Nuôi Bồ Câu Pháp Lãi Hàng Chục Triệu Đồng

Anh Võ Văn Bé là một trong những hộ đầu tiên ở ấp Ninh Lợi (xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân - Bạc Liêu) đưa giống chim bồ câu Pháp về nuôi. Hiện anh nuôi trên 120 cặp chim.
Với giá bán chim bố mẹ 700.000 đồng/cặp, chim thịt 350.000 - 400.000 đồng/cặp, mỗi năm anh Võ Văn Bé thu lãi hàng chục triệu đồng. Chỉ tính riêng năm 2012, anh thu lãi trên 60 triệu đồng.
Anh Bé cho biết: “Đầu năm 2011, do nuôi heo không hiệu quả nên tôi đã lên Vũng Tàu tìm mua chim bồ câu Pháp về nuôi thử. Bồ câu Pháp là loại chim ăn tạp, chúng ăn các thức ăn sẵn có như lúa, gạo, tấm… Bồ câu Pháp rất ít bệnh, chỉ cần thu dọn phân thải theo định kỳ 1 lần/tuần. Loại chim bồ câu này nuôi 6 tháng là bắt đầu cho sinh sản, một cặp cho đẻ từ 8 - 9 lứa/năm, mỗi lứa 2 trứng/ổ. Thời gian từ khi trứng nở đến khi bán chim thịt từ 60 - 65 ngày…”.
Người cùng anh Bé nuôi chim bồ câu Pháp là anh Võ Văn Út. Anh Út nói: “Lúc đầu tôi chỉ mua 25 cặp chim bố mẹ về nuôi thử. Sau một thời gian nuôi, đàn chim phát triển rất tốt và không đủ bán cho thị trường. Hướng tới, tôi sẽ mở rộng diện tích chuồng trại để gầy giống lên 500 cặp. Qua đó, vừa bán chim giống, vừa bán chim thịt cho các nhà hàng trong và ngoài tỉnh”.
Chị Nguyễn Thị Kiều Oanh, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Quới A, đánh giá: “Nuôi chim bồ câu Pháp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sắp tới, UBND xã sẽ khuyến khích người dân trên địa bàn học hỏi và nuôi loài chim này nhằm tăng thu nhập”.
Có thể bạn quan tâm

116 hộ dân tham gia mô hình nuôi bò vàng thuần chủng do Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Than Uyên (Lai Châu) đã triển khai đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đổi thay nếp nghĩ, cách làm của người chăn nuôi.

Nhiều nông dân thu hoạch lúa hè thu trễ ở miền Tây Nam Bộ thu lợi nhuận khá lớn. Ông Trần Thanh Mẫn trồng 5 ha lúa ở thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng - cho biết: “Mới tuần trước tôi thu hoạch lúa hè thu bán ngay tại ruộng 5.000 đồng/kg, nay lúa đã tăng lên 5.100 đồng/kg đã làm mất một số tiền không nhỏ”. Dù bán lúa sớm mất tiền nhưng ông Mẫn vẫn thu được 15 triệu đồng/ha, cao hơn rất nhiều so với những nông dân đã thu hoạch hơn 1 tháng trước đây.

Hiện nay, huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã đẩy mạnh việc ứng dụng và trồng nhãn chín muộn với thời gian chín muộn hơn nhãn chính vụ 1 tháng, qua đó giá trị đã được nâng lên rõ rệt.