Giá / Tin nông nghiệp

Nông dân hưởng lợi nhờ sản xuất lúa gạo VietGAP

Nông dân hưởng lợi nhờ sản xuất lúa gạo VietGAP
Tác giả: Lê Khánh - Như Đồng
Ngày đăng: 17/08/2021

Sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ giúp cho nông dân giảm chi phí, bảo vệ được môi trường mà còn đạt năng suất, lợi nhuận cao.

Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ giảm được nhiều chi phí đầu tư mà còn mang lại năng suất cao. Ảnh: L.K.

Đây là những gì có có thể nhận thấy từ dự án Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình liên kết bền vững trong sản xuất lúa giống xác nhận và gạo chất lượng cao đạt tiêu chuẩn VietGAP tại tỉnh Quảng Ngãi. Dự án triển khai từ tháng 5/2020, dự kiến kết thúc vào tháng 4/2023.

Vụ hè thu 2021, Hợp tác xã Phước Hòa (xã Đức Phú, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) tham gia thực hiện dự án với diện tích 30ha lúa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 10ha sản xuất lúa giống xác nhận. Hiện nay, những cánh đồng này đã chắc xanh, bông lúa dày, chắc, hứa hẹn sẽ đem lại năng suất cao.

Bà La Thị Thu, một trong những hộ dân tham gia mô hình cho biết, đây là vụ thứ 2 gia đình bà thực hiện canh tác lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Do trước đây thường sản xuất lúa theo phương pháp truyền thống nên vụ đầu tiên canh tác theo tiêu chuẩn này, bà Thu còn có phần bỡ ngỡ.

Tuy nhiên, sau khi được cán bộ kỹ thuật tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất áp dụng vào thực tiễn, bà đã nhận ra được rất nhiều mặt lợi từ việc sản xuất lúa VietGAP. Từ gieo sạ giảm được lượng giống cho đến việc bón phân cân đối giúp cây lúa cứng thân, đẻ nhánh khỏe, giảm được sâu bệnh hại. Quan trọng hơn là bảo vệ được môi trường, sức khỏe của nông dân.

Cũng theo bà Thu, việc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, lượng phân bón sử dụng ít hơn trước đây đã giúp gia đình giảm được rất nhiều chi phí. Năng suất cây lúa cũng rất đạt. Nếu như thông thường, 1 sào (500 m2) bà Thu chỉ thu được khoảng 3 tạ lúa tươi thì với cách sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, vụ vừa qua, cũng diện tích này cho năng suất lên đến gần 5 tạ.

Qua đánh giá năng suất thực thu vụ đông xuân 2020 - 2021 ở các mô hình sản xuất với 2 giống lúa là Bắc Thịnh và KD28 đều đạt năng suất, nông dân rất phấn khởi. Với mô hình sản xuất giống lúa xác nhận, giống lúa Bắc Thịnh đạt năng suất bình quân 71 tạ/ha, lúa KD28 đạt bình quân 69,2 tạ/ha. Trong mô hình sản xuất lúa gạo VietGAP, giống Bắc Thịnh đạt gần 70 tạ/ha và giống KD28 đạt 67,5 tạ/ha.

Với năng suất nói trên, lợi nhuận đạt được từ 36 - 39 triệu đồng/ha, tăng khoảng 15 - 17 triệu đồng/ha so với những đồng ruộng đối chứng. Không những vậy, nông dân tham gia mô hình còn được hỗ trợ 50% về giống, phân bón đầu tư một phần, thuốc bảo vệ thực vật khi có dịch, sâu bệnh xảy ra.

Sản phẩm sau khi thu hoạch cũng được đơn vị chủ trì thực hiện bao tiêu, thu mua tươi trên đồng ruộng, không phải mất chi phí vận chuyển, bao bì, phơi sấy. Như vậy, nông dân có lợi ít nhất 20% so với sản xuất đại trà và chi phí đầu tư cũng không đáng kể. 

Ông Phạm Văn Thi, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Nông lâm nghiệp TBT Quảng Ngãi, đơn vị chủ trì thực hiện dự án cho biết: Vụ đầu tiên, dự án sản xuất được 2.000 tấn lúa giống. Bình quân 1ha công ty đến mua cho nông dân 8 - 10 tấn lúa tươi, có những hộ cá biệt lên đến 11 tấn/ha. Toàn bộ sản lượng trong vụ đông xuân 2021 của dự án đều đạt tiêu chuẩn 100%.

"Hiện, chúng tôi đang thực hiện tiếp dự án liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho bà con ở vụ hè thu 2021. Ước tính, năng suất vụ này đạt 8 tấn đến 8,5 tấn/ha”, ông Thi nói.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Quảng Ngãi cho biết, qua hai vụ triển khai dự án, đã chuyển giao quy trình sản xuất lúa xác nhận, bước đầu đạt kết quả rất tốt, năng suất cao, chất lượng hạt giống rất đồng đều.

Hạt giống được phân loại, đóng gói và bảo quản bằng kho mát nên hoàn toàn đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng cao và lúa được đưa ra sản xuất đúng quy trình VietGAP.

“Lúa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP vừa tiết kiệm chi phí, đặc biệt không lạm dụng phân hóa học như bà con nông dân trước đây. Sản xuất đảm bảo chất lượng lúa sạch và gạo chất lượng cao. Giá trị kinh tế tăng lên 20%/ha so với sản xuất truyền thống. Quan trọng là đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng lẫn người sản xuất” ông Thành nói.


Có thể bạn quan tâm

Quy trình canh tác hữu cơ giống dưa lê vàng lai Quy trình canh tác hữu cơ giống dưa lê vàng lai

Quy trình mang tính tham khảo, được tổng hợp dựa trên các mô hình canh tác hữu cơ giống dưa lê vàng lai (f1) Happy 6, Hapyy 7 (gọi chung là dưa lê vàng).

17/08/2021
Thu nhập cao từ nghề nuôi vỗ cua mẹ Thu nhập cao từ nghề nuôi vỗ cua mẹ

Nghề nuôi vỗ cua mẹ đã xuất hiện từ lâu ở huyện Năm Căn và ngày càng mang đến thu nhập ổn định cho người dân nơi đây,

17/08/2021
Giống đậu phộng LDH09 và LDH12 năng suất tăng 15% Giống đậu phộng LDH09 và LDH12 năng suất tăng 15%

Giống đậu phộng LDH12 năng suất cao nhất 9,2 tấn/ha; giống LDH09 có năng suất trung bình đạt 9,1tấn/ha, cao hơn từ 10 - 15% so với các giống thông thường.

17/08/2021