Giá / Mô hình kinh tế

Nước Mặn - Chưa Vội Xuống Giống Lúa Vụ Hè - Thu Ở Bến Tre

Nước Mặn - Chưa Vội Xuống Giống Lúa Vụ Hè - Thu Ở Bến Tre
Tác giả: 
Ngày đăng: 14/05/2013

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, bà con tập trung xuống giống đồng loạt từ đầu tháng 5 đến ngày 25-5-2013 để né rầy, sâu bệnh và thời tiết. Nhưng thực tế, cho đến bây giờ, bà con ở Ba Tri, Bình Đại và Giồng Trôm mới chỉ dọn đất và chờ “mưa già”, vì nước còn mặn.

Các xã thuộc tiểu vùng II của huyện Bình Đại (từ Long Hòa đến Thạnh Trị), bà con cũng chỉ mới bắt đầu dọn đất, cày ải, đắp bờ, làm cỏ ruộng. Trong những ngày qua, tuy có mưa nhưng nước không đủ để xuống giống; trên các kênh, rạch độ mặn vẫn còn khá cao. Tại cánh đồng mẫu Châu Hưng, bà con chỉ mới bắt đầu làm cỏ ruộng, một vài thửa đất trũng, có nước mưa, bà con cày ải và chờ đợi.

Theo lịch thời vụ vừa được huyện thông qua, vụ Hè - Thu năm 2013, toàn huyện ước gieo sạ diện tích 1.300ha với chỉ tiêu năng suất đạt hơn 6.000 tấn. Các giống lúa thuộc dòng OM được huyện khuyến cáo gieo sạ. Huyện Ba Tri có diện tích gieo sạ ước khoảng 12.000ha, với giống lúa chủ lực là OC 10. Hiện bà con ở xã Mỹ Chánh đang chuẩn bị xuống giống. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Lâm - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, địa phương chưa có lịch cụ thể, khuyến cáo bà con nên chậm xuống giống trong thời điểm này, vì độ mặn trên các kênh, rạch còn khá cao (hơn 2 phần ngàn).

Do vụ Đông - Xuân chỉ cách vụ Hè - Thu có một tháng, trước đó, mặn đã xâm nhập và thấm sâu trong đất, nên phải chuẩn bị dọn đất cho thật kỹ, ngành nông nghiệp sẽ tiến hành mở các cống xả để rửa mặn, phèn. Khi nước ở thượng nguồn ngọt, mưa già thì bà con nên xuống giống đồng loạt là tốt hơn.

Ông Nguyễn Thanh Nhân - Trưởng Trại giống Ba Tri, cho biết, lúa giống lưu trữ của Trại chỉ đáp ứng một phần nhỏ cho sản xuất. Tuy nhiên, các tổ sản xuất lúa giống của các xã sẽ có lúa nguyên chủng để cung cấp đủ cho bà con (1.000 tấn/vụ).

Còn theo ông Trần Vũ Thanh - cán bộ kỹ thuật của Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, những ngày qua có mưa đầu mùa, là điều kiện để cỏ dại và lúa rài mọc nhiều, bà con cần dọn sạch. Thời tiết năm 2013 được dự báo là khá phức tạp, cho nên bờ ruộng phải được đắp lại cho thật kỹ để chủ động lấy và thoát nước; cần xử lý giống (bằng thuốc bảo vệ thực vật) để đảm bảo hạt giống khỏe. Vụ này, bà con nên sạ hàng, sạ thưa, bởi mưa nhiều (mật độ sạ từ 12 - 15 kg/công). Đầu vụ thường xuất hiện ốc bươu vàng tấn công khi lúa mới nẩy mầm, trong lúc gieo sạ, bà con có thể trộn thuốc để phòng ngừa và tiêu diệt ốc bươu vàng.

“Vụ Đông - Xuân vừa qua, mặn xâm nhập và thấm sâu vào đồng ruộng, bà con nên tiến hành cày ải, làm đất cho thật sạch, bón vôi, phân lân để làm cho đất tơi xốp và hạ độ phèn, mặn” - Ông Trần Vũ Thanh - cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang.


Có thể bạn quan tâm

Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Động Vật Có Nguồn Gốc Hoang Dã Ở Bình Thuận Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Động Vật Có Nguồn Gốc Hoang Dã Ở Bình Thuận

Trong những năm gần đây, Tân Thắng (Bình Thuận) được biết đến là địa bàn nuôi dông với quy mô và số lượng trại lớn nhất huyện Hàm Tân. Bên cạnh mô hình nuôi dông, hiện nay, tại Tân Thắng đang xuất hiện một mô hình mới nuôi động vật có nguồn gốc hoang dã do anh Đinh Hoàng Tâm ở thôn Phò Trì làm chủ.

14/05/2013
Đã Cháy Rầy Nâu Cục Bộ Trên Lúa ĐX Đã Cháy Rầy Nâu Cục Bộ Trên Lúa ĐX

Sở NN-PTNT tỉnh này cho biết, đến nay toàn tỉnh có 9.140ha lúa bị sâu, bệnh gây hại, giảm 641 ha so với trung tuần tháng 12 và giảm gần 12 ngàn ha so với cùng kỳ năm ngoái

14/05/2013
“Mẹo” Trồng Rau Không Dùng Thuốc Bảo Vệ Thực Vật “Mẹo” Trồng Rau Không Dùng Thuốc Bảo Vệ Thực Vật

Ông Tỉnh cho biết từ khi làm bẫy bắt và ngăn không cho côn trùng vào vườn, thì rau của ông không cần dùng thuốc bảo vệ thực vật vẫn luôn xanh tốt.

14/05/2013