Giá / Mô hình kinh tế

Nông Dân Tăng Thu Nhập Từ Cam Canh, Bưởi Diễn Ở Trần Phú (Hà Nội)

Nông Dân Tăng Thu Nhập Từ Cam Canh, Bưởi Diễn Ở Trần Phú (Hà Nội)
Tác giả: 
Ngày đăng: 21/12/2012

5 năm trở lại đây, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả canh tác, xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Nội đã xây dựng được một số vùng chuyên canh cây ăn quả, lúa hàng hóa, chăn nuôi... Nhờ đó, thu nhập của người nông dân được nâng lên từng ngày.

Thời điểm này, trên khu chuyển đổi của thôn Trung Tiến, xã Trần Phú, nhiều vườn cam, bưởi, quả đang ngả màu vàng chờ đón mùa Tết Nguyên đán. Trong vườn cây ăn quả 1,2 mẫu của gia đình, ông Đinh Văn Sáu, thôn Trung Tiến đang chăm chút bọc những quả bưởi Diễn vào giấy báo để chống muội, giữ cho quả đẹp. Ông cho biết, năm nay, bưởi Diễn mất mùa nhưng cam Canh lại đậu khá nhiều quả. "Ước tính, từ nay đến Tết, thu hoạch từ vườn quả được khoảng 100 triệu đồng, trừ chi phí lãi 60 triệu đồng" - ông Sáu chia sẻ.

Một trong những hộ giàu lên từ trồng cây ăn quả tại xã Trần Phú là anh Đinh Công Thắng, thôn Nghè. Anh cho biết, trồng cây ăn quả cần vốn đầu tư lớn và nhiều công chăm sóc nên phải làm từng bước. Năm 2011, anh Thắng có 200 cây cam Canh cho thu hoạch 7 tấn quả, lợi nhuận trên 200 triệu đồng. Năm nay, số cây cam cho thu hoạch tăng lên 500, dự kiến thu được khoảng 15 tấn quả. Với giá bán đầu vụ 48.000 - 50.000 đồng/kg, anh Thắng ước tính thu được khoảng 700 triệu đồng.

Toàn xã Trần Phú có 734,6 ha diện tích đất nông nghiệp, trong đó diện tích trồng lúa là 355 ha, cây ăn quả 60 ha, nuôi trồng thủy sản 49 ha, còn lại là rau màu. Từ năm 2007, xã đã phối hợp với Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đưa cam Canh, bưởi Diễn về thay thế diện tích trồng sắn trước đây. Ông Trịnh Xuân Lệ, Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Trần Phú cho biết, thu nhập từ trồng cây ăn quả đạt 70 - 100 triệu đồng/ha, cao gấp hơn 2 lần so với trồng sắn.

Ngoài cây ăn quả, từ vụ Mùa 2012, xã Trần Phú còn triển khai gieo cấy 100 ha lúa hàng hóa với giống RVT và Tám xoan đột biến cho hiệu quả kinh tế đạt 41 triệu đồng/ha, cao hơn 10 triệu đồng/ha so với cấy lúa Khang Dân trước đó. Để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hiện nay, UBND xã Trần Phú đang tích cực chỉ đạo các thôn thực hiện dồn điền đổi thửa. Đến thời điểm này, xã đã đào đắp được 52 km đường giao thông nội đồng, cứng hóa được 8km đường kênh mương, đạt 85 - 90% khối lượng công việc.

Ông Lê Anh Kiều, Chủ tịch UBND xã Trần Phú cho biết, sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong kinh tế của toàn xã (33%). Do đó, để nâng cao thu nhập cho người nông dân, xã chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 10 triệu đồng/người/năm, xã phấn đấu đến năm 2013 mức thu nhập bình quân sẽ được tăng lên đạt 12 triệu đồng/người/năm.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Lươn Mở Hướng Làm Ăn Mới Cho Một Vùng Quê Nuôi Lươn Mở Hướng Làm Ăn Mới Cho Một Vùng Quê

Mô hình nuôi lươn của 12 hộ đầu tiên ở buôn Kte có hiệu quả, bà con xung quanh được tham quan học hỏi kinh nghiệm nên gần đây có thêm nhiều hộ đồng bào Jrai ở trong buôn và trong xã cũng bắt đầu đào bể nuôi lươn trong vườn nhà. Nghề nuôi lươn đã mở ra một hướng làm ăn mới cho người dân vùng quê lúa này

21/12/2012
Tỷ Phú Trên Đất Mía Tỷ Phú Trên Đất Mía

Được mệnh danh là một tỷ phú trên đất mía, đó là anh Hồ Văn Đức, sinh ra và lớn lên tại đất võ Tây Sơn-Bình Định. Ông lên lập nghiệp và gắn bó với cây mía từ năm 1994 tại xã An Thành, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai. Bao năm thăng trầm với cây mía, giờ gia đình anh Đức đã có đến 56 ha mía liệt vào dạng “đại gia” chân đất của Đak Pơ

21/12/2012
Trồng Dứa Trúng Đậm Trồng Dứa Trúng Đậm

Theo những người trồng dứa, mùa dứa năm nay trúng đậm và được giá. Mỗi trái dứa sau khi thu họach đưa xuống núi, thương lái mua từ 5.000 – 8.000 đồng/trái, sản lượng tăng hơn 1,5 lần so với vụ mùa trước. Sau khi trừ hết chi phí, người dân thu lợi từ 30-35 triệu đồng/ha

21/12/2012