Nông Dân Điêu Đứng Vì Bảo Hiểm Tôm Nuôi
Tôm chết kéo dài, không còn vốn tái sản xuất, kinh tế gia đình gặp khó khăn, nhưng người nuôi tôm công nghiệp (NTCN) vẫn phải mỏi mòn chờ số tiền được chi trả theo hợp đồng bảo hiểm. Nó giống như một món nợ xấu mà trước nay nông dân mới lần đầu gặp phải.
“Vay nóng bên ngoài là lựa chọn của nhiều người nuôi tôm lúc này. Người nuôi tôm rất vui mừng vì Chính phủ chỉ đạo triển khai bảo hiểm trên tôm nuôi. Thế nhưng, công ty bảo hiểm đang quay lưng, người dân chúng tôi phải đối mặt rất nhiều khó khăn”, ông Trương Hoàng Nam, ấp An Ninh A, xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi, bức xúc.
Nợ khó đòi?
Anh Phạm Minh Quang, ấp An Ninh A, xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi, phân trần, chính sách bảo hiểm là điểm tựa cho người nuôi tôm khi bị rủi ro. Bởi nạn tôm chết xảy ra trong hơn 2 năm qua chưa có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Vì thế, bảo hiểm được xem là “chiếc phao” để giúp người dân có tôm nuôi bị chết có cơ hội tái sản xuất.
Ông Trương Hoàng Nam bộc bạch: “Tôi phải đi vay nóng trên 20 triệu đồng để thả con giống, mua bảo hiểm. Nhưng sự thật không như tôi mong đợi. Hiện nay bà con trong ấp này đều gặp khó khăn. Ao nuôi đã bỏ phế bởi còn phải lo cho 2 bữa ăn hằng ngày”.
Không khí ảm đạm trước cảnh tôm chết mà không được thanh toán tiền bảo hiểm không những bao trùm lên những nông dân nuôi tôm mà chính quyền địa phương cũng méo mặt.
Chủ tịch UBND xã Lương Thế Trân (huyện Cái Nước) Lê Minh Chánh cho biết, toàn xã hiện có trên 10 ha không thể tái sản xuất, ao đầm đang phơi mưa gió từ nhiều tháng qua vì đang đợi tiền bồi thường từ bảo hiểm.
Anh Nguyễn Văn Ngọt, công an viên ấp Trung Thành, đã xin thôi việc để lo kinh tế gia đình bởi 2 ao tôm của anh bị thiệt hại và anh đang trông chờ vào số tiền bồi thường trên 180 triệu đồng từ Công ty Bảo hiểm Bảo Minh mà đúng ra anh được nhận từ 4 tháng trước.
Người nuôi tôm đang đứng trước những khó khăn về các khoản nợ thức ăn, hoá chất và ngân hàng buộc phải trả sau khi vụ nuôi bị thiệt hại. Trong khi đó, tiền bồi hoàn từ bảo hiểm tôm nuôi không được chi trả.
Ông Trương Hoàng Nam bức xúc: “Người dân yêu cầu Bảo Minh giải ngân sớm, không thể trừ 60% tiền bồi thường của chúng tôi. Chấp nhận “chơi” thì phải làm đúng luật, chứ mai đưa ra mức thanh toán này, mốt đưa ra mức thanh toán khác mà không đúng như hợp đồng đã ký kết, thì chính sách này liệu có được thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích?”.
Cần sự vào cuộc của ngành chức năng
Người dân đang rất bức xúc việc Công ty Bảo Minh trừ phần trăm (%) mà trong hợp đồng không hề thể hiện. Theo đó, văn bản khấu trừ % mà phía Công ty Bảo Minh đưa ra áp dụng không có cơ sở pháp lý và chưa được thảo luận cùng người dân mà tự quyết lấy. Không cho người dân đứng vào đàm phán, do đó, người dân bức xúc và yêu cầu Bảo Minh sớm chi trả theo đúng hợp đồng.
Trước những thiệt thòi trên, các hộ nuôi tôm đến trao đổi với Công ty Bảo Minh Cà Mau về cách khấu trừ trên phần tiền của hộ nuôi thực lãnh và yêu cầu công ty giải trình nguyên nhân. Đại diện Công ty Bảo Minh Cà Mau cho rằng, hồ sơ chậm là chờ xét duyệt của Ban chỉ đạo tỉnh.
Thế nhưng, ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Ban Chỉ đạo Chương trình thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trên tôm, khẳng định: “Cần phải xem xét lại các hợp đồng của Công ty Bảo Minh Cà Mau trong thời gian qua vì đã tự ý bố trí thương lượng giảm trừ % với người dân, đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Một số trường hợp có nhiều ao, số ao bị thiệt hại dưới 50 ngày đúng ra phải bồi thường trước cho dân nhưng Bảo Minh không làm mà lại kéo dài thời gian, ép dân khấu trừ vào loại tôm bị thiệt hại trên 50 ngày tuổi”.
“Hợp đồng của chúng tôi đã ký kết thì phải chi trả cho đúng chứ không có lý do gì thay đổi với mức khấu trừ cao hơn. Đề nghị Bảo Minh sớm chi trả để chúng tôi có vốn tái sản xuất”, ông Phạm Minh Quang bức xúc./.
Theo quy định tỷ lệ mức độ thương lượng của Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Minh đưa ra áp dụng cho tôm ở giai đoạn từ 50 đến 52 ngày tuổi giảm trừ 15-20% số tiền bồi thường sau khi khấu trừ. 53-55 ngày, 56-58 ngày, 59-61 ngày giảm lần lượt 30%, 45%, 50%. Và sau ngày 61, thương lượng giảm 60% số tiền bồi thường sau khi khấu trừ. Với cách trừ này, 100% hộ nuôi tôm tham gia bảo hiểm đều bức xúc và không đồng tình.
Có thể bạn quan tâm
Anh Lâm Văn xuyến, 58 tuổi, ở thôn đầu suối A (xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc) trồng thí điểm 3.000 cây chuối trên 3 ha đất rẫy.
Là huyện miền núi ven biển có gần 70% là người dân tộc thiểu số, 5/6 xã là vùng đặc biệt khó khăn về kinh tế, nên việc nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa không chỉ đối với đời sống người dân mà còn là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế huyện Thuận Bắc phát triển.
Nhìn lại năm qua, với tổng sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh lên khoảng 63.669 tấn, vượt 11,7% kế hoạch và tăng 13,9% so với năm trước, có thể lạc quan trước sức phát triển mới về năng lực tàu cá tỉnh ta. Tuy nhiên, nếu nhìn ở cơ cấu hải sản đánh bắt với 80% sản lượng là cá cơm, cá nục và hầu như chưa có sự chuyển dịch đáng kể nào về thuyền nghề, chúng tôi không khỏi băn khoăn trước tương lai nghề cá tỉnh nhà.