Giá / Tin nông nghiệp

Nông dân tự xuất rau sang Hàn Quốc

Nông dân tự xuất rau sang Hàn Quốc
Tác giả: Kim Anh
Ngày đăng: 22/03/2017

Từ anh thợ cơ khí thu nhập chỉ đủ đắp đổi qua ngày, anh Tô Quang Dũng mạnh dạn chuyển đổi sang nghề trồng rau và đã thành công. Không chỉ sở hữu trang trại doanh thu bạc tỷ, anh còn là một trong những nông dân hiếm hoi tự xuất khẩu rau sang Hàn Quốc.

Trong ảnh: Anh Tô Quang Dũng trong vườn rau thủy canh.

Khởi nghiệp từ rau

Vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên vừa học xong lớp 12, Dũng phải đi làm thuê kiếm sống. Đến tuổi 25, anh theo học nghề cơ khí rồi mở tiệm tại nhà. Công việc cũng làng nhàng nên thu nhập không nhiều, chỉ đủ trang trải cho sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Thấy bạn bè cùng trang lứa và người dân xung quanh ăn nên làm ra nhờ canh tác rau hoa, anh quyết định đổi nghề.

Năm 2011, anh Dũng gom toàn bộ vốn liếng và vay mượn thêm để có khoản tiền kha khá thuê đất và đầu tư trồng hơn 2ha rau ở thôn Đạ Nghịt (xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng), giáp ranh với thành phố Đà Lạt. Sở dĩ anh chọn vùng đất xa xôi như vậy vì giá thuê rẻ, mặt khác nơi đây còn vắng vẻ, đất đai ít bị thoái hóa và nhiễm hóa chất độc hại như nhiều vùng khác ở Đà Lạt.

Là “tay ngang” trong nghề nông nên Dũng phải bỏ nhiều công sức học hỏi trau dồi kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm. Ban ngày tất bật với việc ươm giống, vỡ đất, bón phân, phun thuốc; đêm đêm lại lên mạng tìm kiếm thông tin về kỹ thuật trồng rau ở xứ lạnh hoặc tìm đến các nhà nông thành đạt để học hỏi. Nhờ vậy các loại rau ngắn ngày như xà lách, bó xôi…trong nông trại của anh phát triển tốt, cho năng suất khá cao.

Buôn có bạn, bán có phường nhưng anh lại là “lính mới” nên việc tiêu thụ sản phẩm gặp không ít khó khăn, giá cả bấp bênh, bị thương lái ép giá… Đa số sản phẩm làm ra được ký gửi ở vựa rau tại các chợ đầu mối ở TPHCM theo cơ chế “ăn giá sau”: Chủ vựa bán hết hàng mới báo giá cho nhà vườn. Thế nên lúc được lúc mất rất thất thường.

Để tháo gỡ khó khăn này, hơn một năm sau, anh bắt đầu học cách trồng rau trên giá thể theo quy trình sản xuất VietGAP. Sản phẩm rau sạch hơn nên đầu ra dần thông thoáng. Một phần sản lượng được đưa vào siêu thị, phần khác được thương lái đặt mua tại vườn. Việc làm ăn tiến triển tốt nên vào năm 2014, anh mua thêm 2,2 ha đất ở xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương) và tiếp tục đầu tư hệ thống nhà kính để trồng các loại rau ăn lá, ăn quả trên giá thể.

Trồng rau thủy canh hồi lưu

Cũng vì ham học hỏi, sớm chuyển hướng sang sản xuất rau sạch nên anh Dũng có điều kiện tiếp cận và được một công ty giống của Hà Lan mời tham dự hội nghị khách hàng ở Malaysia vào giữa năm 2015. Sau khi tham quan học hỏi công nghệ từ các mô hình trồng rau thủy canh hồi lưu hiệu quả cao ở nước bạn, anh quyết định nhập thiết bị để đầu tư theo hướng này.

