Giá / Tin thủy sản

Nuôi cá biển trong ao đất, mở ra hy vọng mới

Nuôi cá biển trong ao đất, mở ra hy vọng mới
Tác giả: Đ.T.CHÁNH
Ngày đăng: 27/04/2016

Nhưng vào thời điểm khô hạn hàng năm, độ mặn lên cao trên 30 phần nghìn, nuôi tôm không hiệu quả, họ chuyển sang nuôi cá nước mặn như cá chẽm, cá bớp, cá mú trân châu.

Ông Bảy Đỉnh (Trần Tuyệt Đỉnh) có 3,5 ha đất sản xuất ở xã Thuận Hòa, huyện An Minh cho biết, trước đây vùng này trồng lúa mùa và nuôi cá nước ngọt, đến năm 1999 thì chuyển đổi thành mô hình tôm - lúa. Ban đầu làm lúa rất hiệu quả nhưng càng về sau độ mặn trong đất tăng lên, làm lúa rất khó. Khoảng 5 - 6 năm nay người dân không thể làm lúa được nữa, thay vào đó là trồng một số loại cỏ chịu mặn như: cỏ năn, cỏ đuôi lươn… để xử lý môi trường.

Để tăng thêm thu nhập, ông Bảy Đỉnh đã cho đào 2 ao gần nhà, diện tích 1.300 m2 để nuôi cá chẽm, mỗi đợt thả 2.500 con cá giống. “Nuôi cá chẽm khâu xử lý nước ban đầu cũng giống như nuôi tôm, độ PH thích hợp là từ 7 - 7,5. Ưu thế của loài cá này là chịu được độ mặn cao hơn tôm sú và trong quá trình nuôi nếu độ PH bị tuột (giảm) cũng không sao. Thời vụ thả giống vào khoảng tháng 4, tháng 5 hàng năm và nuôi khoảng 8 tháng, cá đạt trọng lượng 2 - 3 kg/con là thu hoạch”, ông Bảy Đỉnh chia sẻ kinh nghiệm.

Hiện cá chẽm giống được các trại ương vèo tại địa phương cung cấp với giá từ 2.800 - 3.000 đồng/con (cá khoảng 3 - 5 phân, được giới thiệu có nguồn gốc từ Thái Lan). Ngoài ra, còn một số ít khai thác tự nhiên ngoài biển (nông dân quen gọi là cá chẽm lá) nhưng số lượng rất hạn chế. Nguồn thức ăn cho cá chẽm chủ yếu là cá rô phi, có rất nhiều ở những vuông nuôi tôm - lúa. Khi cá còn nhỏ, cá mồi xay nhuyễn để cho ăn, sau đó cắt khúc hoặc cho ăn nguyên con tùy vào sự tăng trưởng của cá. Trung bình cứ 5kg cá mồi thì cá chẽm tăng trọng được khoảng 1kg. Giá thị trường đầu ra được thương lái thu mua từ 80 - 100 ngàn đồng/kg, có bao nhiêu cũng cân hết.

Phó Trưởng phòng NN-PTNT An Minh, Trương Thị Anh Đào cho biết, diện tích đất nông nghiệp toàn huyện là 54.658 ha, trong đó đất nuôi trồng thủy sản 48.000 ha, gồm vùng chuyên canh (7.314 ha) và vùng tôm - lúa. Đối với vùng chuyên, người dân thả nuôi tôm sú, cua biển, cá chẽm, cá đối… Ngoài ra, còn diện tích nuôi sò huyết dưới tán rừng khoảng 1.500 ha.

“Trong bối cảnh xâm nhập mặn ngày càng gia tăng, thời gian tới sẽ phải điều chỉnh lại quy hoạch, vùng chuyên nuôi trồng thủy sản sẽ được mở rộng. Chúng tôi đang lấy ý kiến người dân để có hướng chuyển đổi đối tượng nuôi phù hợp khi độ tăng cao và vùng nhiễm mặn ngày càng mở rộng”, bà Đào cho biết thêm.

