Nuôi ếch xen cá: Giảm chi phí, hiệu quả cao
Tận dụng diện tích mặt nước trên bè cá, anh Trần Văn Cường ở xã La Ngà (Định Quán - Đồng Nai) đã thử nghiệm nuôi xen cá và ếch, bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá cao.
Anh Trần Văn Cường chăm sóc ếch nuôi kết hợp với cá bè.
Anh Cường có hơn 15 năm nuôi cá bè trên sông La Ngà. Nhận thấy diện tích mặt nước khi nuôi cá bè còn trống nên thời gian qua, anh thử nghiệm nuôi cá xen ếch bằng cách đóng những tấm ván đậy gần kín mặt nước trên bè cá để nuôi ếch, bên dưới anh thả nuôi cá điêu hồng, còn tầng nước dưới nuôi cá mè.
“Tôi áp dụng mô hình này gần 1 năm nay. Với việc nuôi xen các loại cá, ếch, nguồn thức ăn sẽ được tiết kiệm, tránh lãng phí. Hơn nữa, ếch dễ nuôi, mang lại giá trị thương phẩm cao”, anh Cường cho biết thêm.
Theo anh Cường, hình thức nuôi xen này phải đảm bảo mật độ để tránh tác động tới sự sinh trưởng của cá phía dưới. Đây là mô hình khá mới nên còn gặp khó khăn trong khâu phòng trị bệnh do ếch là loài khá nhạy cảm với thời tiết, nguồn nước phải sạch sẽ, khử trùng, thay nước định kỳ, cân đối lượng thức ăn cho ếch.
Anh Cường cho hay, giai đoạn đầu nuôi ếch, do còn thiếu kinh nghiệm nên ếch bị chết khá nhiều. Sau đó, anh mày mò tìm hiểu kỹ thuật nuôi ếch, chủ động học hỏi một số mô hình đi trước nên đã hạn chế tỷ lệ hao hụt. Bên cạnh đó, giá ếch thành phẩm thường trồi sụt, thị trường chưa thật sự ổn định, nguồn con giống chưa thể chủ động, cũng gây ít nhiều khó khăn cho người nuôi.
Hướng tới nuôi ếch sinh sản
Hiện anh Cường có hơn 10 bè cá kết hợp nuôi ếch, mỗi bè rộng khoảng 24m2 trở lên, cứ khoảng 3-4 tháng xuất bán ếch một lần. Trong năm đầu áp dụng mô hình, tổng nguồn thu từ việc nuôi ếch, cá đạt khoảng 300 triệu đồng.
Sắp tới, anh Cường hướng tới chủ động nguồn con giống, mở rộng thêm khoảng 6 lồng nuôi ếch xen nuôi cá. Đồng thời, anh phát triển thêm mô hình nuôi ếch sinh sản; mở rộng thị trường tiêu thụ ra các địa phương lân cận. Ngoài ra, anh sẽ tìm hiểu thêm về các mô hình nuôi kết hợp theo hướng an toàn, cho năng suất cao và tận dụng được nguồn nước mặt “nhàn rỗi”.
Có thể bạn quan tâm
Diện tích cũng như sản lượng nuôi trồng thủy sản nước lợ của tỉnh Kiên Giang tăng trưởng mạnh nhờ thời tiết thuận lợi và giá ổn định ở mức cao.
Công nghệ càng cao tỷ lệ thành công càng lớn. Đây là đúc rút sau của ông sau những năm trải nghiệm giữa nuôi theo truyền thống và nuôi ứng dụng công nghệ cao.
Mô hình tổ hợp trại nuôi đa loài MAC của ông Tharakan được khánh thành hồi cuối năm ngoái với công suất nuôi 20 triệu tôm sú giống mỗi năm