Nuôi Cá Ghép Trong Ao
Ông Lê Văn Dũng, SN 1955, hiện ở ấp Long An B, xã Phú Thọ là người tiên phong của huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp nuôi cá thác lát cườm ghép cá sặc rằn trong ao thành công.
Sau khi được Trạm Thủy sản huyện Tam Nông tận tình hướng dẫn kỹ thuật, vào tháng 11/2012, ông Dũng đã mạnh dạn đầu tư vốn thực hiện mô hình nuôi cá thác lát cườm ghép cá sặc rằn bằng thức ăn công nghiệp.
Ông Dũng tiến hành cải tạo 2.000 m2 mặt nước ao cạnh nhà, lên bờ bao, vét đáy ao và vệ sinh sạch bằng 40kg vôi bột rồi phơi đáy ao khoảng 1 tuần. Tiếp đó, ông bơm nước vào ao trên 1,5m và tìm diệt các loại cá lóc, trê, ếch, rắn… rồi để khoảng 3 ngày cho nước trong ao có màu xanh của rong - tảo, vì đây là môi trường thích hợp để nuôi thủy sản.
Sau đó, ông bắt đầu cho thả 8.000 con cá thác lát cườm giống và 2 kg cá sặc rằn giống vào ao ương nuôi. Ông Dũng cho biết: Lúc đầu, ông đóng các đoạn cây tràm và bạch đàn, tre trên một khoảng mặt nước hình chữ nhật trong ao. Mua lưới cước về may với chiều cao trên dưới 2 m, chiều ngang 2 m và chiều dài từ 10 - 15 m, câu mắc vào các trụ cây như hình cái mùng lật ngửa rồi thả cá thác lát cườm và cá sặc rằn giống vào ương nuôi.
Từ 20 - 30 ngày đầu, ông cho cá ăn bằng thức ăn công nghiệp có 40 độ đạm trải đều trên mặt nước ao. Sau hơn 1 tháng ương và chăm sóc, con cá thát lát cườm và cá sặc rằn giống đã lớn, ông Dũng tháo mùng lưới cước ra nuôi đại trà trong ao và tiếp tục sử dụng thức ăn viên công nghiệp có nhiều độ đạm; đồng thời, tăng lượng thức ăn lên theo quá trình tăng trưởng của cá.
Ông Dũng nói: Cứ đầu tư 1,2 kg thức ăn sẽ cho ra 1 kg cá thát lác cườm thương phẩm! Phòng ngừa dịch bệnh cho cá cũng được tôi thực hiện kịp thời theo đúng quy trình hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ thủy sản huyện.
Vả lại, nuôi cá sặc rằn ghép với cá thác lát cườm cũng có nhiều cái lợi như cá sặc ăn rong tảo, chất thải và thức ăn thừa của cá thát lát cườm; lọc được môi trường nước, giữ gìn vệ sinh ao nuôi sạch.
Mỗi ngày, ông Dũng cho thay nước ao nuôi cá ghép một lần, chăm sóc đàn cá thát lác cườm và cá sặc rằn thật chu đáo. Mỗi tháng một lần, ông trộn bổ sung lượng Vitamin C và khoáng chất trong thức ăn để cho cá ăn nhằm tăng sức đề kháng và giúp cá tăng trọng nhanh.
Đến cuối tháng 5/2013, sau hơn 6 tháng nuôi, thu hoạch gần 2.000 kg cá thát lác cườm thương phẩm, bán giá 65.000 đồng/kg, thu nhập trên 130 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư và công chăm sóc, ông còn lãi hơn 30 triệu.
Ông Dũng bày tỏ: Nuôi cá thác lát cườm ghép cá sặc rằn trong ao cho cá ăn bằng thức ăn công nghiệp tuy chi phí đầu tư cao, nhưng bù lại hai loại cá này rất dễ nuôi, ít bị bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp và phẩm chất thịt cá thơm ngon, bán được giá cao.
Người nuôi chỉ cần cho đàn cá ăn đầy đủ, chăm sóc phòng ngừa bệnh đúng quy trình kỹ thuật, đàn cá nuôi ghép tăng trưởng nhanh và đồng đều và đạt lợi nhuận đáng kể. Riêng đàn cá sặc rằn, ông không bán mà để lại nuôi vỗ béo trong ao rộng 1.000 m2 và cho cá sinh sản.
Hiện tại, đàn cá sặc rằn đang phát triển tốt, đạt trọng lượng trung bình 10 con/kg. Ông Lê Văn Dũng đang tiếp tục đầu tư để thả nuôi cá thát lác cườm ghép cá sặc rằn trong ao 2.000 m2 bằng thức ăn công nghiệp trong niên vụ tới. Đây là mô hình ấn tượng độc đáo đang được các ngành chức năng nghiên cứu phát huy và nhân rộng.
Nhiều bà con đang tìm đến nhà ông Dũng để học hỏi và mở rộng mô hình nuôi cá ghép bằng thức ăn công nghiệp trong ao để tăng thu nhập cho nông hộ, góp phần chuyển dịch cơ cấu vật nuôi trong nông nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển và giải quyết việc làm cho nguồn lao động nhàn rỗi ở địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Trung An là một trong 11 xã nằm trong dự án Nông thôn mới của huyện Củ Chi (Tp. HCM). Do vậy, việc ưu tiên phát triển mọi mặt về kinh tế, cơ sở hạ tầng, văn hóa xã hội rất được quan tâm. Những năm gần đây, Trung An được biết đến như là một điểm du lịch sinh thái khá nổi tiếng của huyện với nhiều loại trái cây: ổi không hạt, mít Thái, măng cụt, chôm chôm…
Ông Trần Văn Vinh, nông dân có kinh nghiệm nuôi nghêu hàng chục năm, đồng thời có trại sản xuất nghêu giống "có tiếng" ở ấp Cầu Muống, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông cho biết, nghêu nuôi khu vực biển Tân Thành đã chết hàng loạt liên tục 5 năm qua, nhưng thiệt hại nghiêm trọng nhất là năm 2010, 2011 và đầu năm 2013. Đúc kết kinh nghiệm qua các năm nuôi nghêu của mình, ông Vinh nhận định, thực tế hiện nay vùng biển này chỉ còn nuôi nghêu thịt được khoảng 6 tháng, tức là bắt đầu thả nghêu giống từ tháng 5-6 dương lịch (lúc này mới bắt đầu có nghêu giống) và thu hoạch vào tháng 12 trong năm, chậm nhất là tháng 1 năm sau.
Cù lao Minh thuộc huyện Long Hồ (Vĩnh Long), nổi tiếng với bạt ngàn vườn cây ăn trái. Đặc biệt là 2 loại cây “chủ lực”: chôm chôm và nhãn. Sau này, có thêm cây chanh tàu cũng đã từng cho thu nhập khá cao.