Nữ Tỷ Phú Nuôi Tôm Trên Cát
Từ những dự án hàng triệu đô la bỏ hoang của Công ty Việt - Mỹ, chị Nguyễn Thị Hạnh đã thuê lại để đầu tư nuôi tôm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Khởi đầu từ đại lý cung cấp thức ăn
Năm 2003 bước vào thị trường kinh doanh thức ăn chăn nuôi chị Nguyễn Thị Hạnh chạy ngược xuôi cung cấp thức ăn đến các trang trại nuôi tôm từ Bến Thủy đến đèo Ngang, chắt lót từng đồng, có những khi làm ăn thua lỗ các trại tôm đã nợ chị từ 4 - 5 tỷ đồng.
Cách đây gần chục năm, chị hợp đồng với Công ty Việt - Mỹ ở xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà và cung cấp thức ăn cho trang trại tôm này. Do làm ăn thua lỗ, phá sản, họ đã gán lại hồ tôm cho chị. Sau những thất bại về dự án nuôi tôm của Công ty Việt - Mỹ khiến nhiều người có ý định sản xuất kinh doanh nghề này thêm hoang mang! Vậy mà nổi ám ảnh đó không làm nản lòng chị Nguyễn Thị Hạnh, người từng là bạn hàng thân thiết nhiều năm liền - chuyên cung cấp thức ăn nuôi tôm cho chính công ty.
Thời điểm chị Hạnh đồng ý hợp đồng thuê lại một phần diện tích của đại dự án này, nhiều người ái ngại khuyên chị không nên “đánh bạc với trời”. Trước khi tiếp nhận một số diện tích ao hồ của Công ty Việt - Mỹ, chị Hạnh đã nhìn được một phần những nguyên nhân thất bại của Công ty, nhưng để hóa giải được điều đó là cả một việc làm hết sức khó khăn, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực, vật lực và sự quyết tâm cao.
Chinh phục đồng cát hoang
Năm 2005, chị Hạnh đã xuống tiếp nhận những ao tôm hoang hóa, nhưng để tiếp tục nuôi tôm phải đầu tư chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng bằng lót bạt đáy ao.
Gần 2 năm sau, chị Hạnh vay mượn và đã đầu tư được 50 hồ tôm trên diện tích được giao lại 20 ha. Với những kinh nghiệm ít ỏi khi đi cung cấp thức ăn cho các trại nhưng không đủ để nuôi tôm cho hiệu quả, chị biết nghề nuôi tôm đòi hỏi kỹ thuật cao, vì vậy chị đã thuê các kỹ sư chuyên ngành nuôi trồng thủy sản vào các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định để chọn giống.
Không dừng lại ở đó, chị Hạnh còn bố trí người đi tham quan, tìm hiểu thực tế một số mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát khắp các địa phương khác để học hỏi kinh nghiệm để rút ra cách làm riêng phù hợp với điều kiện và những đặc thù riêng cho doanh nghiệp của mình. Ngoài ra, chị còn cử người vào tận Nha Trang, Bình Định tìm hiểu mua con giống phù hợp và mở rộng thị trường đầu ra…
Trở thành doanh nghiệp nuôi tôm trên cát đứng đầu tỉnh
Sau 2 vụ đầu áp dụng kỹ thuật đưa lại thành công, để muốn mở rộng sản xuất kinh doanh, giữa năm 2011, chị thành lập Công ty TNHH Sao Đại Dương, do chị làm Giám đốc. Tiến thêm bước nữa chị đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích nuôi tôm lên đến 115 ha. Nhờ tìm ra được hướng đi đúng nên trong những năm qua doanh nghiệp của chị đã làm ăn hiệu quả.
