Nuôi lợn theo mô hình liên kết chuỗi
Chăn nuôi theo mô hình liên kết chuỗi giá trị hiện đang còn rất mới mẻ, nhưng đó là con đường tất yếu để chăn nuôi ở Yên Bái không rơi vào thảm cảnh như hiện nay.
Trang trại chăn nuôi lợn của Cty Hoàng Vũ
Trước tình hình đàn lợn đang khủng hoảng thừa, hàng ngàn trang trại, hàng triệu hộ dân chăn nuôi lợn đang lâm vào tình cảnh khóc dở mếu dở khi giá lợn hơi thấp kỷ lục, đứng trước thua lỗ và phá sản là điều khó tránh khỏi. Sở NN-PTNT Yên Bái tổ chức hội thảo “Bàn giải pháp chăn nuôi lợn theo mô hình liên kết chuỗi”.
Thống kê chưa đầy đủ tổng đàn lợn của tỉnh Yên Bái hiện có 527.832 con, tăng 3,56% so với cùng kỳ, lợn đủ trọng lượng xuất chuồng từ 80 - 110kg còn tồn đọng 114.517 con, tương ứng 8.500 tấn. Trong khi đó giá lợn hơi dao động từ 17.000 - 20.000đ/kg, với giá đó mỗi con lợn người chăn nuôi phải bù lỗ 1 - 1,5 triệu/con.
Ông Phạm Văn Nở ở thôn Linh Đức, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên cho hay, gia đình ông đã huy động vốn từ những người thân trong gia đình và vay ngân hàng 300 triệu để xây dựng trang trại, nuôi 25 con lợn nái và 200 con lợn thịt, sau 5 tháng, giá bán lợn hơi đầu năm 2017 chỉ được 30.000 đ/kg, đến nay chỉ bán được 22.000 - 24.000 đ/kg, tính ra mỗi con lỗ 1,3 triệu. Hiện đã lỗ khoảng 300 triệu mà đàn lợn vẫn không bán được, nhưng vẫn phải nuôi, càng nuôi thì càng lỗ nên mong muốn ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ…
Cty TNHH Đầm Mỏ xây dựng trang trại chăn nuôi tại xã Minh Bảo, TP Yên Bái, công suất nuôi 1.500 - 2.500 con lợn thịt, 400 - 600 con lợn nái sinh sản, sản phẩm cung cấp ra thị trường 2.600 con/tháng, trong đó có 300 lợn thịt, 2.300 lợn hậu bị. Cty đã đầu tư 30 tỷ để xây dựng từ năm 2015 và được cấp giấy chứng nhận VietGAHP, điều kiện vệ sinh thú y, UBND tỉnh Yên Bái đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đây là trang trại lợn siêu nạc, đáp ứng các yêu cầu SX lợn sạch. Tuy nhiên, do giá lợn xuống thấp, Cty bị thua lỗ nặng nề. Đã lỗ hơn 900 triệu đồng, dự báo còn lỗ 700 triệu nữa.
Ông Nguyễn Hồng Thanh, GĐ Cty vô cùng ngao ngán: "Tôi đã mất ăn mất ngủ vì đàn lợn từ nhiều tháng nay, lợn rớt giá như thế này càng nuôi càng lỗ. Cty đang làm thủ tục xuất sang thị trường Lào và Campuchia để tìm lối thoát…".
Các chủ trang trại và các hộ nông dân chăn nuôi đều mong muốn tỉnh Yên Bái tìm đầu ra cho đàn lợn. Trong khi đó Cty Hùng Đại Sơn thì vẫn bình chân như vại, mặc dù nuôi 30 lợn nái lai lợn rừng, nuôi theo lối chăn thả tự nhiên, mỗi năm SX hàng trăm con lợn thịt đều không đủ bán, thời kỳ cao điểm bán giá trên 100.000đ/kg, hiện đang bán giá 90.000đ/kg.
Để đảm bảo đầu ra ổn định, tại cuộc hội thảo này rút ra: Sản phẩm phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; đảm bảo vệ sinh môi trường; đảm bảo an toàn dịch bệnh; tiêu thụ và liên kết tiêu thụ thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm SX gắn với thị trường. Việc tăng đàn lợn quá nhanh như hiện nay bất chấp nhu cầu của thị trường là bài học mà người chăn nuôi phải trả giá.
Tại hội thảo, Cty CP Dinh dưỡng vật nuôi Pháp Quốc đã giới thiệu sản phẩm của Cty nuôi lợn công nghệ cao bằng cám thảo dược. Hiện Cty đã có mặt ở nhiều tỉnh, cam kết cung ứng thức ăn cho các hộ gia đình và trang trại, thu mua toàn bộ đàn lợn với giá cao hơn giá thị trường từ 3 - 5 giá, để cung cấp cho các cửa hàng và siêu thị.
Chăn nuôi theo mô hình liên kết chuỗi giá trị hiện đang còn rất mới mẻ, nhưng đó là con đường tất yếu để chăn nuôi ở Yên Bái không rơi vào thảm cảnh như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Nhờ cho mận trùm mùng lưới mà sản phẩm mận của nông dân Lai Vung khi kiểm tra tồn dư thuốc BVTV đều đảm bảo chất lượng...
Trong khi nhiều loại cây khác đang “lên ngôi”, nhiều hộ nông dân ở Bến Tre đã mạnh dạn phá bỏ cây ca cao làm cho diện tích loại cây này bị thu hẹp.
Muốn có ngành hàng lúa gạo với quy mô hàng hoá, hiệu quả kinh tế cao và tạo dựng được thương hiệu, đồng bằng sông Hồng cần thay đổi tư duy canh tác