Giá / Mô hình kinh tế

Nông Dân Méo Mặt Vì "Bệnh Lạ" Trên Cây Bắp Ở Nghĩa Hành (Quảng Ngãi)

Nông Dân Méo Mặt Vì
Tác giả: 
Ngày đăng: 07/03/2013

Hàng chục hộ dân ở xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành - Quảng Ngãi) mất ăn, mất ngủ vì cây bắp (ngô) bị "bệnh lạ" tấn công khiến cho cây bắp không phát triển. Nhiều hộ nông dân đang đứng trước nguy cơ mất trắng một mùa vụ trồng bắp.

Đến xã Hành Tín Tây vấn đề "thời sự" nhất hiện nay tại địa phương này, được người dân quan tâm là hiện tượng "bệnh lạ" trên cây bắp.

Nông dân lo lắng

Bên ruộng bắp thấp lè tè, ông Nguyễn Tấn Đoan ở thôn Phú Thọ, xã Hành Tín Tây cho biết: Vụ đông xuân năm nay, gia đình ông trồng hơn 3 sào bắp với giống bắp DK 9955. Tuy nhiên, sau khi xuống giống được khoảng gần một tháng thì hơn 60% diện tích bắp của gia đình không phát triển. Cây bắp lại lùn đi, thấp hơn với cây bắp phát triển bình thường, thân cây rất yếu, lá xanh đậm, xếp xít nhau trông cây bắp giống như bị thoái hóa.

Quá lo lắng, gia đình ông đã tiến hành làm nhiều cách như bón phân, phun thuốc, thế nhưng vẫn không hiệu quả, dịch bệnh vẫn không hết.

"Chưa kể công sức bỏ ra, chỉ tính chi phí làm đất , giống, phân bón đã mất gần 3 triệu đồng. Mấy vụ trước với diện tích này, ông thu về trên 1,2 tấn bắp, bán được hơn 6 triệu đồng, nhưng vụ này tình hình dịch bệnh như thế này thì coi như mất trắng rồi"- ông Đoan thở dài.

Cùng cảnh ngộ với ông Đoan, hơn 1.000 m2 bắp của ông Trần Thiệt ở thôn Phú Khương cũng bị hiện tượng tương tự. Năm nay, ông chọn giống bắp NK 67 để gieo trồng, ban đầu bắp cũng phát triển bình bình thường, nhưng được khoảng hơn 30 ngày thì không phát triển nữa.

Chỉ những ruộng bắp phát triển bình thường xung quanh, ông Thiệt cho hay, nếu như bình thường thì ruộng bắp của ông đã phát triển như thế này, tức cao hơn 1m. Ai dè "cùng trang lứa" mà ruộng bắp ông chỉ cao khoảng 30-40 cm.

"Chưa bao giờ chúng tôi bị tình cảnh này. Người thì bảo tại giống, người thì đoán tại đất, không biết nghe ai bây giờ." - ông Thiệt lo lắng

Không chỉ riêng gia đình ông Đoan, ông Thiệt mà nhiều hộ trồng bắp ở địa phương cũng đang "dở khóc, dở cười" vì hiện tượng này.

Một số hộ nông dân biết khả năng cây bắp không thể phát triển nổi nên đã cắt bỏ mang về làm thức ăn cho trâu bò hoặc phá bỏ để trồng các loại cây hoa màu khác.

Chưa tìm ra nguyên nhân

Ông Nguyễn Minh Chữ - Cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Hành Tín Tây cho biết: Cây bắp đang giai đoạn 6-9 lá thì có hiện tượng ngừng phát triển, chiều cao thấp hơn nhiều so với cây bắp phát triển bình thường, lá xanh đậm, xếp xít nhau, thân cây cong. Theo thống kê sơ bộ, hiện địa phương có trên 15.450m2 diện tích bắp bị hiện tượng này với gần 20 hộ bị ảnh hưởng.

Qua kiểm tra, diện tích bắp bị "bệnh lạ" chủ yếu là hai giống DK 9955 và NK 67. Giống bắp DK 9955 của Công ty Mosanto do Công ty TNHH Dekalb Việt Nam nhập khẩu và phân phối; giống bắp NK 67 của Công ty Syngenta Việt Nam nhập khẩu và Công ty Cổ phần bảo vệ thực vật An Giang phân phối. Hai giống bắp này được nhập khẩu từ Thái Lan.

"Trước hiện tượng "bệnh lạ" này, chính quyền địa phương đã báo cáo lên Trạm BVTV huyện và Công ty cung cấp giống trực tiếp đến tìm hiểu nguyên nhân, nhưng đến nay vẫn chưa xác định được bệnh. Hiện, chính quyền địa phương, bà con nông dân và Công ty giống thống kê diện tích và mức độ thiệt hại để tìm hướng giải quyết" - ông Chữ cho biết thêm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước hiện tượng trên nhiều người nghi ngờ là bị bệnh lùn sọc đen, nhưng Chi cục BVTV Quảng Ngãi đã gửi mẫu giống bắp DK 9955 và NK 67 cho Trung tâm Giám định kiểm dịch thực vật phân tích virut lùn sọc đen thì cho kết quả âm tính.

Ông Hồ Duy Khanh - Trạm trưởng Trạm BVTV Nghĩa Hành cho biết: Hiện vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh? Ngày 7/3, Chi Cục BVTV tỉnh sẽ mời các cơ quan chuyên môn đến tìm hiểu thực tế để đưa ra hướng giải quyết.

Hiện xã Hành Tín Tây là địa phương có diện tích trồng bắp lớn nhất huyện Nghĩa Hành với hơn 70 ha. Trước hiện tượng này, nhiều người trồng bắp đang lo lắng, sợ bị lây lan. Nhiều hộ nông dân đang ngóng chờ kết luận của các cơ quan chức năng để xử lý triệt để căn "bệnh lạ" này.


Có thể bạn quan tâm

Phát Triển “Cánh Đồng Mẫu Lớn” Phát Triển “Cánh Đồng Mẫu Lớn”

Sau 3 năm triển khai thực hiện “Cánh đồng mẫu lớn”, tổng diện tích lúa đạt trên 10.000 héc-ta của trên 6.400 lượt nông dân tham gia. Kỹ sư Châu Ngọc Thi, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Châu Thành (An Giang) tâm đắc: Mô hình liên kết hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân mang lại hiệu quả kinh tế cao nên diện tích lúa “Cánh đồng mẫu lớn” đang ngày càng mở rộng.

07/03/2013
Từ Phận Nghèo Thành Ông Chủ Từ Phận Nghèo Thành Ông Chủ

Những năm qua, Hội ND và chi nhánh Ngân hàng CSXH Hà Nội đã tích cực phối hợp để hộ nghèo được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập...

07/03/2013
Thoát Nghèo Từ Nghề Nuôi Ong Thoát Nghèo Từ Nghề Nuôi Ong

Ban đầu chỉ có dăm hội nuôi, sau 8 năm “cắm rễ” ở huyện nghèo Vũ Quang, nghề nuôi ong lấy mật đã thu hút 1.000 hộ nuôi với trên 4.000 đàn. Mỗi năm, các hộ thu về hơn 40 tấn mật và bán ra khoảng 1.000 đàn ong giống, thu hàng tỷ đồng...

07/03/2013