Nông Dân Nuôi Cá Tra Sợ Nhất Giá Cả Đầu Ra
Tác giả:
Ngày đăng: 24/05/2012
Giá cá đầu ra bất ổn, lên xuống thất thường như hiện nay, có lúc lên cao đến 29.000 đồng/kg, có lúc xuống mức 21.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành nuôi là nỗi lo chung của nhiều người nuôi cá tra ở ĐBSCL.
Nỗi lo đầu ra
Anh Trần Văn Tần, ở khu vực Thới Bình, phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ cho biết: “Gia đình tôi nuôi 3 héc ta cá tra thương phẩm bán cho Công ty Hùng Vương, mỗi năm cung cấp hơn 1.000 tấn cá cá tra cho công ty. Hầu như, vụ nuôi nào tôi cũng đều thắng đậm, mang về bạc tỉ cho gia đình. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, giá cá liên tục giảm, trong khi đó giá đầu tư lại tăng vùn vụt khiến người nuôi có thể bị thua lỗ hoặc phá sản, được hòa vốn đã là mừng lắm rồi”.
“Nuôi 1 héc ta cá tra phải đầu gần 10 tỉ đồng, mới cho ra gần 500 tấn cá tra thành phẩm và phải nuôi mất 7 - 8 tháng mới thu hoạch, vốn đầu tư nuôi cá đa phần cầm cố sổ đỏ vay vốn từ ngân hàng. Giờ tôi không còn lo ngại lắm về vấn đề kỹ thuật nuôi nhưng lại sợ đầu ra quá bấp bênh, giá đầu tư cho 1 kg cá tra bằng hoặc cao hơn giá bán cá thương phẩm cho các nhà máy. Với tình hình này kéo dài, người nuôi cá như chúng tôi lỗ nặng” - anh Tần than vãn.
Nỗi lo đầu ra không phải chỉ là của riêng anh Tần mà đây còn là nỗi lo của nhiều nông dân nuôi cá tra trong mấy năm gần đây khi giá cá tăng, giảm thất thường.
Theo ông Võ Thành Long, ở phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ: “Mấy năm nay tôi nuôi cá rất đạt, nhưng điều lo sợ nhất giá cả đầu ra mà thôi”.
Lợi cả đôi bên
Đứng trước tình hình bất ổn về đầu ra, nhiều bà con nông dân đã liên kết với doanh nghiệp để nuôi cá "ăn" trên đầu sản phẩm.
Ông Nguyên Văn Ne, quận Ô Môn, TP Cần Thơ cho biết, trong những năm đầu nuôi cá tra, gia đình ông đều thắng lớn vì giá cá khá cao, do đó ông tiếp tục mở rộng diện tích. Đến nay có gần 5 công mặt nước nuôi cá tra thương phẩm. Tuy nhiên, gần 2 năm nay, giá cá biến động (chủ yếu là giảm) khiến gia đình ông lỗ lã nên đã chọn cách bỏ công tiến hành nuôi ăn trên đầu sản phẩm cho một công ty Chế biến xuất khẩu ở Trà Nóc nên không còn sợ khâu đầu ra nữa.
Còn theo ông Lê Hoàng Vũ - Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản Đồng Tháp, nông dân nuôi cá tra theo dạng nhỏ lẻ còn rất ít, đa phần nông dân chuyển sang nuôi gia công hoặc nuôi liên kết cho công ty xuất khẩu sẽ đảm bảo rủi ro thấp.
Theo ông Trương Minh Giàu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt An (An Giang): “Giá cá tra hiện nay đang xuống thấp từ 22.000 - 23.000 đồng/kg, bằng hoặc thấp hơn giá đầu tư 1 kg cá tra, khiến cho nhiều nông dân nuôi tự phát sẽ bị lỗ nặng nề, dẫn đến treo ao rất nhiều. Nhưng nếu nông dân nuôi có hợp đồng liên kết với công ty thì đảm bảo sẽ không lỗ, mà còn có lãi, tuy rằng có thể lãi không cao”.
Hiện nay, ngoài những doanh nghiệp lớn có khả năng tự chủ nguồn nguyên liệu thì một số doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra vừa và nhỏ đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng nguồn nguyên liệu. Việc liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp không chỉ giúp cho các nhà máy chế biến có nguồn nguyên liệu để hoạt động mà còn giúp bà con đảm bảo được về khâu tiêu thụ, có lợi nhuận ổn định.
Có thể bạn quan tâm
Hiệu Quả Từ Mô Hình “1 Phải, 5 Giảm” Trên Cây Lúa
Ngày 22-8, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật tổng kết mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa vụ hè- thu 2013.
24/05/2012
Long An Giám Sát Hoạt Động Thủy Sản
Công tác tập huấn thường xuyên vẫn được chú trọng, đặc biệt là vào mùa vụ chính; tuy nhiên kết quả chưa đạt yêu cầu do không chiêu sinh được nông dân vì không có kinh phí hỗ trợ tiền ăn nên người dân không tham gia tập huấn, ảnh hưởng đến kết quả vùng nuôi tôm của tỉnh.
24/05/2012
Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Ở Tượng Sơn
Để giúp các hộ nuôi từng bước chuyển dần hình thức nuôi tôm từ quảng canh cải tiến sang bán thâm canh theo hướng bền vững, năm 2013, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm trong ao đất có quạt nước theo hướng bền vững do anh Nguyễn Trọng Định làm chủ mô hình.
24/05/2012