Giá / Mô hình kinh tế

Nuôi Con Đặc Sản, Mỗi Năm Bỏ Túi Hàng Trăm Triệu Đồng

Nuôi Con Đặc Sản, Mỗi Năm Bỏ Túi Hàng Trăm Triệu Đồng
Tác giả: 
Ngày đăng: 26/04/2012

Chỉ tìm nuôi những con đặc sản có “đầu ra” lớn, mỗi năm, anh Bùi Văn Hợp (ở xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã bỏ túi hàng trăm triệu đồng.

Năm 1992, anh Hợp cưới vợ rồi 3 đứa con lần lượt ra đời. Cả nhà chỉ quanh quẩn với vài ba sào ruộng. Để có tiền, anh đồng ý cho vợ đi xuất khẩu lao động ở Malaysia; còn anh cùng với một số thanh niên trong làng đi buôn ếch, rắn bán sang Trung Quốc. Có đồng ra đồng vào nhưng rồi bị bạn bè rủ rê, anh lao vào cờ bạc. Vợ về nước không dư dật được bao nhiêu, nhìn các con khổ cực, anh Hợp dắt cả nhà vào rừng xin đấu thầu khu vực Ao Mầu mở trang trại.

Sau hơn một năm khai hoang, vợ chồng anh đã có trang trại 2,2ha. Năm 2009, thông qua Hội ND, đại diện Sở NNPTNT tỉnh đã về khảo sát và sau đó hỗ trợ trang trại anh Hợp 3.000 con ba ba giống. Thời điểm đó phong trào nuôi ba ba phát triển, anh Hợp quyết định vay anh em họ hàng 30 triệu đồng mua thêm 3.000 con ba ba về nuôi. “Do vùng núi Hồng Lộc nước sắc (nước chảy từ trong núi ra - PV), ba ba nuôi rất tốn thức ăn mà lớn chậm, tôi bán ba ba gom tiền đầu tư nuôi ếch và cá lóc. Nhờ quyết định đúng, vợ chồng tôi không những trả hết nợ mà còn đầu tư xây trang trại quy mô với 12 ao nuôi cá” - anh Hợp cho biết.

Bên cạnh cá truyền thống, cá lóc, ếch, anh Hợp còn nuôi lợn siêu nạc, lợn rừng và gà cỏ… Để tránh rủi do, anh đến các trang trại chăn nuôi hiệu quả trong và ngoài tỉnh học hỏi kinh nghiệm và tìm kiếm các đối tượng con mới về nuôi.

“Đầu năm 2010, thông qua Chi cục Nuôi trồng thủy sản, tôi nhập 1 vạn con cá leo giống từ Đài Loan về nuôi thử nghiệm. Sau 8 tháng, thu hoạch cá leo đã đem về cho tôi một khoản thu nhập khá lớn” - anh Hợp kể. Cũng từ đó, anh quyết định chuyển sang nuôi những cá đặc sản đang được thị trường ưa chuộng.

Năm 2011, anh đầu tư 300 triệu đồng mua 7.000 con cá leo, 3.000 cá lăng giống và 2.000 cá chình giống về nuôi. Năm đó, trừ tiền mua giống, thức ăn, thuê nhân công, anh vẫn còn 300 triệu đồng.

“Đầu năm 2012, nhiều đầu mối đến đặt mua cá nhưng tôi chỉ dám ký hợp đồng với một đối tác ở Vinh (Nghệ An) cung cấp 30 tấn cá leo và cá lăng thương phẩm trong năm nay”- anh Hợp tiết lộ.

Ngoài cá, trang trại của anh thường xuyên có hơn 50 con lợn siêu nạc và 2.000 con gà ta, mỗi năm thu trên 100 triệu đồng. Vợ chồng anh cũng đang nuôi thử nghiệm lợn rừng và dúi, nếu thành công sẽ tiếp tục nhân rộng. Hỏi bí quyết làm giàu, anh Hợp bảo, phải tìm hiểu thị trường và đi trước một bước, chứ không chạy theo phong trào.

Có thể bạn quan tâm

Nhiều Nông Dân Giàu Từ Trồng Sơn Nhiều Nông Dân Giàu Từ Trồng Sơn

Là loại cây công nghiệp rất kén đất, nhưng đã hợp đất rồi thì phát triển rất nhanh, cho sản phẩm nhiều, giá trị kinh tế cao... cây sơn ta đã được khẳng định ở xã Ngọc Hội (Chiêm Hóa) khi ngày càng nhiều nông dân giàu lên nhờ trồng cây này....

26/04/2012
Giúp Hội Viên Phát Triển Kinh Tế Giúp Hội Viên Phát Triển Kinh Tế

Nhằm giúp các hội viên nông dân khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế của địa phương, nhiều năm qua, Hội Nông dân xã Phúc Ninh (Yên Sơn) đã tạo điều kiện cho các hội viên tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng, đồng thời xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình kinh tế hiệu quả..

26/04/2012
Vì Sao Thương Nhân Trung Quốc Chọn Heo Nhiều Mỡ? Vì Sao Thương Nhân Trung Quốc Chọn Heo Nhiều Mỡ?

Theo lý giải của những người am hiểu thị trường thit heo, hiện tượng Trung Quốc tăng nhập khẩu heo nhiều mỡ đơn thuần là lý do kinh tế.

26/04/2012