Trước tình hình xâm nhậm mặn ngày càng cao, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang đã xây dựng quy trình nuôi cá mú trân châu trong ao đất để chuyển giao cho người dân thực hiện. Theo đó, ao nuôi thích hợp có diện tích từ 500 - 1.000 m2, xử lý nước khi độ pH đạt 7 - 8, độ mặn đạt từ 10 - 25 phần nghìn, độ kiềm 60 - 100 mg/l thì tiến hành gây màu nước: phân vô cơ (DAP +URÊ tỉ lệ 1:1) với liều lượng 2kg/1.000 m2.

Sau 5 - 7 ngày thấy nước có màu xanh đọt chuối hoặc màu nâu (độ trong từ 40 - 50 cm) thì tiến hành thả giống. Mật độ thả thưa từ 1 - 3 con/m2 nhằm tránh tình trạng cá có thể ăn thịt lẫn nhau khi thiếu mồi. Thức ăn cho cá là cá tạp tươi (cá cơm, cá trích…) rửa sạch cắt khúc vừa miệng cá, khẩu phần ăn từ 3 - 10% trọng lượng thân trên ngày, tùy từng giai đoạn phát triển của cá. Tham gia mô hình, nông dân được hỗ trợ 60% chi phí mua con giống, 30% thiết bị vật tư thiết yếu…

Nhược điểm khi nuôi cá trong ao đất bằng thức ăn cá tạp là nguồn nước dễ bị ô nhiễm, dẫn đến dịch bệnh làm cá chết. Vì vậy, cần phải thay nước định kỳ, khi thấy nước ao bị dơ (độ trong < 25cm) nên giảm lượng thức ăn và thay nước sạch cho ao, mỗi lần thay từ 20 - 30% lượng nước cũ và cấp bù nước mới. Tùy theo cỡ giống thả mà thời gian nuôi đến lúc thu hoạch khác nhau từ 6 - 10 tháng, khi cá đạt trọng lượng từ 0,8 - 1kg/con dùng lưới kéo để bắt, sau đó tháo cạn nước thu toàn bộ.

Theo ông Nguyễn Văn Hiển, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang, ngoài mô hình nuôi cá mú trân châu đang triển khai, cách đây mấy năm trung tâm đã xây dựng quy trình nuôi thử nghiệm cá bớp trong ao đất bằng con giống sinh sản nhân tạo. Đây là loài cá phát triển tốt trong môi trường nước mặn từ 20%o trở lên. Bước đầu nuôi thử nghiệm trong ao đất cá phát triển tốt, đạt trọng lượng 3 kg/con.

"Thời gian tới chúng tôi tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện quy trình nuôi một số loài cá nước mặn để chuyển giao cho dân nhằm thay thế hoặc nuôi xen canh với các loài thủy sản nước lợ nhằm thích ứng với tình hình xâm nhập mặn ngày càng tăng, ông Hiển chia sẻ.


Có thể bạn quan tâm

Giàu nhờ sản xuất cá lóc giống Giàu nhờ sản xuất cá lóc giống

Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân huyện Châu Phú, tỉnh An Giang đã vươn lên mức sống khá, giàu từ nghề ương bán cá lóc giống.

27/04/2016
Nuôi tôm thẻ chân trắng ao nhỏ, hiệu quả cao Nuôi tôm thẻ chân trắng ao nhỏ, hiệu quả cao

Nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao nhỏ, được đầu tư bài bản đang đem lại những kết quả khả quan không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nơi trên thế giới. Hiệu quả nuôi được thể hiện dưới nhiều góc độ: khả năng kiểm soát môi trường và mầm bệnh tốt hơn, cho phép nuôi mật độ cao (150 – 300 con/m2) để cải thiện năng suất (25 – 40 tấn/ha/vụ), hiệu quả cao hơn khi cần nhanh chóng thay đổi hoặc cải thiện môi trường nuôi, tiết kiệm chi phí sản xuất (hóa chất, vôi, vi sinh, thức ăn, nhân công) nhờ đó có cơ hội giảm giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận thu về.

27/04/2016
Cá chết tại miền trung có thể do độc tố cực mạnh từ sinh, hóa học Cá chết tại miền trung có thể do độc tố cực mạnh từ sinh, hóa học

Nguyên nhân cá chết nhanh bất thường trên diện rộng có thể do độc tố có độc lực mạnh như sinh học, hóa học hoặc yếu tố khác

27/04/2016