Nuôi Cá Sấu
Chỉ mới bắt đầu nhen nhóm từ đầu năm 2010, nhưng mô hình nuôi cá sấu thịt đã giúp nhiều người dân xã Phú Điền, huyện Tân Phú (Long An) đổi đời…
Mạo hiểm
Đầu năm 2010, ông Nguyễn Thành Sơn, ấp 2, xã Phú Điền, huyện Tân Phú là người đầu tiên trong xã đưa con cá sấu về nuôi. Năm đó, ông đi tìm hiểu khắp các vùng nuôi cá sấu, rồi trên mạng, lại lặn lội xuống tận Đồng Tháp mua con giống.
Được nhiều người mách nước, nuôi cá sấu chỉ có lãi, 1 con lãi 1 con, 100 con thì lãi cả 100 con. Đâm ham, ông quyết định khởi đầu với 70 con vì số vốn có hạn, diện tích chuồng cũng chưa lớn. Ông tâm sự: Con này đầu tư cao, phải mạo hiểm mới dám nuôi. Tôi đầu tư gần cả trăm triệu, từ tiền chuồng trại, đến tiền thức ăn. Chưa nhà nào dám bỏ một khoản tiền lớn để đầu tư cho nó, lỡ lỗ thì toi”.
Dần dà, cũng cùng năm đó, anh Võ Quốc Duy ở cùng ấp cũng theo ông Sơn quyết định nuôi 50 con cá sấu. Vốn dĩ trước kia, anh đầu tư cho đàn nhím lên tới cả vài trăm triệu, nhưng mất giá, cả đàn nhím nằm “ứ đọng” không biết bán cho ai.
Ông Sơn kể, năm đầu nuôi, tưởng nó khó, ai ngờ dễ vậy. Nó ăn vào buổi chiều, thức ăn chủ yếu là cá rô, mua số lượng nhiều nên cũng không đắt bao nhiêu cả. Nó chỉ khó ở mỗi khâu chăm sóc con giống, nhà nào chăm tốt, thì nó phát triển đều, còn nếu dở, thì cá chết, dị tật nhiều.
Vì khi mình bắt con giống là lúc mới đẻ, nên phải để ngay vào lồng nhỏ, mở đèn sưởi ấm, cho nó thích nghi từ 1 - 2 tháng, đủ cứng cáp là có thể bắt vào chuồng. Sau giai đoạn này thì khỏe, chỉ cần cho ăn đều đặn, lau chùi chuồng trại tránh để cá sấu bị phổi. Từ đầu kỳ đến nay, ông chỉ bị chết có 2 con do tắc trách và kỹ thuật còn chưa “chín”.
Cá sấu vốn nổi tiếng dữ, chính vì lẽ đó mà khi bước vào, mặc dù đứng ngoài lồng, có lưới sắt bảo vệ nhưng ông cũng phải né vài mét. Theo lời ông, những con nhỏ chừng gần 1 năm đổ lại thì sợ người, chứ từ trên 1 năm, thì thấy hơi người là cả đàn sạp vào cắn tới tấp, không có kỹ thuật thì cực kỳ nguy hiểm.
Chả ngoa, mặc dù đứng bên ngoài, vẫn thi thoảng có vài con nhẩy xổ lên, báo víu vào lưới sắt, nhe răng to đùng hăm dọa. Nhà anh Duy cùng ấp cũng đã gặp 1 lần “tai nạn” khi làm vệ sinh chuồng cho cá sấu, may mắn lần đó, anh chỉ bị trầy xước tay nhẹ. Ở cùng nó, nhưng nó không thân thiện với ai cả, cho nên mỗi lần vào chuồng là phải mang gậy dài có buộc lốp xe để đuổi đánh và vừa giữ cá khi cắn vào lốp đỡ hỏng “răng”. Hiện tại, thành công của họ đang vượt ngoài mong đợi.
Lãi lớn
Cá sấu chủ yếu bán lấy thịt và da. Giá con giống dao động thấp thì 450.000 đồng/con, cao có khi cả 900.000 đồng. Trung bình, mỗi con nuôi khoảng chừng 18 tháng, chậm thì 2 năm là có thể xuất chuồng. Khi đó, mỗi con ước lượng khoảng từ 20 - 25 kg, giá dao động từ 110.000 - 130.000 đồng/kg.
Năm nay, nhà anh Duy vừa xuất 50 con, bán với giá 110.000 đồng/kg, số vốn lãi cũng gần 50 triệu. Anh kể, đúng giá thì mỗi con cho lãi từ 900.000 - 1 triệu đồng. Năm nay do bán trễ, giá thấp đôi chút nên lãi ít, nhưng bảo đảm sẽ không lỗ. Còn tại nhà ông Nguyễn Thành Sơn, với 70 còn đầu mùa, ông nắm trong tay 70 triệu tiền lãi là một con số mơ ước với nhiều hộ chăn nuôi...
Bà Đinh Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Điền nói: “Nuôi cá sấu do người dân tự phát. Nhưng loài này lại cho lãi lớn, ổn định lâu dài. Xã đang xem xét cùng nông dân mở rộng mô hình. Vừa rồi cũng có đoàn làm phim của huyện xuống quay. Hy vọng sẽ có nhiều người biết đến, có như vậy đầu ra mới đảm bảo, thì mới có khả năng mở rộng”.
Có thể bạn quan tâm
Những ngày qua ở Hà Nội, thời tiết nắng nóng kéo dài đan xen những trận mưa khiến cho việc sản xuất rau của người dân các vùng rau ngoại thành gặp nhiều khó khăn. Không những vậy, giá rau lên xuống thất thường và giảm mạnh so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái nên thu nhập của người trồng rau giảm rõ rệt.
Anh Đặng Văn Cẩn trú tại xóm 2, thôn Tân Thuận, xã Tân Hội, huyện Đức Trọng, sau một lần tình cờ xem một chương trình nông nghiệp giới thiệu về mô hình nuôi bồ câu trên đài truyền hình, nhận thấy đây là một mô hình mới mẻ, có nhiều triển vọng và có thể làm giàu, nên anh đã quyết định tiến hành nuôi thử nghiệm 10 cặp chim bồ câu đầu tiên.
27 tuổi là ông vua của một trang trại trồng nấm ở huyện Tân Yên, thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm. Đó là anh Nguyễn Văn Quý ở thôn Quang Châu, xã Ngọc Châu là một người như thế.