Nuôi Lợn Rừng Thu 600 Triệu Đồng/năm
Với diện tích 1,2ha trang trại mà chủ yếu là chăn nuôi lợn rừng, mỗi năm gia đình anh Trần Văn Hoan (khu dân cư Mật Sơn, phường Chí Minh, huyện Chí Linh, Hải Dương) thu 550 - 600 triệu đồng.
Trước khi mở trang trại nuôi lợn rừng, gia đình anh Hoan làm kinh doanh. Đi nhiều nơi, thấy nhiều người nuôi lợn rừng hiệu quả, năm 2007 anh quyết định làm trang trại. Số tiền anh đầu tư xây chuồng trại lên tới 1 tỷ đồng. Từ 16 con nái và 2 con đực giống ban đầu, đến nay trang trại của anh có 45 lợn rừng nái và 3 con lợn đực giống. Mỗi năm anh xuất chuồng 2 lứa, trong đó 2/3 số lợn bán giống (400 con) và gần 250 con lợn thịt. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi của anh không chỉ ở Hải Dương mà cả Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội.
Anh Hoan nhớ lại: “Năm đầu tiên, do chưa có kỹ thuật, kinh nghiệm, lợn mẹ đẻ 7-8 con thì chết một nửa”. Theo anh Hoan, nuôi lợn rừng muốn thành công, quan trọng là phải áp dụng khoa học kỹ thuật kết hợp với kinh nghiệm; khu nuôi rộng rãi, thoáng mát và phải có nhiều cây xanh. Trong trang trại, anh trồng 300 gốc xoài, vừa cho đàn lợn rừng có bóng mát, vừa có quả bán.
Ngoài lợn rừng, anh còn nuôi nhím, dúi, cá. Với cá, anh chủ yếu nuôi các loại cá truyền thống như trắm, trôi, mè, chép. Với diện tích 2.000m2 ao, mỗi năm anh thu khoảng 7-8 tấn cá. Ngoài ra, anh còn nuôi gần 100 con vịt. Thành công trong nuôi lợn rừng, anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết của mình với mọi người. Nhiều người đến mua lợn giống đều được anh chỉ bảo tận tình cách chăm sóc, phòng bệnh và kỹ thuật.
Trang trại của anh Hoan đã tạo việc làm ổn định cho 2 lao động địa phương, với lương 4,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, anh còn thuê một cán bộ thú ý (lương 5 triệu đồng/tháng) để chăm sóc, phòng bệnh cho đàn lợn rừng.
Từ năm 2008 đến nay, anh Hoan liên tục được Hội ND tỉnh khen thưởng về thành tích SXKD giỏi; được UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích sản xuất cây, con mới. Năm 2011, anh được T.Ư Đoàn trao tặng Giải thưởng Lương Định Của.
Có thể bạn quan tâm
Cũng như các địa bàn nông thôn khác, hầu hết người dân xã Phước Vinh (Ninh Phước) cũng “một nắng hai sương” trên mảnh đất kém phì nhiêu ở xứ nắng Ninh Thuận. Thế nên, ít ai nghĩ nghiệp nông ở vùng đất này lại có thể khởi sắc, đặc biệt là từ cây bắp lai, một loại cây lương thực không quá nổi trội tại địa phương.
Những năm gần đây, nghề nuôi chim cút phát triển khá mạnh ở Quảng Nam, trong đó Điện Bàn là địa phương có nhiều hộ tham gia nhất. Để nghề này phát triển bền vững, Hội ND đã vận động, hướng dẫn các hộ nuôi chim liên kết, hợp tác với nhau.
Thức ăn của cừu đơn giản, dễ kiếm, chủ yếu là cỏ, rau muống, cám bột xay. Anh Khánh cho biết, chi phí nuôi cừu thấp, không tốn nhiều công chăm sóc, dễ bán, giá cao. Hiện xã Phước Thái có thêm 20 hộ nuôi cừu vỗ béo, góp phần cải thiện thu nhập cho gia đình.