Nuôi Cá Rô Phi Thương Phẩm Ở Minh Dân (Tuyên Quang)
Nuôi trồng thủy sản vốn đã có từ lâu ở mỗi ao, hồ nuôi của người nông dân xã Minh Dân (Hàm Yên - Tuyên Quang). Tuy nhiên, nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa, đảm bảo an toàn là một vấn đề mới mà Minh Dân vừa triển khai thực hiện thành công, mở ra một hướng đi mới cho nghề nuôi thủy sản ở xã này…
Xã Minh Dân có diện tích mặt nước rộng 33 ha nên rất thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản. Trong những năm qua người dân trong xã đã thực hiện việc nuôi trồng thủy sản ở một số diện tích trên. Tuy nhiên việc nuôi được thực hiện một cách nhỏ lẻ, tự phát với điều kiện nuôi, nguồn giống và các yếu tố kỹ thuật khác chưa được chú ý đến. Vậy nên, thủy sản nuôi rất chậm lớn, đa phần chỉ phục vụ được cho nhu cầu thực phẩm cho gia đình người nuôi.
Để hỗ trợ kỹ thuật nuôi cũng như định hướng cho người nông dân nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa, Dự án hỗ trợ Nông nghiệp, nông dân và nông thôn (TNSP) tỉnh Tuyên Quang đã giao cho Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) triển khai mô hình nuôi cá rô phi đơn tính thương phẩm tại xã này (từ tháng 6 đến tháng 11-2012). Việc nuôi thử nghiệm cho thấy loài cá này tỏ ra thích hợp vì lớn rất nhanh, đem lại thu nhập cao cho người nuôi.
Mô hình nuôi cá rô phi đơn tính thương phẩm được triển khai cho 10 hộ nông dân thôn Đồng Tâm và Trung Tâm xã Minh Dân. Theo đó các hộ nuôi được tập huấn quy trình nuôi, cách chăm sóc cá, sử dụng các loại thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp và tổng hợp, cách phòng chống dịch bệnh trên cá nuôi, quản lý ao nuôi, hỗ trợ cá giống. Những hộ ở xã Minh Dân được lựa chọn thực hiện mô hình đều có diện tích mặt nước từ 500 m2 trở lên.
Đến thăm gia đình ông Từ Quang Mạch ở thôn Đồng Tâm, một trong những hộ thực hiện mô hình vào đúng dịp thu hoạch cá, nhìn mọi người trong gia đình kéo lưới nặng tay mới thấy vụ nuôi cá đã thắng lợi. Mới mẻ đầu mà cá đã đầy túi lưới, cá rất đều đa phần đều bằng bàn tay người lớn. Ông Mạnh vui vẻ: “Cảm ơn sự quan tâm của tỉnh và Nhà nước đã hỗ trợ gia đình tôi về giống cá, kỹ thuật nuôi, thức ăn nên mới có ngày vui hôm nay. Mấy hôm nay gia đình đánh bắt cũng đã được hơn 300 kg cá, với giá bán khoảng 40.000 đồng/kg gia đình tôi thu được số tiền kha khá. Nắm chắc kỹ thuật nuôi trong tay rồi, nay mai gia đình tôi sẽ tiếp tục duy trì nghề nuôi để tăng thu nhập cho gia đình…”.
Theo đánh giá từ Chi cục Thủy sản trong quá trình nuôi các hộ đã thực hiện đúng quy trình nuôi từ mật độ thả 3 con/m2, trước khi thả cá đã tháo cạn ao, bắt hết cá tạp, vét bùn, xử lý chỗ rò rỉ, bón vôi bột… nên số lượng cá nuôi sống đạt tỷ lệ cao (trên 80%) cá rất nhanh lớn. Qua 5 tháng nuôi, ước tổng sản lượng cá của các hộ là 4.691 kg, đạt trung bình 9,6 tấn/ha. Khi thu hoạch, các hộ được hưởng hoàn toàn sản phẩm. Đó chính là những nét ưu việt mà Dự án TNSP tỉnh đã dành cho những người nông dân ở xã Minh Dân thực hiện điểm, từ thành công của mô hình này sẽ nhân rộng ra các hộ khác toàn tỉnh có điều kiện phù hợp.
Đồng chí Nguyễn Bá Lệ, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Dân cho biết, trong những năm qua việc phát triển thủy sản ở xã cũng đã được chú ý. Nay mô hình nuôi cá rô phi đơn tính thương phẩm tại xã nhà được thực hiện thành công đã mở ra một hướng đi mới cho người nông dân. Trong thời gian tới, xã sẽ mạnh dạn đồng ý cho một số hộ có diện tích đất trồng cây nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi cá rô phi đơn tính đã được thực hiện thành công vừa qua. Trong quá trình triển khai mô hình nuôi cá rô phi đơn tính thương phẩm tại xã Minh Dân, Chi cục thủy sản đã tổ chức tập huấn về kỹ thuật nuôi cá cho 50 hộ khác trong xã Minh Dân và Phù Lưu. Đó cũng là sự chuẩn bị, tạo điều kiện để những hộ dân trong xã Minh Dân, Phù Lưu và các xã khác trong huyện Hàm Yên đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Có thể bạn quan tâm
Là thôn đầu tiên thử nghiệm mô hình cấy lúa chống hạn, đến nay thôn Đầu Suối A, xã Phước Chiến (Thuận Bắc) đã bước sang vụ thứ hai. Bà con nông dân nơi đây rất phấn khởi trước hiệu quả kinh tế từ mô hình này.
Trên diện tích đất canh tác 7 ha, anh Dưỡng xây dựng trang trại trồng hành, tỏi, cây ăn trái và chăn nuôi bò. Năm 2008, anh mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Nông Nghiệp & Phát triển nông thôn 50 triệu đồng để đầu tư, cải tạo đất rẫy. Không ít người cho rằng cách làm của ông Dưỡng "khùng" sẽ chẳng đi đến đâu. Dám nghĩ, dám làm, anh trồng 1,6 ha xoài, 4 sào táo, 8 sào hành, còn lại trồng cỏ kết hợp với chăn nuôi bò vỗ béo.
Trở lại vùng sản xuất và kiểm định giống thuỷ sản tập trung An Hải (Ninh Phước), tôi chợt bâng khuâng nhớ về một ngày cách nay 20 năm, khi lần đầu tiên cùng một đồng nghiệp đi ngang qua đây để đến Phú Thọ, một thôn hẻo lánh thuộc phường Đông Hải (Phan Rang-Tháp Chàm).