Với sự kiên trì, nỗ lực quyết tâm của người đứng đầu, 2 năm qua Công ty TNHH Sao Đại Dương hoạt động thành công, năng suất tôm mỗi vụ thu hoạch đạt từ 15 tấn/ha, tổng doanh thu bình quân đạt từ 35-40 tỷ đồng/2 vụ/năm, trừ tất cả chi phí còn lãi ròng từ 10-15 tỷ đồng/năm; dự kiến năm 2013 doanh thu sẽ 65 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 16 tỷ đồng, giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho 50 lao động với mức lương trung bình 5 triệu đồng/tháng.
Công ty TNHH Sao Đại Dương đã trở thành Doanh nghiệp đứng đầu tỉnh về nuôi tôm trên cát công nghệ cao. Ngoài ra Công ty còn tư vấn, hướng dẫn, khoa học kỹ thuật vận động mọi người phát triển nghề nuôi tôm và tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo, với số tiền lên hàng chục triệu đồng.
Sau gần 6 năm "chung thủy" với con tôm thẻ chân trắng, chị đã chinh phục được đồng cát hoang, trở thành doanh nghiệp đứng đầu tỉnh về nuôi tôm trên cát công nghệ cao. Theo chị Hạnh, các yếu tố quyết định nuôi tôm có hiệu quả đó là, cần chọn nguồn giống, thức ăn từ các nhà cung cấp có uy tín lâu năm, đầu tư đúng hướng, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chủ động tìm kiếm thị trường...
Năm 2002, Công ty Nuôi trồng hủy sản Việt - Mỹ do một Việt kiều về đầu tư dự án nuôi tôm trên cát tại các xã vùng Bãi Ngang thuộc 2 huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên, với tổng diện tích 2.000ha, tổng vốn đầu tư ban đầu là 50 triệu USD. Dự án này được xem là lớn nhất Đông Nam Á. Sau hai năm triển khai nuôi tôm, những vụ đầu thành công rồi dần dần rơi vào bế tắc và thua lỗ, bỏ hoang ao nuôi. Năm 2005, chị Nguyễn Thị Hạnh đã xuống tiếp nhận những ao tôm hoang hóa và đầu tư chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng bằng lót bạt đáy ao, với diện tích 20 ha.
Năm 2011, chị thành lập Công ty TNHH Sao Đại Dương, do chị làm Giám đốc. Hai năm qua, qua Công ty TNHH Sao Đại Dương hoạt động thành công, với doanh thu đạt 35 - 40 tỷ đồng/2 vụ/năm. Ngoài ra, Công ty còn giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho 50 lao động với mức lương trung bình 5 triệu đồng/tháng. Hiện Công ty đã trở thành Doanh nghiệp đứng đầu tỉnh Hà Tĩnh về nuôi tôm trên cát công nghệ cao.
Có thể bạn quan tâm
Mô hình nuôi sò huyết luân canh trong vuông tôm được ông Lâm Văn Liêm, ấp Công Điền, xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) áp dụng thành công. Từ mô hình này, nhiều hộ dân tham quan học hỏi và áp dụng.
Nuôi ong lấy mật không phải là nghề mới ở Bắc Ninh. Trong nhiều năm qua, nghề này chưa có bước phát triển đáng kể bởi những người nuôi ong trong tỉnh chủ yếu vẫn nuôi với hình thức nhỏ lẻ, sản phẩm để phục vụ nhu cầu gia đình là chính. Vài năm gần đây, diện tích vườn đồi, rừng và trang trại trồng trọt của tỉnh đã tăng lên đáng kể, cây cối phát triển xanh tươi, trong đó có nhiều loại cây là nguồn mật cho ong... Một số hộ nông dân tại các địa phương như Phật Tích, Việt Đoàn (Tiên Du), Nam Sơn (T.P Bắc Ninh) và Tân Lãng (Lương Tài)... đã biết tận dụng cơ hội phát triển nghề nuôi ong và đem lại nguồn thu nhập cao, trong khi chi phí đầu tư không lớn.
Nhiều năm đứng trên đất lúa ở huyện Tháp Mười, Cao Lãnh (Đồng Tháp)... cây sen đã khẳng định được hiệu quả kinh tế, góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn.