Giá / Mô hình kinh tế

Nuôi thỏ bỏ vốn nhỏ, thu lãi to

Nuôi thỏ bỏ vốn nhỏ, thu lãi to
Tác giả: Đào Thanh
Ngày đăng: 02/06/2020

Với giá 170.000 đ/kg thỏ giống, sau 3 tháng nuôi, bà con nông dân tỉnh Tuyên Quang thu lãi gần như gấp đôi.

Nghề nuôi thỏ đã cho nhiều hộ nông dân ở Sơn Dương thu lãi cả trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Đào Thanh.

Nghề nuôi thỏ ở Tuyên Quang phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Tập trung nhiều nhất tại các xã Trường Sinh, Hợp Thành, Thượng Ấm… của huyện Sơn Dương. Có những hộ nuôi quy mô lên đến cả nghìn con, thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Gia đình chị Bùi Thị Duyên, thôn Cây Đa, xã Thượng Ấm nuôi thỏ được 4 năm nay. Ban đầu, chị chỉ nuôi vài cặp để thịt ăn. Tuy nhiên, khi thấy thỏ dễ nuôi cho hiệu quả kinh tế khá cao, chị nhân rộng tổng đàn. Hiện tại gia đình chị có 2.000 con thỏ các loại.

Chị Duyên cho biết, so với chăn gà, lợn thì nuôi thỏ nhàn hơn. Quy trình chăm sóc của chúng cũng khá đơn giản, sáng cho ăn lá cây chiều cho ăn cám. Thỏ ít bị bệnh nên ít phải tiêm phòng. Sợ nhất là thỏ đi ngoài, mỗi lần như thế chị chỉ cần ngừng cho ăn cám là bệnh của chúng sẽ tự hết.

Trung bình mỗi con thỏ từ khi đẻ ra đến xuất chuồng là 3 tháng 10 ngày với mùa nắng nóng, còn mùa mát thì khoảng 3 tháng. Với trên 2.000 con thỏ, trung bình mỗi tháng, gia đình chị Duyên xuất chuồng 2 lứa, mỗi lứa từ 2 đến 3 tạ. Hiện nay, giá thỏ được chị Duyên bán là  90.000 đồng/kg với thỏ thương phẩm và 170.000 đồng/kg với thỏ giống. Từ tiền bán thỏ, trừ chi phí mỗi tháng gia đình chị lãi hơn 25 triệu đồng. Từ nay đến cuối năm, chị Duyên dự kiến sẽ nhân rộng tổng đàn thêm 500 con nữa.

Xã Trường Sinh là nơi tập trung nhiều hộ nuôi thỏ nhất huyện Sơn Dương. Toàn xã có 8 hộ nuôi với trên 4.200 con thỏ, trong đó có khoảng 1.000 con thỏ nái. Nghề nuôi thỏ ở đây được bắt đầu từ năm 2015, khi một số hộ dân đi tham quan mô hình tại huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Thấy nghề này có thể phát triển tại tỉnh Tuyên Quang nên họ bắt tay triển khai.

Từ nuôi thỏ, mỗi năm gia đình chị Bùi Thị Duyên, thôn Cây Đa, xã Thượng Ấm thu lãi khoảng 300 triệu đồng. 

Người nuôi thỏ nơi đây cho biết, thuận lợi nhất là không lo về vấn đề đầu ra. Bởi các hộ đã thành lập được nhóm hợp tác và ký hợp đồng liên kết, bao tiêu sản phẩm với 1 HTX chăn nuôi thỏ tại huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Đảm bảo nguồn thỏ cung cấp cho HTX ở Tam Đảo, trung bình mỗi tuần 1 lần, thành viên trong nhóm sẽ đi rà soát những hộ gia đình nào có thỏ cho xuất chuồng để gom vào khu chăn nuôi của gia đình  nhóm trưởng, sau đó báo cho phía HTX đến thu mua.  

