Nông dân “biến” nông nghiệp thành du lịch ruộng đồng
Trong quá trình đô thị hoá, diện tích đất nông nghiệp ở thành phố Huế (Thừa Thiên - Huế) ngày càng thu hẹp. Trong bối cảnh đó, thành phố tích cực vận động nông dân làm du lịch cộng đồng gắn với sản xuất sạch, an toàn…
Trong ảnh: Bưởi thanh trà đặc sản của nông dân phường Thủy Biều, thành phố Huế được nhiều khách du lịch ưa chuộng. Ảnh: T.L
Tiềm năng du lịch cộng đồng
Chủ trương của Đảng bộ thành phố Huế là phát triển nông nghiệp đô thị, du lịch cộng đồng ở nông thôn. Hội ND thành phố Huế đã vận động, giúp đỡ hội viên, nông dân phát triển nông nghiệp gắn với chuyển đổi ngành nghề kinh doanh dịch vụ, phát triển du lịch. Trong trồng trọt, vận động nông dân áp dụng sản xuất hữu cơ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống.
Trong năm 2017, Hội ND thành phố Huế sẽ triển khai một số mô hình trồng rau hữu cơ tại các phường An Đông, Phú Hiệp, Hương Sơ… Trên cơ sở các mô hình sẽ thành lập các tổ sản xuất rau hữu cơ và các tổ hội, chi hội nghề nghiệp…”. Ông Nguyễn Văn Phu - Chủ tịch Hội ND TP. Huế
Ông Nguyễn Văn Phu - Chủ tịch Hội ND thành phố Huế cho biết, những năm gần đây, Hội ND thành phố và Hội ND các cơ sở đã khảo sát, xây dựng tuyến du lịch cộng đồng tại phường Thủy Biều. Đây là địa bàn có đặc sản bưởi thanh trà với những khu vườn rộng và là nơi có nhiều điểm di tích lịch sử văn hóa. Bên cạnh đó, Thủy Biều còn có hệ thống nhà rường cổ nằm bên cạnh dòng sông Hương thơ mộng.
Theo ông Phu, buổi đầu, các hộ vẫn còn bỡ ngỡ trong nhận thức, cách làm, thiếu kiến thức, vốn đầu tư… Nhưng với quyết tâm cao của cán bộ hội và các hộ nông dân, đến nay, tuyến du lịch cộng đồng của Hội ND phường Thủy Biều đã đi vào hoạt động và đã có 12 hộ nông dân với 22 lao động tham gia, bước đầu đã đón một số đoàn khách.
Ông Võ Trần Tuấn Hưng-Chủ tịch Hội ND phường Thủy Biều cho hay, trong quá trình tổ chức tuyến du lịch cộng đồng, Hội ND phường đã vận động các hộ nhà vườn phối hợp và cùng tham gia lễ hội thanh trà hàng năm để quảng bá với du khách, khuyếch trương tuyến du lịch nhà vườn nhằm nâng cao giá trị của loại quả đặc sản này, tạo thêm cơ hội tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập. “Chúng tôi có hàng trăm hộ trồng hơn 200ha thanh trà cùng hàng trăm ngôi nhà rường cổ - đó là tài nguyên làm du lịch rất tốt…” - ông Hưng bày tỏ.
Sản xuất sạch, an toàn
Hiện nay Hội ND phường Thủy Biều đã ký hợp đồng với các trường học trên địa bàn để kết nối và thực hiện các chuyến du lịch trải nghiệm cho các em học sinh và tiếp tục các chương trình quảng bá, giới thiệu với khách tham quan ở trong và ngoài nước; đồng thời đang mở rộng liên kết với các đơn vị kinh doanh du lịch để có thêm vốn đầu tư, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng tác nghiệp cho các hộ nông dân tham gia và kết nối với các tour du lịch khác để khai thác.
Để phát triển sản xuất an toàn, năm 2016, Hội ND thành phố Huế đã cùng Hội ND cơ sở vận động hội viên, nông dân phát triển mô hình trồng rau hữu cơ. Cũng như mô hình du lịch cộng đồng, bước đầu triển khai thực hiện cũng gặp rất nhiều khó khăn về nhân thức của nông dân, quy trình sản xuất, vốn đầu tư, thị trường tiêu thụ… Hội ND thành phố đã tổ chức tập huấn chuyển giao quy trình, tổ chức tham quan mô hình sản xuất hữu cơ ở các tỉnh bạn; đề xuất hỗ trợ lãi suất xây dựng mô hình; kết nối tiêu thụ sản phẩm. Mô hình trồng rau hữu cơ đã xây dựng thành công tại phường Kim Long với diện tích 0,5ha và có 8 hộ tham gia.
Có thể bạn quan tâm
Rất nhiều hộ nông dân ở Tây Nguyên phải hứng chịu “quả đắng” vì cây hồ tiêu chết hàng loạt. Tiêu chết cũng như giá hồ tiêu sụt giảm mạnh
Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông tin chính thức về một số thay đổi độc lực của virus cúm A/H7N9 ở gia cầm ở Trung Quốc.
Hội ND TP.HCM quyết định tăng hỗ trợ vốn từ 30 lên 50 triệu đồng với hộ gia đình và 500 triệu đồng với hợp tác xã (HTX) đã làm dịu “cơn khát vốn” với nông dân