Giá / Tin thủy sản

Nuôi cá tầm lãi 2 triệu đồng/m3/vụ

Nuôi cá tầm lãi 2 triệu đồng/m3/vụ
Tác giả: Nguyễn Văn Chính
Ngày đăng: 11/07/2019

Toàn huyện Đam Rông (Lâm Đồng) có 5 doanh nghiệp và 4 hộ dân đang nuôi thử nghiệm cá tầm, với tổng diện tích trên 3ha, sản lượng đạt trên 10 tấn/năm.

Đàn cá tầm trên 7 tháng tuổi tại trại ông Huỳnh Ngọc Thu

Các mô hình nhỏ lẻ hộ gia đình với quy mô nuôi khoảng 1.000 - 5.000 con cá thương phẩm. Các hộ chủ động dẫn nước từ suối về nuôi trên những ao bạt, có hệ thống dẫn nước vào ra liên tục để đảm bảo nhiệt độ và hàm lượng oxy cho đàn cá. Cá thương phẩm chủ yếu cung cấp cho thị trường địa phương và các huyện lân cận.

Hộ ông Huỳnh Ngọc Thu, với diện tích trên 1ha, đã xây dựng được 22 bể composite ương cá giống và 20 bể nhỏ, mỗi bể 16m3 để nuôi cá nhỏ.

Khi cá lớn ông san đàn ra 22 bể lớn, mỗi bể rộng 100m3 để nuôi thương phẩm trên diện tích gần 5.000 m2, quy mô cao điểm lên đến 15.000 - 20.000 con cá thương phẩm, chủ yếu các giống cá tầm Siberi, cá tầm Nga và cá tầm lai.

Ông Thu nhập trứng đã thụ tinh từ Nga về ấp để chủ động nguồn giống. Trứng được ủ trong lồng, giữ nhiệt độ ổn định 15 - 16 độ C; đồng thời tạo nguồn nước đẩy vào lồng ấp, phun từ dưới lên gây áp lực liên tục suốt trong 75 ngày thì cá mới nở.

Cá hương được nuôi trong những hồ đặc biệt có mái che, ánh sáng rất ít; cứ 1 giờ cho ăn 1 lần, thức ăn nhập khẩu giá 4 triệu đồng/kg.

Cá 10 ngày tuổi, 2 giờ cho ăn 1 lần; 20 ngày tuổi, 3 giờ cho ăn một lần…; trên 30 ngày tuổi, khi cá đạt trọng lượng từ 50 - 60 gram mới chia ra các hồ nuôi lớn.

Cá nuôi trong hồ lớn cứ 6 giờ cho ăn 1 lần, bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, nếu không tuân thủ đúng quy trình cá sẽ chậm phát triển.

Thời gian nuôi cá tầm thương phẩm từ 12 - 18 tháng, trọng lượng đạt từ 1,8 - 2,5 kg/con. Sản phẩm được hợp đồng và xuất đi các thành phố lớn.

Theo ông Thu, năng suất nuôi cá tầm đạt 10 - 15kg/m3, với giá bán hiện tại khoảng 170.000 - 200.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí thì lợi nhuận trung bình khoảng 1,2 - 2 triệu đồng/m3/vụ nuôi.

Tuy nhiên, cá tầm là một loài khó nuôi và đòi hỏi kỹ thuật cao trong chăm sóc nên cần đặc biệt lưu ý đến nhiệt độ nước, mức độ ô nhiễm nguồn nước cũng như các biện pháp để khắc phục, tránh thiệt hại về kinh tế.

Hiện địa phương đang khuyến khích và tạo điều kiện cho các hộ gia đình cũng như doanh nghiệp đầu tư nhân rộng mô hình nuôi cá tầm. Các hộ dân gần khu vực suối nước mát, xã Rô Men cũng đang mạnh dạn khảo nghiệm, phát triển đầu tư nuôi cá tầm, bước đầu cho thu nhập tốt.


Có thể bạn quan tâm

Một số tiến bộ kỹ thuật trong nuôi tôm nước lợ Một số tiến bộ kỹ thuật trong nuôi tôm nước lợ

Theo ông Lê Hồng Phước (Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản II), có nhiều tiến bộ kỹ thuật được áp dụng trong nuôi tôm nước lợ cho hiệu quả kinh tế khá cao.

11/07/2019
Ứng dụng kỹ thuật phát triển nuôi trồng thủy sản Đồng Tháp Mười Ứng dụng kỹ thuật phát triển nuôi trồng thủy sản Đồng Tháp Mười

Đồng Tháp Mười đã phát triển mạnh với nhiều đối tượng như: cá tra, cá lóc, cá rô đồng, cá còm, cá trê, tôm càng xanh, ếch…

11/07/2019
Nghiên cứu về phát triển nghề nuôi biển toàn cầu Nghiên cứu về phát triển nghề nuôi biển toàn cầu

Hiện tại, 112 quốc gia và vùng lãnh thổ sản xuất hải sản trong môi trường biển, với thu nhập đạt 65,4 tỷ USD năm 2013 từ ngành nuôi biển và chiếm 43,5% tổng thu

11/07/2019