi ốc hương ở Ninh Thuận

Hiện ở Ninh Thuận, ốc hương được nuôi với nhiều hình thức như nuôi trong đăng, trong lồng, trong bể xi măng, trong ao đất, ao lót bạt nhựa trải cát… cho giá trị

08/02/2018