Anh Dũng dành ra 5.000 m2 trong tổng diện tích 4ha đất và đầu tư khoảng 5 tỷ đồng để trồng rau thủy canh. Sở dĩ chi phí cao vì 90% nguyên vật liệu phải nhập từ nước ngoài. Nhà kính đạt tiêu chuẩn của Israel, khung nhà bằng sắt, cao ráo, thông thoáng, hoàn toàn cách ly với bên ngoài để tránh sâu bệnh gây hại xâm nhập. Sau đó, anh cho lắp đặt bộ thiết bị trồng rau trên giàn (cách mặt đất khoảng 70cm) với hệ thống xử lý nước tuần hoàn và những ống nước đã được đục lỗ đủ để bỏ những khay nhỏ chứa cây giống vào. Nước được pha sẵn phân, chất dinh dưỡng với tỷ lệ nhất định theo đường ống chảy ngang qua khay chứa cây rau đủ để làm ướt rễ và cung cấp chất dinh dưỡng cho cây phát triển. Diện tích phía dưới giàn, anh tận dụng để ươm cây giống.

Hầu hết các công đoạn canh tác rau thủy canh được thực hiện tự động nên anh Dũng chỉ phải kiểm soát lượng dinh dưỡng, sao cho chỉ vừa đủ nuôi cây theo những công thức có sẵn mà các công ty cung cấp giống khuyến cáo. Anh còn cho tráng xi măng toàn bộ mặt đất để rau không bị mầm bệnh tấn công, do đó không phải xử lý bằng thuốc hóa học, đảm bảo quy trình sản xuất sạch 100%.

Anh Dũng cho biết trồng rau theo phương pháp này cho phép xoay vòng vụ rất nhanh. Một năm có thể trồng 12 vụ rau ăn lá các loại, gần gấp đôi số vụ so với trồng dưới đất trong môi trường tự nhiên. Diện tích rau thủy canh hồi lưu đang cho thu hoạch 500kg/ngày. Với giá bán khoảng 35.000 đồng/kg, cho doanh thu hơn 17 triệu đồng. Với diện tích đất còn lại, anh canh tác trên giá thể hoặc sản xuất địa canh trong nhà kính khá hiệu quả với doanh thu từ 500 triệu đến hơn 1 tỷ đồng/ha/năm.

Anh Tô Quang Dũng đã thành lập Công ty TNHH trang trại Trường Phúc trên đường Nguyên Tử Lực, thành phố Đà Lạt. Rau của doanh nghiệp đã được tiêu thụ tại các siêu thị với chủng loại khá phong phú bao gồm hàng chục loại xà lách, xà lách xoong, cải bó xôi, ớt ngọt…Sau khi tham quan vườn rau thủy canh xanh tốt, các cây rau đều tăm tắp và sạch đến mức có thể hái ăn tại chỗ, đoàn khách đến từ Hàn Quốc đã đặt mua một số loại rau xà lách. Những tháng gần đây, 7 tấn xà lách mỡ, xà lách romaine và xà lách xoong từ trang trại Trường Phúc đã theo tàu biển sang Hàn Quốc.

Hiện giám đốc Dũng không phải lo đầu ra cho các loại rau, củ của trang trại nữa bởi phần lớn sản phẩm được sản xuất theo đơn đặt hàng. Ngoài việc tổ chức sản xuất kinh doanh, hàng năm anh còn hướng dẫn thực tập cuối khóa cho một số sinh viên ngành nông nghiệp, công nghệ sinh học.


Có thể bạn quan tâm

Kiến thức “vàng” giúp nông dân bảo vệ cây, con hiệu quả Kiến thức “vàng” giúp nông dân bảo vệ cây, con hiệu quả

“Nhịp cầu nhà nông” do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tổ chức tại 2 huyện Thanh Oai, Thường Tín giữa tháng 3.2017 đã cung cấp đầy đủ và kịp thời nhiều kiến thức

22/03/2017
Giá sắn thấp nhất trong 6 năm qua, nông dân rục rịch chuyển đổi Giá sắn thấp nhất trong 6 năm qua, nông dân rục rịch chuyển đổi

Thị trường Trung Quốc kém nhập cùng với độ bột giảm khiến giá sắn (mì) đang rớt thảm. Nhiều nông dân trồng sắn đang rục rịch lo chuyển sang cây trồng khác.

22/03/2017
Xót xa khi rau Đà Lạt cũng... đại hạ giá Xót xa khi rau Đà Lạt cũng... đại hạ giá

Thời tiết thuận lợi, sản lượng tăng trong khi giá mua thấp khiến nhiều vườn rau ở Đà Lạt (Lâm Đồng) ế ẩm, nông dân đành phải phá bỏ vì quá lứa.

22/03/2017