Nuôi Cá Lóc Để “Xoá Nợ” Cho Cá Tra
Hơn phân nửa số người nuôi cá tra ở tỉnh An Giang hiện nay đành chấp nhận treo ao, số còn lại một phần đang thoi thóp đeo bám nghiệp nuôi cá tra và có một số người đã đem con cá lóc về nuôi ngay trong ao cá tra với hy vọng làm giảm bớt khoản nợ nần từ nghề nuôi cá tra trước đó để lại.
Cá lóc cứu người nuôi cá tra
Ông Hai Khởi, Tư Khải và Năm Ngởi là mấy anh em ruột từng bị lỗ tiền tỉ vì nghiệp nuôi cá tra. Sau khi bị đứt vốn, ông Hai Khởi đành phải trở lại với ruộng đồng, riêng ông Năm Ngởi (tên thật là Nguyễn Thanh Hùng), ngụ ở ấp Khánh Lợi, xã Khánh Hoà (huyện Châu Phú – An Giang) nhờ nuôi cá tra với quy mô nhỏ, nên bị lỗ ít hơn, do đó, ông tiếp tục thử vận một lần nữa bằng nghề nuôi cá lóc.
Lúc đó, thấy người em quyết chí ăn thua, ông Hai Khởi nói: “Nuôi cá tra xuất khẩu mà còn bị lỗ, huống chi bây giờ lại nuôi cá lóc chỉ bán được trong nước thì làm sao mà có lời”. Nghe vậy, ông Năm Ngởi không dám đôi co, mà chỉ xuống nước nhỏ: “Anh cứ để em làm thử thôi mà!”, Năm Ngởi kể. Lần đầu (năm ngoái), ông Năm Ngởi tận dụng hai ao nuôi cá tra đang bỏ trống (rộng 2.500m2) để thả nuôi thử hơn 200.000 con cá lóc giống, sáu tháng sau, ông thu hoạch được 106 tấn cá thương phẩm, bán được với giá 40.000 đồng/kg, thu lời được hơn một tỉ đồng.
Sau khi thấy người em út – Năm Ngởi, lãi được cả tỉ đồng nhờ nuôi cá lóc, ông Tư Khải tỏ vẻ tiếc rẻ, nhưng ông Năm Ngởi chỉ khiêm tốn nói: “Hên thôi mà!” Tương tự như ông Năm Ngởi, ông Huỳnh Văn Lắm cùng ngụ ở ấp Khánh Lợi có một ao cá tra rộng hơn 10.000m2. Sau khi con cá tra “thoái trào”, ông Lắm đã mạnh dạn biến cái ao này trở thành nơi chuyên nuôi trứng nước để làm thức ăn cho cá lóc giống. Nhờ vậy, hiện nay ông Lắm cho biết mỗi ngày ông thu được khoảng 1,4 triệu đồng qua việc bán trên dưới 100kg trứng nước với giá bán 14.000 đồng/kg.
Ông Trần Văn Tùng, phó chủ tịch UBND xã Khánh Hoà cho biết: “Hiện nay, toàn xã hiện có khoảng 35ha đất được người dân chuyển từ ao nuôi cá tra và một phần đất nông nghiệp sang nuôi cá lóc”. Theo ông Tùng, con cá lóc đã kịp thời thế chỗ cho cá tra trong các ao đang bỏ trống. Điều khá lý thú là, con cá lóc bất ngờ trở thành đối tác xử lý nợ giúp cho người nuôi cá tra. “Nhờ chuyển từ cá tra sang nuôi cá lóc nên có 20% trong tổng số gần 60 hộ nuôi cá lóc trong xã hiện đã thoát khỏi cảnh nợ nần do nuôi cá tra trước đây, một số hộ có mức sống khá giả, thậm chí có hộ trở thành giàu có”, ông Tùng nói.
Lo sợ vì
Trước mặt ông Năm Ngởi là một ao cá lóc đã tới kỳ cho thu hoạch (trọng lượng khoảng 700g/con) với sản lượng ước khoảng 60 tấn và giá cá lóc loại 1 cũng đang ở mức 40.000 đồng/kg. Ông Năm Ngởi so sánh: “Con cá tra khi vượt cỡ lại bị đánh rớt giá, còn con cá lóc có kích cỡ càng lớn, thì giá trị càng tăng”. Dù vậy, ông Năm Ngởi cho biết ông vẫn bị thót tim khi cách nay vài tháng, giá cá lóc loại 1 chỉ còn dưới 30.000 đồng/kg. Theo kinh nghiệm của người nuôi cá lóc, thông thường phải đến tháng 4 – 5 âm lịch, cá lóc thịt mới có giá cao, song thực tế, giá cá lóc lại tăng khá cao lúc này, nên nhiều người nuôi cá lóc phấn khởi. Ngoài ra, hiện nay, ngay cả giá cá lóc giống cũng đang là nguồn thu đáng kể cho người sản xuất giống do mức giá cá lóc giống hiện khoảng 400.000 đồng/kg (loại khoảng 4.000 con/kg), trong khi so với năm ngoái, giá cá lóc giống chỉ khoảng 70.000 đồng/kg.
“Nuôi cá lóc ở địa phương có nhiều thuận lợi để phát triển như: chủ động sản xuất nguồn giống tại chỗ, có kinh nghiệm, không phải đầu tư ao nuôi nhờ chuyển tiếp từ ao cá tra”, ông Tùng nhận định. Tuy nhiên, theo ông Năm Ngởi, ông vẫn chưa tin ở khái niệm bền vững của con cá lóc tại vùng đất phù sa ven sông Hậu này, bởi lẽ, trong khi con cá tra đi khắp năm châu bốn biển, thì con cá lóc chỉ lẩn quẩn ở thị trường trong nước và các chợ ở Campuchia. Trong khi đó, do thấy lợi trước mắt, hiện nay, không chỉ riêng ở An Giang, mà cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhiều hộ nông dân từ chỗ nuôi cá tra đã và đang chuyển sang nuôi cá lóc. Do đó, nhiều người lo ngại sản lượng cá lóc sẽ ngày một tăng, tất yếu sẽ làm thay đổi mức cung – cầu, dễ dẫn đến tình trạng cá lóc bị rớt giá và người nuôi lại bị thua thiệt.
Có thể bạn quan tâm
Những năm gần đây, nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, khẳng định được chất lượng như: Sầu riêng, mít nghệ, chôm chôm, cà phê, hồ tiêu, mía tím… được kỳ vọng sẽ giúp nông dân Khánh Sơn (Khánh Hòa) làm giàu. Thế nhưng, nhiều nông hộ đang phải đối diện với bài toán khó giải về đầu ra cho sản phẩm.
Anh Phạm Đình Chiểu, sinh năm 1964 trong một gia đình thuần nông ở xóm 2, xã Vũ Đoài (Thái Bình). Anh đầu tư mua giống, san đất, đào ao, xây dựng chuồng trại, trồng cây cảnh, phát triển kinh tế theo mô hình VAC.
Theo điều tra của Cục Thống kê tỉnh An Giang, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn có xu hướng giảm. Số lượng heo trong tỉnh hiện có 170.000 con (giảm 7.325 con so cùng kỳ); gia cầm có 3,8 triệu con (giảm 483.641 con). Nguyên nhân do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá thức ăn liên tục tăng cao dẫn đến chi phí chăn nuôi tăng theo.