Giá / Mô hình kinh tế

Nuôi Cá Vược Trên Sông Gianh

Nuôi Cá Vược Trên Sông Gianh
Tác giả: 
Ngày đăng: 18/07/2013

Ngoài việc vươn khơi đánh bắt hải sản dài ngày trên biển, hiện nay người dân thôn Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) mở thêm một nghề mới đó là nghề nuôi cá vược trên đoạn sông Gianh chảy qua địa phương. Nghề nuôi cá vược tuy mới mẻ nhưng kỳ vọng sẽ mở ra một hướng làm ăn mới giúp người dân nơi đây có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống...

Nghề mới ở làng chài

Cồn Sẻ nằm trên cồn nổi bốn bề bao quanh bởi dòng sông Gianh. Từ xưa người dân nơi đây chủ yếu làm nghề đi biển, hầu hết trai tráng trong thôn lớn lên đều theo những đoàn thuyền dong buồm đánh cá. Nhưng hiện nay bên cạnh việc vươn khơi đánh bắt hải sản, người dân Cồn Sẻ vừa mở ra một nghề mới, đó là nghề nuôi cá vược.

Chèo con đò nhỏ dẫn chúng tôi đi xem những lồng cá vược nuôi trên sông Gianh, ông Nguyễn Cương, Trưởng thôn Cồn Sẻ, phấn khởi cho biết: “Lần đầu tiên người dân Cồn Sẻ mạnh dạn triển khai mô hình nuôi cá vược bằng lồng bè ngay giữa sông đoạn chảy qua địa phận thôn.

Hiện tại, toàn thôn có 39 hộ dân nuôi cá vược với khoảng hơn 200 lồng cá, bình quân mỗi hộ nuôi từ 4 đến 8 lồng. Mỗi lồng nuôi như vậy, hộ đã nuôi thả nuôi khoảng 400 con giống. Hiện cá vược đang phát triển tốt”.

Anh Nguyễn Loan (45 tuổi) là người đầu tiên đưa cá vược về nuôi trên vùng sông nước quê mình, tâm sự: “Sau gần 30 năm gắn bó với biển, nay sức khỏe không bảo đảm cho những chuyến ra khơi dài ngày nên tui thấy phải làm một việc gì đó để có thu nhập ổn định cuộc sống của gia đình. Trước đây, mỗi lần tàu ở vùng sông biển Nha Trang hay ở Bà Rịa - Vũng Tàu, tôi thấy người dân ở đó nuôi cá vược rất hiệu quả. Tôi nghĩ sao không thử nuôi cá vược ngay tại quê mình...”.

Nghĩ là làm, anh Loan lân la học hỏi kinh nghiệm nuôi cá vược của các hộ dân ở đó. Sau khi học được kỹ thuật nuôi cá vược, anh trở về địa phương đầu tư đóng lồng bè để nuôi cá vược. Đồng thời anh cũng đứng ra chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn cho 38 hộ dân trong thôn cùng nuôi. Nhìn những lồng cá vược của anh Loan được thiết kế chắc chắn với những thanh gỗ dài gắn kết với những thùng phi nhựa, được chia thành các ô nuôi rất hợp lý và thuận lợi cho việc chăm sóc cá, chúng tôi cảm nhận được một sự khởi đầu thành công trong việc tạo thêm ngành nghề mới cho người dân nơi đây vươn lên thoát nghèo.

Anh Loan cho biết, mỗi ô nuôi cá vược có diện tích hơn 20m2, với mật độ thả khoảng hơn 400 con cá giống, tỷ lệ sống của con giống đạt 80 - 90%. Sau 6 tháng nuôi trọng lượng cá của anh đạt khoảng 1 kg/con. Với 8 ô nuôi, giá thương phẩm hiện nay mỗi kg cá vược khoảng 120 ngàn đồng/kg, khi thu hoạch anh sẽ thu lãi từ 70 - 80 triệu đồng.

Cùng với những lồng cá của anh Loan, gần 200 lồng cá khác của người dân trong thôn đang phát triển tốt, hy vọng mang lại một nguồn thu nhập khá. Ông Nguyễn Thành, một trong những hộ nuôi cho biết: “Sau khi được anh Loan hướng dẫn tận tình cách nuôi và những hiệu quả của mô hình nuôi cá vược, vợ chồng tui đã quyết định vay vốn ngân hàng và số tiền dành dụm được để nuôi 6 lồng cá với gần 2.500 con cá. Do tay tôi bị dị tật, sức khỏe khiêm tốn nên làm các ngành nghề khác rất khó khăn, vì vậy khi nuôi mô hình cá vược trên sông, tui hy vọng đây là một hướng thoát nghèo của gia đình”.

Vẫn còn khó khăn cần tháo gỡ...

Với nghề nuôi cá vược mới mẻ này, người dân làng Cồn Sẻ đang kỳ vọng có thêm nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, anh Loan cũng như 38 hộ dân nuôi cá vược ở Cồn Sẻ, hiện đang gặp khó khăn về vốn và kỹ thuật rất cần sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và các ngành chức năng.

Đặc biệt, điều mà anh Loan cùng 38 hộ nuôi cá vược ở thôn Cồn Sẻ lo lắng nhất là tìm kiếm đầu ra cho gần 200 lồng cá chuẩn bị vào mùa thu hoạch trước mùa lũ lụt năm nay. Trước mắt, anh Loan đã đi liên hệ các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh và các chợ lân cận để bán tỉa, bắt những con có kích cỡ lớn hơn để bán trước. Nhưng đến mùa thu hoạch rộ, lượng cá lớn nếu không giải quyết được đầu ra sẽ rất khó khăn trong việc thu hồi vốn, tái sản xuất.


Có thể bạn quan tâm

Hiệu Quả Bước Đầu Trồng Mía Trên Đất Gò Cao Ở Bến Tre Hiệu Quả Bước Đầu Trồng Mía Trên Đất Gò Cao Ở Bến Tre

Năm 2003, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre triển khai trồng thực nghiệm cây mía trên vùng đất gò cao bị nhiễm phèn, mặn của xã Bình Thạnh (Thạnh Phú, Bến Tre) với khoảng 2 ha, sau đó, bà con nông dân địa phương thực hiện như một phong trào chuyển đổi cây trồng, bởi cây mía là một cây trồng mới, có hiệu quả thiết thực…

18/07/2013
Chết Hàng Loạt Actiso Mới Xuống Chết Hàng Loạt Actiso Mới Xuống

Sau vụ mùa actiso được giá nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, người trồng actiso ở phường 12-Tp.Đà Lạt (nơi có diện tích actiso nhiều nhất Đà Lạt) lại đang phải đối mặt với nguy cơ trắng tay trong mùa vụ năm nay, dù mới chỉ xuống giống từ đầu tháng 5.

18/07/2013
Trồng Ngô Thâm Canh Mật Độ Cao Trồng Ngô Thâm Canh Mật Độ Cao

Trồng ngô thâm canh mật độ cao (ngô trồng dày) là một biện pháp canh tác mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất ngô trên đơn vị diện tích. Tại Anh Sơn (Nghệ An), mô hình này đã triển khai cho bà con sản xuất hơn 1 năm qua với tổng diện tích gần 250 ha. Từ hiệu quả bước đầu, trồng ngô mật độ cao đang mở hướng phát triển mới cho bà con vùng bãi.

18/07/2013