Nông Dân Gặp Khó Trong Vụ Lúa Hè Thu
Hiện nay, bà con nông dân xuống giống vụ lúa hè thu được gần 30.000 ha. Tuy nhiên, mùa vụ sản xuất năm nay nông dân không chỉ gặp bất lợi về thời tiết mà còn chịu áp lực của giá lúa thương phẩm rẻ, chưa bán được để đầu tư cho sản xuất mà giá xăng dầu, vật tư nông nghiệp tăng cao.
Khó khăn đầu vụ
Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Cà Mau, mùa mưa năm nay diễn biến phức tạp, lượng mưa phân bổ không đều. Mùa mưa sẽ bắt đầu vào tuần cuối tháng 4 và kết thúc vào giữa tháng 11, tổng lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm.
Theo đó, sẽ có những đợt mưa lớn kéo dài 5-7 ngày, dứt mưa nắng nóng, oi bức, gây nhiều khó khăn cho sản xuất vụ mùa.
Huyện Trần Văn Thời là địa phương có diện tích sản xuất lúa hè thu lớn nhất tỉnh với trên 20.000 ha. Ông Sử Văn Minh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, nhận định, vụ mùa năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng thời tiết, lúc thì mưa dầm kéo dài, lúc thì nắng hạn nên nông dân khó có thể xuống giống đúng theo hướng dẫn lịch thời vụ và cơ cấu giống.
Theo nhiều bà con nông dân, vụ lúa hè thu năm nay là vụ lúa đầy khó khăn, thách thức vì thời tiết bất lợi: đầu vụ nắng hạn, phèn mặn, dịch bệnh; cuối vụ lúa trổ gặp mưa bão.
Vụ lúa hè thu này, toàn bộ 1,4 ha đất anh Nguyễn Văn Tuấn, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời phải gieo sạ lại lần 2. Vì vừa xuống giống lần 1 thì bị mưa chụp nước ngập, sau đó nắng hạn dế nhũi, chim chuột gây hại, phải trục sạ lại.
Mới vào mùa vụ đã bị mất vốn trên 5 triệu đồng tiền công trục đất và giống lúa. Anh cho biết, vụ hè thu năm nay tình trạng sạ khô bằng hạt giống không ngâm ủ bị mưa chụp gây chết giống khá nhiều, riêng anh thì phải ngâm giống trục đất để sạ lại.
Anh nguyễn Văn Mến, nông dân xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, cho biết, do lượng mưa ít nên khi sạ giống xuống lúa chậm phát triển, phải dùng máy bơm tưới bổ sung. Vì thế, chi phí sản xuất tăng cao.
Theo tính toán của nông dân thì giá thành sản xuất vụ lúa hè thu năm nay sẽ tăng cao vì công xới trục đất tăng từ 10.000-20.000 đồng/công; công lao động, giá thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng từ 10-15%.
Tuy giá phân chỉ tăng nhẹ, nhưng do lúa sinh trưởng kém nên phải tăng lượng phân bón. Nhưng ngược lại, giá lúa không tăng gây nhiều khó khăn cho người trồng lúa.
Phá vỡ quy hoạch
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay toàn tỉnh có hàng ngàn héc-ta đất trong vùng sản xuất nông nghiệp người dân tự phát đưa nước mặn vào nuôi tôm, phá vỡ quy hoạch vùng sản xuất. Ông Phạm Văn Sóng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện U Minh, cho biết, nhiều vùng nuôi tôm và làm lúa nằm đan xen lẫn nhau nên tình trạng đất bị xâm nhiễm mặn, thời tiết không thuận lợi lúa bị thiệt hại là điều không tránh khỏi.
Theo anh Nguyễn Văn Hận, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, do đất nằm cặp ranh vùng nuôi tôm nên bị xâm nhiễm mặn, năng suất lúa không cao, giá lúa thấp, bà con nơi đây đã không còn mặn mà với cây lúa. Còn chuyển sang nuôi tôm lại phá vỡ quy hoạch sản xuất.
Theo kế hoạch, vụ lúa hè thu năm nay tỉnh gieo sạ 35.250 ha, tập trung ở các địa phương vùng ngọt. Để tranh thủ thời vụ sản xuất 2 vụ lúa ăn chắc trong năm, Sở NN&PTNT khuyến cáo nông dân gieo sạ đúng lịch thời vụ và cơ cấu giống, nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất khi thời tiết diễn biến thất thường.
Đồng thời, nông dân chú trọng việc sản xuất lúa theo phương thức 3 giảm, 3 tăng để giảm chi phí một cách hợp lý, nhất là trong tình trạng giá lúa trên thị trường đang đứng ở mức thấp như hiện nay.
Sản xuất phải gắn với lợi nhuận, đó là mục tiêu của nhiều người, cũng là mong muốn của các ngành, các cấp. Vì vậy, bà con cần có sự đầu tư hợp lý vào đồng ruộng và phải thực hiện theo quy hoạch sản xuất của ngành nông nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 7-8, Công ty Holcim Việt Nam phối hợp với Hội Nông dân, Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh tổ chức nghiệm thu Mô hình Tưới phun mưa sử dụng năng lượng mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận.
Chủ động trồng cỏ, bắp, v.v... và dự trữ thức ăn, ủ urê hoặc ủ chua, bổ sung dưỡng chất, khoáng chất, vitamin vào thức ăn. Trung bình mỗi con trâu, bò cần có 1-2 tấn thức ăn dự trữ sẵn cho mùa lạnh.
Cá ngừ đại dương là mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa. Những năm qua, nghề câu cá ngừ phát triển đã tạo cho hàng chục ngàn người dân biển 3 tỉnh miền Trung có nguồn thu nhập khá, góp phần cải thiện đáng kể cuộc sống hàng ngày.