Gia đình anh Nguyễn Công Định là hộ nuôi thỏ nhiều nhất xã Trường Sinh. Hiện trong khu chuồng chăn nuôi của gia đình anh có 2.500 con thỏ. Nghề nuôi thỏ đến với anh Định như một cái duyên. Năm 2015, trong một lần đến nhà bạn tại huyện Tam Đảo anh thấy bạn anh kể, nuôi thỏ rất nhàn, lãi cao lại tiêu thụ khá dễ dàng. Kể từ khi đó nghề nuôi thỏ đã gắn bó với anh.

Từ 2 cặp thỏ giống mua về nuôi thử sau 1 năm anh đã nhân lên được 40 nái, năm thứ 2 lên 100 nái, năm thứ 3 lên 200 nái. Để thỏ có “nơi ăn, chốn ngủ” ổn định, anh làm chuồng trại kiên cố diện tích hơn 400 m2, có quạt gió, lồng chuồng, hệ thống thoát nước hiện đại.

Hiện tại, khu chuồng chăn nuôi của gia đình anh có 250 con nái, và 2.250 con thỏ thương phẩm. Trung bình mỗi tháng anh xuất 2 đến 3 lứa, mỗi lứa từ 4 đến 6 tạ (tương đương từ 250 đến 300 con). Từ thỏ, trừ chi phí mỗi tháng anh lãi 60 triệu.

Sau 3 tháng, người nuôi đã có thể xuất bán thỏ thương phẩm với giá 90.000 đồng/kg. Ảnh: Đào Thanh.

Tuy thỏ là loài khá dễ tính trong việc nuôi cũng như chăm sóc, thế nhưng nó cũng gây cho người nuôi những khó khăn nhất định. Thỏ là loài khá nhạy cảm với thời tiết. Thỏ hay bị tiêu chảy, trở trời hay bị viêm mũi, đóng mủ, không thở được dẫn đến chết yểu. Bởi vậy đòi hỏi người chăn nuôi cần phải bám sát tình hình thời tiết để có giải pháp điều chỉnh chuồng trại cho phù hợp.

Cũng giống như nghề chăn nuôi khác, nuôi thỏ cần có chuồng trại sạch sẽ đảm bảo an toàn thoáng mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông. Thỏ cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đặc biệt nguồn nước uống rất quan trọng, phải có hệ thống lọc nước đảm bảo sạch sẽ, an toàn.

Bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó phòng NN-PTNT huyện Sơn Dương cho biết, toàn huyện có 11 xã nuôi thỏ, tập trung chủ yếu ở xã Trường Sinh, hơn 4.200 con; xã Hợp Thành, xã Thượng Ấm trên 2.000 con… Nhiều địa phương đã thành lập nhóm sở thích chăn nuôi thỏ. Từ nghề nuôi thỏ, một số hộ thu lãi cả trăm triệu đồng mỗi năm.


Có thể bạn quan tâm

Trồng xen dâu tằm với chanh dây, bơ, thu 4 tỷ đồng/năm Trồng xen dâu tằm với chanh dây, bơ, thu 4 tỷ đồng/năm

Đó là mô hình của anh Bùi Trung Hiếu ở thôn 3, xã Quảng Sơn, huyện Đắk G'Long (Đắk Nông).

02/06/2020
Khởi nghiệp từ mô hình nuôi vịt khép kín Khởi nghiệp từ mô hình nuôi vịt khép kín

Ngoài ra, phải đảm bảo chuồng trại luôn thoáng mát, nền chuồng cao ráo, thoát nước, đảm bảo ấm về mùa đông và mát về mùa hè; có diện tích mặt nước để vịt tắm

02/06/2020
Thu tiền tỷ mỗi năm từ mô hình kinh tế tổng hợp Thu tiền tỷ mỗi năm từ mô hình kinh tế tổng hợp

Để lại một phần cơ thể ở chiến trường, nhưng với bản lĩnh của anh bộ đội cụ Hồ, thương binh Phan Đình Mạnh đã trở thành nông dân sản xuất giỏi, thu nhập tiền tỷ

02/06/2020