“Nữ Tướng” Trồng Rau Thủy Canh
Tuy là phận nữ nhi, nhưng chị Đoàn Thị Hoa (36 tuổi) ở khu phố 4, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh, không kém cánh mày râu, đã năng động, mày mò xây dựng mô hình trồng rau thủy canh, để hàng tháng thu lãi từ rau cải khoảng 15 triệu đồng.
Chị Hoa cho biết, năm 2010, chị tự mua ống nhựa, tấm cách nhiệt, lắp đặt dàn ống, thử nghiệm trồng rau trên diện tích 100m2. Vừa làm vừa nghiên cứu thêm tài liệu, vừa bổ sung những chỗ khiếm khuyết, sau hơn 1 năm chị đã hoàn chỉnh được hệ thống trồng rau thủy canh của mình. Sau khi trồng thử nghiệm thành công, đầu năm 2012, chị Hoa phát triển diện tích lên 2.000m2 và tung bán rau ra thị trường. Hàng ngày đều có người đến thu mua tại vườn với số lượng nhất định, nên đầu ra khá ổn định. Để đảm bảo đầu ra hàng ngày, chị Hoa trồng theo kiểu cuốn chiếu, mỗi ngày chỉ thu hoạch 100kg rau, thu hoạch tới đâu, trồng lại tới đó.
Hiện nay, giá mỗi kg rau khoảng 15.000 - 17.000 đồng, sau khi trừ hết các chi phí, chị còn lãi từ 400.000 - 500.000 đồng/ngày. “Hiện mình đang lập dự án vay theo nguồn vốn ưu đãi của UBND TP.HCM, thông qua Hội Nông dân để phát triển thêm 17ha trồng rau thủy canh tại huyện Củ Chi, nhằm có nguồn hàng giao cho các siêu thị” - chị Hoa thông tin. Hiện chị đã thành lập được câu lạc bộ trồng rau thủy canh ở thành phố, có trên 100 hội viên tham gia. Các hộ này chủ yếu trồng trên sân thượng, để đảm bảo nguồn rau sạch sử dụng trong gia đình.
Ông Lê Văn Đức - Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Hiệp Bình Chánh cho biết, mô hình trồng rau thủy canh của chị Hoa hay và phù hợp với chủ trương chuyển đổi nông nghiệp theo hướng đô thị của thành phố, cần được nhân rộng trong vùng. Hiện Hội đang giúp chị lập dự án vay vốn phát triển thêm diện tích trồng, nhằm đảm bảo thêm một nguồn rau sạch cho người dân thành phố.
Có thể bạn quan tâm
Năm 2004 anh Nguyễn Văn Nhân ở ấp Tân Lễ 2, xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam đã tiếp nhận chương trình nuôi gà an toàn sinh học đưa vào nuôi thí nghiệm. Bước đầu gặp không ít khó khăn nhưng anh Nhân luôn tin chắc rằng ở những lần nuôi tiếp theo anh sẽ có nhiều thuận lợi hơn, qua nhiều năm phát triển mô hình nuôi gà thả vườn gia đình anh đã khá hẳn lên.
Quy trình sinh sản nhân tạo tôm Rằn đã được công bố trên các tạp chí thủy sản: số 11 năm 2004; Số tháng 2 năm 2005. TS.Tôn Thất Chất - Trường Đại Học Nông Lâm - Đại Học Huế là chủ nhiệm đề tài sinh sản nhân tạo tôm Rằn cấp tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 2004 - 2006
Do hiệu quả vượt trội, mô hình chống rét này hiện đã được nhân rộng tại các vùng nuôi cá bống bớp trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng và trên cả tỉnh Nam Định. Ghi nhận của các chuyên gia nuôi trồng thuỷ sản, mô hình này có thể áp dụng với nhiều loài cá nuôi đặc sản nước mặn, lợ khác có khả năng chịu rét kém như vược, song, giò.