Nuôi Ong Mật Ở Cây Thị Ở Thái Nguyên
Tuy nghề nuôi ong mật ở Cây Thị, Đồng Hỷ mới phát triển mạnh trong 3 năm trở lại đây nhưng đã giúp cho nhiều hộ dân ổn định kinh tế, vươn lên làm giàu và góp phần đẩy lui cái đói, cái nghèo ở xã vùng sâu, vùng xa này.
Gia đình anh Nguyễn Trọng Bắc, ở xóm Mỹ Hòa, hiện có 50 thùng ong, mỗi lần quay mật được khoảng 10 lít/thùng, mỗi lít bán với giá từ 100-150 nghìn đồng.
Chúng tôi đến xã Cây Thị vào một ngày đầu hè, đây được coi là vụ thu mật chính trong năm vì thời gian này, hoa vải, hoa nhãn và nhiều loài hoa khác đang kỳ nở rộ, điều đó giúp nguồn mật trở nên phong phú và chất lượng mật ngon hơn hẳn so với những mùa khác trong năm. Trên đường đưa chúng tôi đi thăm những hộ nuôi ong trong xã, anh Nguyễn Trọng Khanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cây Thị vui vẻ trò chuyện: Đặc điểm của địa phương là có nhiều rừng (trên 3.000ha), cây ăn quả, lại ít bị ô nhiễm bởi các khu công nghiệp nên không khí rất trong lành. Có lẽ vì thế mà nghề nuôi ong lấy mật xuất hiện ở xã này từ khá sớm. Cách đây khoảng 20 năm đã có dăm, bảy hộ nuôi với tổng số gần 100 đàn ong, nhưng các hộ này chủ yếu nuôi theo kiểu tự phát, không có sự đầu tư về khoa học kỹ thuật, sản phẩm mật ong chỉ để dùng trong gia đình.
Hơn 3 năm trở lại đây, nghề này mới thực sự phát triển, hiện toàn xã có hơn 70 hộ nuôi ong với khoảng 500 đàn, trong đó, có 7 hộ nuôi quy mô lớn từ 30-50 đàn. Điều đặc biệt là 100% hộ nuôi đều nuôi giống ong ta, được đưa từ rừng của địa phương về để thuần hóa, sau đó nhân đàn. Do đã được thích nghi với điều kiện thời tiết, khí hậu ở đây nên đa số đàn ong đều rất khỏe, ít bị mắc các bệnh thường gặp như thối ấu trùng, sâu đục tầng… Tuy ong ta cho mật ít hơn ong nhập ngoại nhưng chất lượng lại thơm ngon hơn hẳn và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Trọng Bắc, xóm Mỹ Hòa đúng lúc anh đang quay mật, đây là một trong những hộ có kinh nghiệm nuôi ong và có tổng đàn nhiều nhất xã. Khéo léo nhấc chiếc cầu ong nặng trĩu mật ra khỏi thùng, anh Bắc cắt một miếng sáp mời chúng tôi nếm thử. Theo quan sát của chúng tôi, dù vết cắt của dao làm các ô lắng chứa mật bị rách nhưng mật ong đặc quánh nên vẫn không bị chảy ra, màu mật vàng nhạt, trong suốt, vị ngọt đậm và hương thơm dịu nhẹ.
Nói về kỹ thuật nuôi ong, anh Bắc cho biết: Nuôi ong không kho, chỉ cần có giống, kỹ thuật và vườn cây ăn quả là đàn ong phát triển mạnh. Sau Tết âm lịch, khi thời tiết ấm áp thì phải chuẩn bị cho ong chia đàn và nên kết thúc việc này vào cuối tháng 2 (âm lịch) để ong đi thu mật. Muốn nâng cao sản lượng và chất lượng mật ong, mỗi năm phải di chuyển đàn ong đến những vườn cây khác có nhiều hương hoa, việc di chuyển phải làm trong đêm nhằm làm cho ong không bị phân tán đàn vì thời gian này ong đã về tổ ngủ. Loài cây để ong lấy mật tốt nhất là cây ăn quả, trong đó mật ong hoa nhãn có giá trị kinh tế cao hơn cả, hiện loại mật này mỗi lít có giá từ 150 nghìn đồng trở lên, cao hơn các loại mật khác khoảng 50 nghìn đồng/lít. Thời điểm ong cho mật nhiều nhất là từ tháng 3 đến tháng 5 (âm lịch), cứ khoảng 10 ngày lại được lấy mật một lần. Gia đình tôi hiện có 50 thùng ong, mỗi thùng có từ 8-10 cầu ong tạo thành 1 đàn. Mỗi lần quay mật được khoảng 10 lít/thùng, mỗi lít bán với giá dao động từ 100-150 nghìn đồng.
