Nông dân 8x không thích nói suông
Đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch Hội Nông dân (ND) xã Chu Hương, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) khi mới chỉ 26 tuổi, anh Bùi Văn Thiều luôn hăng hái, nhiệt huyết tìm cách giúp nông dân trong xã nâng cao thu nhập qua các mô hình sản xuất hiệu quả.
Làm kinh tế giỏi
Không phải ngẫu nhiên mà tất thảy người Tày, Dao, Kinh, Nùng ở xã Chu Hương luôn yêu mến, tin tưởng anh Thiều. Trước khi “ngồi ghế” Phó Chủ tịch Hội ND xã, anh Thiều là một trong những hộ tiên phong làm kinh tế trang trại ở địa phương.
Trong ảnh: Anh Bùi Văn Thiều (trái) giới thiệu về kinh nghiệm chăn nuôi gà thả vườn. Ảnh: Thu Hà
Làm cán bộ hội mà chỉ đứng ngoài hô hào, tuyên truyền suông thì đừng nên làm. Mình phải gần gũi, gắn bó với hội viên nông dân, phải hiểu họ đang cần gì, gặp khó khăn gì để tìm cách giải quyết, đề xuất với cấp ủy tháo gỡ khó khăn…”. Anh Bùi Văn Thiều
Năm 2008, sau khi tốt nghiệp Trung cấp Chăn nuôi thú y, anh Thiều trở về thôn Khuổi Cóng phát triển chăn nuôi. Anh tâm sự: “Ngay khi còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã quyết tâm sau này phải xây dựng được một trang trại chăn nuôi của riêng mình”. Tuy nhiên, lý tưởng và thực tế bao giờ cũng xa nhau. Những ngày đầu, anh Thiều gặp vô vàn khó khăn, nhất là vốn. “Không có nhiều vốn để mở trang trại quy mô lớn, tôi đi lên từ việc chăn nuôi nhỏ lẻ. Lúc đầu, tôi chỉ nuôi 200 con gà” - anh Thiều nhớ lại.
Áp dụng kiến thức đã được học tại trường cộng với việc tự mày mò, học hỏi qua những đợt nuôi thử nghiệm, anh đã nuôi thành công lứa gà đầu tiên. Lãi lứa này lại để đầu tư tái đàn, mở rộng quy mô nuôi lứa sau. Ngoài mở rộng chăn nuôi lợn, gà, vịt, anh Thiều còn đào 2 ao nuôi cá. Một ao nuôi cá trê phi, lươn và 1 ao nuôi cá rô phi đơn tính. Hiện, trang trại nhà anh Thiều lúc nào cũng có hàng nghìn con gà, hàng trăm con vịt, vài chục con lợn. Mỗi năm thu hơn 600 triệu đồng, trừ chi phí lãi cả trăm triệu đồng.
Giúp hội viên xóa nghèo
Năm 2012, anh Thiều đảm nhận chức Phó Chủ tịch Hội ND xã khi vừa tròn 26 tuổi. Anh Thiều cho hay: “Để không phụ sự tín nhiệm của hội viên, ND tôi luôn nhắc nhở bản thân phải giúp họ xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả”.
Phần lớn người dân ở Chu Hương là đồng bào dân tộc thiểu số, hạn chế về trình độ, kiến thức, vốn làm ăn cũng không có. Anh Thiều nhận định, đây chính là “nút thắt” khiến bà con mãi nghèo. Hiểu được điều đó, anh Thiều tìm mọi cách để tháo gỡ khó khăn. Với kiến thức học được và từ thực tế gia đình, anh Thiều thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức chăn nuôi với hội viên, nông dân. Ngoài ra, anh còn phối hợp các công ty cám, thuốc thú y mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, với vai trò là Phó Chủ tịch Hội ND xã, anh Thiều làm hết trách nhiệm để hội viên được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất.
Cùng với phát triển kinh tế gia đình, anh Thiều còn giúp đỡ hơn 50 hội viên, nông dân khó khăn khác về con giống, kinh nghiệm chăn nuôi và hỗ trợ cả việc tiêu thụ sản phẩm. Nhiều hộ trong số này đã thoát nghèo và có của ăn của để.
Ông Nguyễn Văn Đông – Chủ tịch UBND xã Chu Hương nhận xét: “Là cán bộ hội trẻ tuổi, Thiều rất nhiệt huyết, sáng tạo và luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả, Thiều đã tạo niềm tin cho bà con trong xã về đổi mới tư duy, tìm tòi phát triển kinh tế phù hợp điều kiện của địa phương”.
Có thể bạn quan tâm
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ lâu được xem là vựa lúa của cả nước, với nhiều đóng góp cho nông nghiệp và xuất khẩu.
Ghi nhận của phóng viên Dân Việt ở một số địa phương cho thấy, từ khi chưa có ý tưởng thành lập ngân hàng đất, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đi tìm đất thuê
Các mặt hàng nông sản chính đã lên tới 19,99 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2015. Như vậy 10 tháng năm 2016, ngành nông nghiệp xuất siêu gần 6,4 tỷ USD.