Giá / Mô hình kinh tế

Nuôi Cá, Ếch Lồng Ở Hà Nội

Nuôi Cá, Ếch Lồng Ở Hà Nội
Tác giả: 
Ngày đăng: 20/04/2013

Nhằm tận dụng mặt nước tại các hồ chứa trên địa bàn TP Hà Nội, tháng 4/2012, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội xây dựng mô hình nuôi cá lồng an toàn sinh học tại hồ Suối Hai với quy mô 2.160 m3 lồng. Mô hình đã thu hút 15 hộ thuộc xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì tham gia.

Các hộ nuôi 3 loại chính là cá rô phi, cá chép và cá điêu hồng. Con giống được chọn lựa rất kỹ, do Trung tâm Tư vấn & chuyển giao công nghệ thủy sản (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, Bộ NN- PTNT) cung cấp.

Sau khi thả cá, tốc độ tăng trưởng bình quân của giống rất tốt, năng suất đạt 42 kg/m3, tỷ lệ sống đạt trên 70%, cá không có dịch bệnh. Ngoài việc hỗ trợ 100% con giống, các hộ nuôi còn được hỗ trợ 30% thức ăn công nghiệp và chế phẩm sinh học, thuốc phòng bệnh cho cá.

Trung tâm tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật, cử cán bộ kỹ thuật giám sát hướng dẫn các hộ thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật. Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông TP Hà Nội, năm 2012, mô hình nuôi cá lồng tại hồ chứa Suối Hai cho năng suất cao, góp phần tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Để nhân rộng mô hình nuôi cá lồng trong các hồ chứa, Trung tâm đề nghị các địa phương trên địa bàn TP tiếp tục xây dựng hệ thống nuôi cá lồng tại các hồ chứa theo phương pháp nuôi trồng của Trung tâm. Để tránh tình trạng phát triển ồ ạt, gây ô nhiễm môi trường, chính quyền địa phương cần xây dựng quy hoạch vùng nuôi thủy sản cụ thể, rõ ràng, có định hướng cho người dân.

Hiện nay, diện tích mặt nước (hơn 30.000 ha) tại các hồ chứa thuộc các huyện Ba Vì, Sơn Tây, Chương Mỹ và Mỹ Đức đã được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tạo mọi điều kiện để người dân triển khai mô hình nuôi cá lồng, tập trung chủ yếu vào các loài cá có giá trị kinh tế cao như rô phi, điêu hồng, chép...

Với 4.000 m2 mặt nước, ông Lã Đức Quảng, thôn Cẩm Tân, xã Cẩm Lĩnh đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để làm 850 m3 lồng chứa, nuôi hơn 20.000 con ếch và thả 1 tấn cá giống các loại: chép, điêu hồng, rô phi...Từ khi triển khai mô hình, ngoài việc được hỗ trợ 100% con giống, 5 tấn cám thức ăn công nghiệp và chế phẩm sinh học, thuốc phòng bệnh, ông còn nhận được sự giúp đỡ tận tình của kỹ sư khuyến nông.

Bằng cách phân chia từng loại ếch vào từng lồng khác nhau, mật độ thả nuôi ếch từ 100 - 150 con/m3, thiết kế chuồng nuôi ếch bằng lưới nilon cách mặt nước 40 - 50 cm thay cho làm bể xi măng tại các vùng nước lưu thông, tận dụng nguồn thức ăn rơi vãi từ ếch làm nguồn thức ăn cho cá, ông đã xây dựng một mô hình nuôi cá - ếch bài bản và khoa học, tiết kiệm được từ 40 - 50% chi phí đầu tư.

Chỉ tính riêng năm 2012, mô hình nuôi cá - ếch của gia đình ông đã đạt hiệu quả rất cao. Ếch sau 3 tháng nuôi đạt trọng lượng 200 - 300 gr/con; sản lượng cá ước đạt trên 28 tấn.


Có thể bạn quan tâm

Trồng Tiêu Trên Trụ Cóc Rừng Ở Bình Thuận Trồng Tiêu Trên Trụ Cóc Rừng Ở Bình Thuận

Anh Nguyễn Đức Dũng (51 tuổi) ở thôn Tân Quang, xã Sông Phan, Hàm Tân (Bình Thuận) đã đưa gia đình thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng với mô hình trồng hồ tiêu trên trụ cây cóc rừng.

20/04/2013
Làm Giàu Với Cây Mãng Cầu Xiêm Làm Giàu Với Cây Mãng Cầu Xiêm

Ông Trần Bữu Hoàng, ở ấp Tân Trị 2, xã Tân Phú, huyện Long Mỹ là một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi được nhiều người biết đến với mô hình trồng mãng cầu xiêm. Điều đặc biệt là ông biết cách cho cây mãng cầu ra trái theo ý muốn, vì vậy mà quanh năm, mùa nào trái mãng cầu cũng có mặt trên thị trường và thu nhập cả năm lên đến hàng trăm triệu đồng.

20/04/2013
Nuôi Tôm Siêu Thâm Canh Trong Nhà Kính Ở Bạc Liêu Nuôi Tôm Siêu Thâm Canh Trong Nhà Kính Ở Bạc Liêu

Anh Đinh Vũ Hải (39 tuổi, ngụ ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông, TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) đã áp dụng thành công mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong nhà kính. Đây là mô hình nuôi tôm trong nhà kính đầu tiên ở Việt Nam, mở ra hướng phát triển mới cho nghề nuôi tôm ở khu vực ĐBSCL.

20/04/2013