Giá / Tin thủy sản

Nông nghiệp lần đầu tăng trưởng âm cá, tôm bơi vào... ngõ cụt!

Nông nghiệp lần đầu tăng trưởng âm cá, tôm bơi vào... ngõ cụt!
Tác giả: Huỳnh Xây
Ngày đăng: 07/07/2016

Người nuôi cá tra ngán ngẩm với nghề

Mặc dù giá cá tra đã ở mức ổn định (từ 22.000-23.000 đồng/kg thay vì chỉ ở mức từ 17.000-18.000 đồng/kg như những tháng đầu năm 2016) nhưng hiện nay, nhiều người dân, doanh nghiệp (DN) nuôi cá tra ở ĐBSCL vẫn ngao ngán. Ông Cao Lương Tri - người dân có hơn 20 năm nuôi cá tra ở xã Hòa An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang cho biết, ông đang ngán ngẩm với nghề.

“Chắc tôi nghỉ nuôi quá. Tôi và nhiều nông dân nuôi cá ở đây đang đi vào ngõ cụt vì thua lỗ mấy năm liên tiếp. Việc thua lỗ trên không chỉ do giá cá bán ra giảm thất thường mà còn do thời tiết, dịch bệnh, giá đầu vào tăng dẫn đến chi phí sản xuất không ngừng đội lên cao”- ông Tri nói.

Cũng theo ông Tri, ở tỉnh An Giang có hơn 12 DN sản xuất, kinh doanh cá tra, trong đó có 4 DN đã… “chết”, các DN còn lại thì một số cũng đang khó khăn, “sức khoẻ” không còn ổn nữa. “Nếu các DN “chết” thì người dân cũng “chết” theo, không ai mua, tiêu thụ cá nữa” – ông Tri buồn rầu nói.

 Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, thị trường xuất khẩu cá tra chính như  Mỹ và EU sẽ còn tiếp tục suy giảm do chất lượng cá tra chưa được cải thiện và có quá nhiều sản phẩm thay thế như cá minh thái, cá rô phi... Bên cạnh đó, ở thị trường Mỹ, rào cản thuế chống phá giá vẫn chưa được gỡ bỏ, còn ở thị trường Trung Quốc thì vẫn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hiện tại vẫn còn có tình trạng cá quá lứa chưa được thu hoạch, sản phẩm tồn kho của DN còn nhiều.

Cũng như chia sẻ của ông Tri, nhiều hộ dân nuôi cá tra ở các địa phương khác như Cần Thơ, Đồng Tháp, Trà Vinh, Bạc Liêu… cũng không còn mặn mà với con cá tra. “Giá thành sản xuất cá tra ở mức 20.500-21.000 đồng/kg, trong khi giá bán ra chỉ được từ 22.000-23.000 đồng/kg nên khả năng lời đối với người dân là rất mong manh. Bởi giá bán luôn dao động thất thường, người nuôi thường bị DN chèn ép, mua với giá thấp” – ông Trần Hiếu Trung, hộ nuôi cá tra tại quận Ô Môn (TP.Cần Thơ) cho biết.

Theo ông Trần Văn Quân - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Tiểu Cần (Trà Vinh), nhiều năm trước đây, phong trào nuôi cá tra ở huyện phát triển rất mạnh. Thế nhưng, từ năm 2011-2012 đến nay, diện tích nuôi giảm mạnh, hơn 90% diện tích ao nuôi chuyển sang nuôi các loại cá khác hoặc bỏ ao. Theo phóng viên tìm hiểu, gia đình ông Giảng Văn Bảy (ấp Nhơn Hòa, xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần) là hộ đầu tiên ở tỉnh Trà Vinh nuôi cá tra được công nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, nhưng ông cũng đã chuyển sang nuôi cá lóc.

Ông Bảy cho biết, trước đây, ngoài 2 ao của đất gia đình, ông còn thuê thêm 3 ao của người dân lân cận để nuôi cá tra (tổng diện tích mặt nước gần 10.000m2). Đến năm 2012, mô hình nuôi cá tra của gia đình được công nhận GlobalGAP, nhưng chỉ 1 năm sau đó, giá cá tra tuột dốc không phanh, ông bị thua lỗ nặng nên đã chuyển sang nuôi cá lóc.

Nuôi tôm gặp khó trăm bề

Cũng như con cá tra, nhiều vùng nuôi tôm ở các tỉnh ĐBSCL rơi vào tình trạng thất thu. Nhiều hộ cho biết, vài năm trở lại đây và đặc biệt là năm 2016 này, việc nuôi tôm trở nên rất khó khăn. Nếu không bị mất trắng do hạn, mặn thì nguồn thu từ việc xuất bán tôm cũng không đáng kể.

Ông Nguyễn Văn Phước, ở xã Hoà Tứ 2, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Con tôm đang gặp khó khăn trăm bề. Ban ngày nắng nóng, ban đêm nhiệt độ xuống rất thấp. Do chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm rất lớn, tôm trong 2 ao nuôi của gia đình tôi rất chậm lớn. Hằng ngày, tôi phải sử dụng nhiều loại thuốc, thức ăn để bổ sung, mong tôm có thêm sức đề kháng, nhưng nửa tháng qua tình hình chưa được cải thiện”.

Ông Phước cũng nói thêm là do kỹ thuật nuôi tôm của ông “có tầm cỡ” nên “chỉ mới lỗ công”, còn nhiều hộ dân trong xã và nhiều xã lân cận bị thiệt hại nhiều hơn. Thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho thấy: Trong 6 tháng đầu năm 2016, người dân toàn tỉnh thả nuôi chỉ đạt 21% kế hoạch năm (khoảng 9.000ha), trong đó diện tích thiệt hại đã lên đến hơn 1.600ha.

Còn ông Nguyễn Văn Nghiêm (xã Phong Thạnh A, thị xã Giá Rai, Bạc Liêu) cho biết: Theo quy hoạch chung của địa phương, từ năm 2000, ông đã chuyển đổi 2ha đất trồng lúa sang nuôi tôm nhưng nhiều vụ nuôi ông toàn gặp cảnh “tôm không chịu sống”.


Có thể bạn quan tâm

Nghệ An tăng diện tích nuôi trồng thủy sản an toàn Nghệ An tăng diện tích nuôi trồng thủy sản an toàn

Sáng 5/7, tại TP. Vinh, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT Nghệ An tổ chức diễn đàn: “Giải pháp quản lý chất cấm và chống lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, góp phần đảm bảo ATTP”.

07/07/2016
Nuôi chình, lươn cho thu hoạch trăm triệu Nuôi chình, lươn cho thu hoạch trăm triệu

Tận dụng nguồn thức ăn sẵn có, anh Hồ Phú (45 tuổi) ở thôn An Bằng, xã Vinh An (Phú Vang, Thừa Thiên Huế) đầu tư hơn 50 triệu đồng xây dựng hai bể nuôi rộng hơn 150m2 để nuôi cá chình thương phẩm. Mỗi vụ nuôi, trừ chi phí thức ăn, thu lãi từ 150 – 200 triệu đồng.

07/07/2016
Kinh nghiệm vàng chọn cá rô đầu vuông sinh sản Kinh nghiệm vàng chọn cá rô đầu vuông sinh sản

Để nuôi cá rô đầu vuông có hiệu quả, người nuôi phải biết cách cho cá sinh sản đúng thời điểm, chọn cá đực, cá cái đúng tiêu chuẩn.

07/07/2016