Giá / Mô hình kinh tế

Nông Dân Khó Bán Được Lúa

Nông Dân Khó Bán Được Lúa
Tác giả: 
Ngày đăng: 26/06/2012

Vụ lúa Hè Thu ở Vĩnh Long đang thu hoạch rộ. Mặc dù vụ này trúng mùa nhưng nông dân không vui vì giá lúa ở mức thấp. Bên cạnh đó, mưa rả rích những ngày qua làm ruộng lúa lầy lội, nhiều chủ máy gặt cũng lợi dụng cơ hội này “làm giá” nông dân.

Lúa chất đầy nhà

Cả tuần nay, hễ nghe tiếng máy nổ là anh Tống Minh Châu ở xã Tân Phú - Tam Bình chạy ra bờ sông để đón thương lái bán lúa. Vụ Hè Thu này, anh Châu làm được 16 công, thu hoạch xong định bán để trả tiền phân thuốc nhưng đến nay vẫn chưa bán được hột nào. “Rầu quá chú ơi, thương lái có ghé lại xem lúa, trả giá qua loa rồi bỏ đi, tiền phân thuốc rồi chủ máy gặt đòi tiền liên tục mà lúa đầy nhà bán không được” - anh Châu than thở.

Còn trường hợp của ông Lê Văn Chiến, cùng ấp mới khổ hơn. Thu hoạch được 8 công đem về chất đầy nhà, thương lái đã đặt tiền cọc 1 triệu đồng rồi đi biệt. “Gọi điện thì họ nói lúa sụt quá đợi vài bữa, không đợi được thì bán cho người khác” - ông Chiến bức xúc. Buồn trong bụng, ông Chiến đành kêu thương lái bán hết lúa chỉ với giá 4.300 đ/kg.

Tại huyện Bình Minh, những ngày này trên cánh đồng bạt ngàn ở các xã Đông Thành và Đông Thạnh, lúa thu hoạch chất đầy hai bên đường nhưng vắng người mua. Theo nhiều nông dân, hiện giá các loại lúa tươi hạt dài, lúa thơm được thương lái mua chỉ với giá từ 4.300 - 4.500 đ/kg; lúa IR50404 chỉ còn 3.700 - 3.800 đ/kg. So với cách đây chừng một tháng, giá lúa đã giảm gần 1.000 đ/kg. Giá lúa thấp, thương lái thu mua nhỏ giọt nên khiến nhiều nông dân thấp thỏm, lo lắng. Kèm theo đó là thời tiết diễn biến bất lợi, mưa liên tục nên nhiều diện tích lúa bị đổ ngã, ruộng bị ngập nước nên máy gặt đập liên hợp theo đó cũng tăng giá. Đầu vụ, tại Tam Bình, giá thuê máy gặt khoảng 260.000 đ/công nhưng nay đã tăng lên 280.000 - 300.000 đ/công. Nhiều nơi ruộng sình lầy giá lên tới 350.000 đ/công.

Giá lúa tiếp tục giảm?

Tháng 7 và 8 tới đây, ĐBSCL sẽ bước vào thời điểm thu hoạch rộ lúa Hè Thu, khả năng tồn đọng là rất lớn. Vì vậy, nông dân lo lắng giá lúa sẽ tiếp tục giảm trong những ngày tới.

Anh Nam, một thương lái ở Đồng Tháp xuống Vĩnh Long mua lúa nhưng neo ghe cả tuần nay mà chẳng mua được hột nào. Anh Nam cho biết: Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ mua gạo cầm chừng, giá đứng một chỗ hoài nên thương lái rất ngại mua nhiều vì sợ lỗ. “Giá lúa gạo cao dễ mua hơn, chứ giá thế này thì không ai dám ôm lúa vì sợ doanh nghiệp hạ giá mua gạo bất ngờ. Cái kiểu tăng giá và thu mua nhỏ giọt thế này chúng tôi đã gặp rồi nên rất sợ. Mua ít lỡ có gì lỗ cũng ít” - ông Nam giải thích.

Trong khi đó, bà Lưu Thị Bé (xã Đông Thạnh) cho rằng: Tiến độ thu hoạch lúa phụ thuộc rất nhiều vào việc thu mua của thương lái. Thông thường, nông dân thỏa thuận giá cả với thương lái, bán xong mới thống nhất ngày gặt và bán lúa tươi ngay tại ruộng. Nếu thương lái chậm thu mua thì lúa ngay lập tức dồn ứ ngoài đồng. Bà Bé vừa bán lúa xong 200 giạ lúa giống 0M5451 với giá chỉ 4.500 đ/kg. “Tôi chuyển gieo sạ từ lúa chất lượng thấp sang chất lượng cao như khuyến cáo nhưng 2 vụ liên tiếp (Đông Xuân và Hè Thu - PV) đều chịu cảnh rớt giá. Lúa chất lượng cao bán giá rẻ, còn lúa chất lượng thấp thì thương lái xem rồi bỏ đi!” - bà Bé ngao ngán.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, nếu thị trường không có những chuyển động theo hướng có lợi thì xuất khẩu gạo năm nay có thể chỉ đạt khoảng 6,2 triệu tấn, giảm hơn 1 triệu tấn so với năm 2011. Hiện một số thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia đã giảm nhập khẩu khá nhiều lượng gạo của Việt Nam.

Để giảm bớt khó khăn cho người trồng lúa, Hiệp hội Lương thực Việt Nam vừa gửi công văn đến Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công thương, Bộ Tài chính kiến nghị sớm công bố giá thành sản xuất lúa Hè Thu 2012; cần có chính sách tiêu thụ lúa Hè Thu để sớm áp dụng vào tháng 7 và 8 tới khi lúa Hè Thu vào giai đoạn thu hoạch rộ.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long, so với vụ Hè Thu năm ngoái thì các trà lúa năm nay ít chịu ảnh hưởng sâu bệnh. Toàn tỉnh Vĩnh Long đã thu hoạch được trên 26.000 ha, năng suất bình quân đạt 6,7 tấn/ha, các diện tích còn lại vẫn đang trong giai đoạn đòng trổ đến trổ chín.

Có thể bạn quan tâm

Sơ Kết Mô Hình Khảo Nghiệm Trồng Chanh Dây Ở Xã Vùng Cao An Toàn Sơ Kết Mô Hình Khảo Nghiệm Trồng Chanh Dây Ở Xã Vùng Cao An Toàn

Ngày 24.6, huyện An Lão (Bình Định) đã tổ chức tổng kết mô hình trồng khảo nghiệm 0,5ha chanh dây tại thôn 1, xã An Toàn. Đây là mô hình được đầu tư từ nguồn vốn KHCN huyện năm 2012.

26/06/2012
Đổi Đời Nhờ Ngô Lai Đổi Đời Nhờ Ngô Lai

Đến xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hỏi ông Đào Ư thì ai cũng biết bởi ông là nông dân sản xuất giỏi của xã nhiều năm liền nhờ trồng ngô (bắp) lai.

26/06/2012
Chuyển 200.000ha Đất Lúa Trồng Cây Màu Chuyển 200.000ha Đất Lúa Trồng Cây Màu

Theo chủ trương vừa được Bộ NNPTNT công bố, sẽ có khoảng 200.000ha đất lúa được chuyển đổi sang trồng ngô, đỗ tương, nhằm giải cơn “khát” nguyên liệu cho ngành chế biến thức ăn chăn nuôi.

26/06/2012