Giá / Mô hình kinh tế

Nuôi Bồ Câu Pháp Hướng Phát Triển Mới Của Nhà Nông Tân Hiệp (Lâm Đồng)

Nuôi Bồ Câu Pháp Hướng Phát Triển Mới Của Nhà Nông Tân Hiệp (Lâm Đồng)
Tác giả: 
Ngày đăng: 18/04/2013

Đến trại chim bồ câu Mạnh Trung (Tân Hiệp, Tân Văn, Lâm Hà, Lâm Đồng), ấn tượng đầu tiên là hàng trăm cặp chim bồ câu lông trắng, chân hồng được nuôi nhốt trong lồng xếp thành một dãy dài. Nhẹ nhàng bắt một con bồ câu ra, anh Phùng Mạnh Trung - chủ trại chim cho biết hiện trại có hơn 500 cặp bồ câu, tất cả đều là giống của Pháp. Ít ai nghĩ trại chim có giá trị hơn nửa tỉ đồng này là của một thanh niên mới ngoài đôi mươi.

Khởi nghiệp từ chim bồ câu

Tốt nghiệp khoa Kiểm toán Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Lâm Đồng từ năm 2012, nhưng chàng thanh niên này lại không mặn mà với công việc văn phòng mà luôn muốn trở về gia đình ở xã Tân Văn lập thân lập nghiệp. Vốn yêu thích bồ câu từ bé, nên anh quyết định chọn chim bồ câu làm bước khởi nghiệp. Nghĩ là làm, chàng thanh niên trẻ Phùng Mạnh Trung dành thời gian truy cập internet để tìm hiểu về kỹ thuật nuôi chim bồ câu hiệu quả. Sau chuyến đi thăm trại chim Ngọc Điền ở Củ Chi, quyết tâm khởi nghiệp từ nuôi bồ câu của anh càng vững chắc hơn. Anh dự tính mua 300 cặp về làm giống, mỗi cặp bồ câu giống khi đó là 350.000 đồng, một khoản tiền đầu tư không nhỏ hơn trăm triệu đồng chưa kể đến tiền làm lồng, trại. Ông Phùng Mạnh Hà - bố anh Trung cho hay, khi Trung xin số vốn như vậy ban đầu rất đắn đo, suy nghĩ nhưng khi thấy Trung hăng say tự làm lồng chim và hệ thống máng nước tự động đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư. Từ 300 cặp ban đầu, hiện trại chim Mạnh Trung đã có hơn 500 cặp chim, đã xuất bán những lứa đầu tiên và được thương lái đặt mua thường xuyên.

Hướng phát triển kinh tế mới

Theo anh Trung, bồ câu vốn là loài dễ nuôi vì chúng dễ tính lại ít bệnh tật, ít tốn thức ăn nên hiệu quả hơn so với gà, vịt. Phương pháp nuôi nhốt bồ câu giống Pháp thì lại càng hiệu quả hơn vì đảm bảo được 1 trống 1 mái trong mỗi lồng, không sợ bị lây bệnh từ bên ngoài hay bị mất như khi nuôi thả, dễ dàng phát hiện ra con bệnh để cách ly, tận dụng được chất thải để làm phân bón. Mỗi con bồ câu Pháp trưởng thành có năng suất thịt gấp đôi với giống bồ câu thường trong khi cùng thời gian chăm sóc. Đặt nuôi bồ câu ở nơi thoáng mát, sạch sẽ, có hệ thống máng nước tự động do chính tay lắp đặt, mỗi ngày anh Trung chỉ cần cho bồ câu ăn hai lần và dọn vệ sinh không tốn nhiều công lao động.

Anh Trung cho biết, mỗi cặp bồ câu vào kỳ sinh sản có thể cho ra một cặp bồ câu con mỗi tháng. Chim non nuôi khoảng 18 ngày thì ra ràng đạt 4 - 5 lạng/con nên bán với giá 120.000 đồng/cặp. Với bồ câu xuất giống thì nuôi khoảng 45 ngày xuất bán theo giá thị trường 350.000 đồng/cặp. Anh ước tính với giá thành hiện nay thì nuôi một cặp chim bồ câu giống Pháp đến khi xuất bán tốn khoảng 60.000 đồng tiền thức ăn nên khoảng 9 tháng thì có thể thu hồi toàn bộ số vốn đầu tư ban đầu.

Hiện anh Trung chỉ lấy giá 250.000 đồng/cặp bồ câu với mong muốn mô hình nuôi nhốt bồ câu Pháp được nhân rộng trong địa phương. Từ đó mọi người có thể hợp tác tạo thành mô hình khép kín từ việc đặt cám tại nhà máy, tạo thương hiệu, tìm đầu ra ổn định. Anh Trung cũng cho biết thêm, trong thôn đã có một hộ sau khi tham khảo mô hình đã mạnh dạn đầu tư 300 cặp bồ câu. Ông Đào Viết Thành – Chủ nhiệm HTX thôn Tân Hiệp cho biết, đã có báo cáo về mô hình với Liên minh HTX tỉnh, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng và nhận được những đánh giá rất tích cực.

Anh Trung tin rằng mô hình nuôi bồ câu nhốt sẽ sớm được nhân rộng trong địa bàn tạo nên một thương hiệu bồ câu Pháp, giúp bà con Tân Hiệp nói riêng và Lâm Hà nói chung vươn lên làm giàu.


Có thể bạn quan tâm

Cần Ngăn Chặn Tình Trạng Chặt Cây Sắn Bán Cho Thương Lái Cần Ngăn Chặn Tình Trạng Chặt Cây Sắn Bán Cho Thương Lái

Những ngày qua ở Phú Yên tại các huyện Tây Hòa, Tuy An, Đồng Xuân, người dân đổ xô đi chặt cây sắn bán cho thương lái. Cách đây 2 năm, cảnh mua bán cây sắn cũng diễn ra rầm rộ, làm cho nhiều nơi không có sắn giống trồng dặm. Lo ngại nhất hiện nay, nếu các cấp chính quyền không kịp thời ngăn chặn tình trạng này, nguy cơ lây lan dịch bệnh trên cây sắn sẽ xảy ra.

18/04/2013
Hợp Sức Bảo Vệ Nguồn Lợi Thủy Sản Hợp Sức Bảo Vệ Nguồn Lợi Thủy Sản

Người đánh bắt cá, lươn bằng xuyệt điện đi qua thì cánh đồng, khúc sông "ngoắc ngoải" bởi sự đánh bắt tận diệt của con người. Trên thực tế, tình trạng đánh bắt thủy sản bằng xung điện đang tăng dần, môi trường sống bị đe dọa nếu không có biện pháp ngăn chặn quyết liệt…

18/04/2013
Cây Dâu Tằm Đang Hồi Sinh Cây Dâu Tằm Đang Hồi Sinh

Sau một thời gian dài bị các loại cây trồng khác “lấn át”, tới cuối năm 2012 toàn tỉnh đã có 3.888 ha dâu với năng suất lá bình quân 113 tạ/ha, sản lượng 42.348 tấn và hiện đang phát triển nhanh trở lại ở các địa phương trong tỉnh Lâm Đồng - trừ Đà Lạt và Lạc Dương. Mục tiêu của UBND tỉnh giao cho Sở NN-PTNT và các huyện, thành phố trong tỉnh là tới cuối năm 2013 này phải nâng diện tích cây dâu tằm của địa phương lên trên 4.065 ha.

18/04/2013