Để tạo điều kiện cho các hộ có thêm kiến thức chăm sóc, phát triển đàn ong, hàng năm, xã Cây Thị đã phối hợp với Trung tâm Trị liệu (Đại học Thái Nguyên) và các đơn vị chuyên môn tổ chức tập huấn cho những hộ nuôi ong. Trong đó, tập trung vào các nội dung chính như: Tìm hiểu về đời sống của ong, kỹ thuật tạo ong chúa có chất lượng cao, kỹ thuật nuôi và xử lý đàn ong; phương pháp phòng và trị bệnh… Đặc biệt, sắp tới xã sẽ lên kế hoạch thành lập câu lạc bộ nuôi ong nhằm giúp các hội viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi ong, nhân số lượng đàn lên nhiều hơn...
Ông Bàn Văn Quang, ở xóm Cây Thị cho biết: Tôi nuôi ong đã được gần chục năm nay, thời gian đầu do ít kinh nghiệm, lại không được hướng dẫn khoa học kỹ thuật, tôi chỉ nuôi chúng theo cảm tính nên ong thường bỏ đàn bay đi, hoặc bị mắc bệnh thối ấu trùng. Không nản chí, tôi đã tự tìm tòi, nghiên cứu cách chăm sóc ong qua sách, báo và tham gia các lớp tập huấn tại địa phương để tích lũy thêm kiến thức cho mình. Đến giờ, 20 đàn ong của gia đình tôi luôn phát triển tốt, mỗi năm cho thu trên 200 lít mật, trung bình mỗi lít bán được hơn 100 nghìn đồng.
Có thể thấy, nghề nuôi ong mật ở xã Cây Thị đã mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho nhiều gia đình, bên cạnh đó việc nuôi ong còn giúp thụ phấn cho cây trồng, góp phần tăng năng suất chất lượng mùa màng, bảo vệ môi trường sinh thái. Song, người nuôi ong ở đây vẫn gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, do đó, việc xây dựng được thương hiệu cho mật ong địa phương nhằm tăng giá trị kinh tế vẫn đang là niềm mong mỏi của nhiều hộ nuôi ong ở xã này.
Có thể bạn quan tâm
Khi diện tích đất sản xuất ít, nhiều hộ nông dân đã xen canh những loại cây trồng ngắn ngày vừa tăng thêm nguồn thu, vừa có tác dụng bổ sung chất dinh dưỡng cho cây trồng chính. Trước đây, nông dân thường chọn xen cây mì vào vườn cao su non nhưng đất ngày càng bạc màu, làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của cây trồng chính.
Ông Lê Xuân Phiên, Bí thư chi bộ thôn 10, xã Thống Nhất (Bù Đăng) cho biết, toàn thôn có 168 hộ dân nhưng đã có khoảng 70% số hộ biết đa dạng hóa cây trồng trên cùng một diện tích cho hiệu quả kinh tế cao. Người dân thôn 10 chủ yếu trồng xen hồ tiêu, cà phê trong vườn điều. Một số hộ kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm dưới tán cây...
Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của xã Thanh Lương (TX. Bình Long). Đặc biệt trong 4 năm gần đây, chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học đang phát triển mạnh về số hộ nuôi và tổng đàn. Toàn xã hiện có khoảng 30 hộ chăn nuôi gà thả vườn với quy mô 1.000-15.000 con/lứa. Trong đó phải kể đến Câu lạc bộ (CLB) chăn nuôi gà thả vườn an toàn sinh học Thanh Bình.