Giá / Mô hình kinh tế

Nuôi Cá Trong Ruộng Lúa Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Nuôi Cá Trong Ruộng Lúa Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao
Tác giả: 
Ngày đăng: 10/02/2011

Trong những năm gần đây, dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá diễn biến phức tạp gây thiệt hại nghiêm trọng đến diện tích trồng lúa trên địa bàn huyện Gò Công Tây (Tiền Giang), để phòng và trị rầy nâu đòi hỏi người nông dân phải tốn rất nhiều chi phí hóa chất để xử lý, vừa tốn tiền lại vừa ảnh hưởng đến môi trường. Một biện pháp được ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đề ra và giới thiệu đến bà con nông dân đó là mô hình nuôi cá trong ruộng lúa, vừa tăng thu nhập lại bảo vệ được môi trường sinh thái.

Điển hình trong phong trào này là hộ nông dân Nguyễn Văn Trắc, ấp Thạnh Yên, xã Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây. Mới đây, anh được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chọn làm điểm trình diễn mô hình nuôi cá trong ruộng lúa và tổ chức cho gần 100 đại biểu đến tham quan học hỏi kinh nghiệm.

Anh Nguyễn Văn Trắc hay tên gọi thân mật là anh Ba Trắc, vốn xuất thân từ gia đình nhà nông nên anh rất gắn bó với ruộng đồng, cây lúa. Nhận thấy tình hình sâu rầy ưa tấn công ruộng lúa nhà mình, anh tìm tòi nghiên cứu và mạnh dạn áp dụng mô hình nuôi cá trong ruộng lúa và bước đầu đã cho thấy những thuận lợi, hiệu quả và tính khả thi dễ thực hiện của mô hình này. Trên 5.000 m2 ruộng lúa, anh Ba Trắc cho đào mương xung quanh và ao cặp bờ ruộng để cho cá có nơi trú ẩn. Đầu mùa mưa vừa rồi, khi hệ thống ngọt hóa đảm bảo cung cấp đầy đủ nước tưới tiêu vận hành cho sản xuất, anh tiến hành cày đất, gieo sạ lúa, anh chọn phương pháp sạ thưa và áp dụng chương trình "3 giảm 3 tăng" trong sản xuất lúa, giảm tối đa lượng phân bón và chỉ bón phân theo từng thời kỳ sinh trưởng của cây lúa. Điểm chính của mô hình nuôi cá trong ruộng lúa là tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu rầy cũng như các loại hoá chất khác, đảm bảo nguồn nước trong ruộng đạt tiêu chuẩn sạch. Với 2 loại cá chính là cá phi và cá mè, anh Ba Trắc cho biết đây là các giống cá có tính năng sinh trưởng phát triển mạnh, thức ăn cho cá rất đơn giản, dễ nuôi. Anh đầu tư 5.000 con cá giống với kinh phí khoảng 2,5 triệu đồng. Hằng đêm anh đốt vài ba bóng đèn lấy ánh sáng dẫn dụ các loại thiên địch, côn trùng, sâu rầy đến để làm mồi cho cá, nhờ đó đàn cá vừa có thức ăn thường xuyên mà ruộng lúa anh cũng không còn bóng dáng sâu rầy phá hoại.

Anh cho biết khoảng 4 đến 5 ngày anh mới cho cá ăn 1 lần, còn chủ yếu là nguồn thức ăn tận dụng từ tự nhiên như sâu rầy, rong tảo, bèo anh thả nổi trên mặt ao. Thức ăn cho cá phi và cá mè không cầu kỳ, chủ yếu là hỗn hợp các loại tấm cám, bột bắp, anh nấu chín rồi thả xuống ao. Đến nay, sau gần 4 tháng thực hiện mô hình nuôi cá trong ruộng lúa, ruộng lúa của anh nhờ ít sử dụng phân thuốc hoá học, không sâu rầy nên phát triển rất đồng đều, nhìn cánh đồng xanh mướt những thân lúa vươn cao thẳng tắp, dưới ao từng đàn cá tung tăng bơi lội hứa hẹn một vụ thu hoạch gần tới đầy khả quan.

Lúa của anh có thể nói hoàn toàn là lúa sạch, cá đảm bảo ăn thức ăn thức ăn từ tự nhiên. Hiện nay, còn khoảng hơn 1 tháng nữa là anh sẽ thu hoạch lúa, khi thu hoạch xong cũng là lúc anh cho thu hoạch cá. Thời điểm này anh câu thử đạt mỗi con đều trên 300 gr. Với giá bán ước 15 ngàn đồng/kg, sản lượng cá gia đình anh thu được khoảng gần 1.000 kg, anh thu được lãi trên 4 triệu đồng.

Mô hình nuôi cá trong ruộng lúa góp phần thay đổi tập quán của người dân chỉ độc canh cây lúa, qua đó giúp hạn chế được bệnh rầy nâu và vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa. Mô hình mới lạ độc đáo này còn hạn chế được thuốc hóa học làm giảm ô nhiễm môi trường. Ngoài ra nhờ nuôi cá xung quanh ruộng lúa sẽ làm đất luôn tơi xốp, cung cấp lượng phân cá cho ruộng lúa làm giảm chi phí phân bón và góp phần làm tăng năng suất lúa trong vụ nuôi.

Anh Trắc tâm sự, đây tuy là mô hình đơn giản dễ thực hiện, nhưng đòi hỏi người nuôi phải chăm chỉ thường xuyên kiểm tra cống, bọng để tránh cá dữ vào bờ ruộng, phải đảm bảo cho cá không thất thoát ra ngoài trong suốt quá trình nuôi, nên treo cờ hay làm những người rơm dựng ở ruộng nuôi để tránh những loài chim cò vạc ăn đêm gắp cá làm sản lượng cá bị hao hụt. Ngoài ra, vì đây là các loại cá nuôi có giá trị kinh tế không cao nên người nuôi không cần cung cấp quá nhiều thức ăn sẽ làm tăng chi phí, nên tận dụng các loại có sẵn trong tự nhiên. Có thể nói mô hình nuôi cá trong ruộng lúa ở huyện Gò Công Tây là mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao cho người nông dân đang được tích cực nhân rộng./.


Có thể bạn quan tâm

Bảo Hiểm Bảo Minh “Quay Lưng” Với Người Nuôi Tôm Bảo Hiểm Bảo Minh “Quay Lưng” Với Người Nuôi Tôm

Gần đây, nhiều thông tin bất cập từ phía người dân về vấn đề triển khai phí bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) mới. Những thay đổi mới trong hợp đồng BHNN giữa người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh với Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bảo Minh đã gây nhiều bức xúc, tranh cãi.

10/02/2011
Phát Triển Tôm Nuôi “Chậm Nhưng Phải Chắc” Phát Triển Tôm Nuôi “Chậm Nhưng Phải Chắc”

Trong khi nhiều địa phương đang gặp không ít khó khăn về con tôm công nghiệp thì huyện Phú Tân lại có nhiều chuyển biến tích cực cả về diện tích lẫn năng suất, hiệu quả mô hình này.

10/02/2011
Bền Vững Với Nuôi Xen, Trồng Xen Bền Vững Với Nuôi Xen, Trồng Xen

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, việc lựa chọn cây con giống thích ứng với từng vùng đất là hết sức quan trọng, áp dụng các biện pháp nuôi trồng thích hợp là yếu tố quyết định giúp nhà nông thành công. Thực tế cho thấy các mô hình nuôi trồng kiểu sinh học, sinh thái, tự nhiên hay nuôi xen, trồng xen đều cho hiệu quả kinh tế khá bền vững.

10/02/2011